Thứ Sáu, 04/10/2024 08:34 SA
Nhà thơ Văn Công tựa vào thơ đứng dậy
Thứ Ba, 08/05/2007 07:18 SA

070507-van-cong.jpgCách đây gần nửa thế kỷ, khi đang còn trên ghế nhà trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi và các bạn trong khóa Ngữ văn đã rất thích thú chép tay những “bài thơ vượt tuyến” được giới thiệu trên Tuần báo Thống Nhất, một tờ báo được in ấn khá sang trọng so với nhiều báo khác ở thời điểm ấy cùng nhiều bài viết rất phong phú, hấp dẫn về đất nước con người miền Nam và cuộc đấu tranh bất khuất, kiên cường, đầy khó khăn, gian khổ của đồng bào dưới chế độ hà khắc của Mỹ - Diệm. Lần đầu tiên chúng tôi được biết đến những cái tên: Văn Công, Thanh Hải, Giang Nam, đặc biệt là khi những chùm thơ của các tác giả này được chọn trao giải cao của báo Thống Nhất, tiếp đó được giới thiệu rộng rãi trên các báo Nhân Dân, Tiền Phong, Quân đội Nhân dân, Tạp chí Văn nghệ… được đưa vào các tuyển tập thơ in đẹp trang trọng với số lượng lớn. Tôi còn nhớ như in cảm giác lần đầu tiên cùng với nhân dân Hà Nội, chúng tôi được đón đoàn đại biểu Mặt trận giải phóng miền Nam trong đó có nhà thơ Thanh Hải đặt chân lên miền Bắc sau khi đã phải đi đường vòng qua nhiều nước mới từ trên tàu hỏa của Trung Quốc bước xuống Hữu Nghị quan, Lạng Sơn để đi tiếp về Hà Nội. “Cách nhau có một mái chèo. Mà đi trăm núi ngàn đèo đến đây”. Nhà thơ Thanh Hải đã có những câu thơ đầy xúc động như thế về sự kiện này. Còn với Văn Công, Giang Nam thì phải gần 15 năm, sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, tôi mới được “nhìn tận mắt, bắt tận tay” ở thành phố biển Nha Trang. Nhưng cũng chỉ là gặp thoáng qua vì nhà thơ Giang Nam lúc ấy đã ra công tác ở Hà Nội, còn Văn Công lại đang là Bí thư Huyện ủy Tây Sơn, một huyện miền núi phía tây bắc của tỉnh Phú Khánh. Giữa năm 1977, tôi mới thật sự được làm quen với anh Văn Công và có một kỷ niệm rất đáng nhớ về anh.

 

Thời gian đó tỉnh Phú Khánh đã có Ban vận động thành lập Hội Văn học nghệ thuật tỉnh nhưng chưa tìm được ai sẽ là Chủ tịch Hội nên chưa tiến hành Đại hội được. Tôi lúc ấy chỉ là cán bộ thuộc diện tăng cường vào cho tỉnh với thời hạn từ 2 đến 3 năm, nhưng được anh Bảy Hữu (Nguyễn Xuân Hữu), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và anh Lê Trọng Khoan, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy rất quý mến và hay được hỏi ý kiến về những vấn đề văn hóa văn nghệ. Ban vận động thành lập Hội VHNT tỉnh lúc này do anh Cung Giũ Phú, Tổng Biên tập Báo Phú Khánh làm Bí thư Đảng Đoàn, kiêm Trưởng ban; anh Bằng Tín, ủy viên Đảng Đoàn, kiêm Phó ban. Theo ý của lãnh đạo tỉnh, tuy hai anh đều được tín nhiệm về mặt chính trị, đạo đức nhưng với văn nghệ sĩ còn ít người biết đến nên việc tập hợp đội ngũ sẽ còn nhiều hạn chế. Trả lời anh Bảy Hữu và Lê Trọng Khoan là nên mời ai về làm Chủ tịch Hội là tốt nhất, dường như không cần phải suy nghĩ nhiều, tôi nói ngay với các anh là nên mời anh Văn Công. Anh Văn Công là cán bộ chính trị có làm thơ từ nhiều năm nay được cả nước biết đến, từng được tặng giải cao về thơ ở miền Bắc, giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu ở miền Nam, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Hội Văn nghệ giải phóng khu V, giao nhiệm vụ Chủ tịch Hội văn nghệ cho anh ở thời điểm này là quá tốt cho phong trào. Các anh Bảy Hữu, Lê Trọng Khoan ủy nhiệm cho tôi lên Tây Sơn để thuyết phục anh. “Mình làm thơ là vì yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Gửi ra Bắc, các anh ấy thương miền Nam mới tặng giải, chớ mình đâu phải nhà thơ. Anh em trẻ bây giờ nhiều người tài giỏi lắm, cứ mạnh dạn để họ làm”. Anh đã trả lời như thế trong đêm hai anh em trò chuyện trong căn phòng riêng dành cho Bí thư Huyện ủy chỉ là căn phòng nhỏ chưa tới 10 mét vuông nơi đầu chiếc lán lợp tranh, vách nứa dùng làm trụ sở huyện ủy. Thấy tôi vẫn kiên trì thuyết phục, anh thổ lộ tâm sự: “Mình đã tự xác định là phải lo cho được việc ổn định và nâng cao đời sống cho bà con dân tộc ở đây ít nhất là theo kịp miền xuôi bây giờ, rồi mình nghỉ hưu, tiếp tục làm thơ thôi!”. Trước ngày tôi và mấy anh em cán bộ biên tập Đài Phát thanh và Sở Văn hóa tỉnh rời huyện, sau đêm đi xuống xã dự liên hoan văn nghệ với bà con dân tộc trở về, dù đã gần mười một giờ khuya, anh vẫn mời chúng tôi xuống nhà bếp của huyện ủy ăn cháo gà. “Gà anh em tự nuôi đấy. Huyện ủy còn nghèo nhưng anh chị em lên đây coi như về nhà, đừng ngại gì cả”. Tự tay anh đi múc thêm từng thìa cháo vào bát mỗi người. Chuyến đi ấy tuy không làm được nhiệm vụ được giao là thuyết phục anh về Nha Trang làm Chủ tịch Hội văn nghệ nhưng đã để lại trong tôi ấn tượng thật cao đẹp về con người anh.

 

070507-van-cong-1.jpg

12/1983, đồng chí Cao Xuân Thiêm Q.Chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh gặp lại tổ diệt ác giải phóng xã Thồ Lồ (1/1957)

Nhà thơ Văn Công tên thật là Cao Xuân Thiêm sinh vào tháng 5 năm Mậu Thìn-1928 trên đất Diễn Châu, Nghệ An. Sinh ra trong một gia đình Nho học với truyền thống khoa bảng rạng rỡ nhiều đời, họ Cao Xuân có nhiều người đỗ đạt cao, có những đóng góp lớn cho văn hóa nước nhà, đồng thời cũng giàu truyền thống cách mạng. Mới 16 tuổi, đang ngồi trên ghế nhà trường cậu bé Cao Xuân Thiêm bỗng nổi máu giang hồ, rủ một người bạn cùng trang lứa và chí khí như mình, bỏ học, tìm đường vào Nam để “mở rộng tầm mắt” “Không thể khoanh tay ngồi xó bếp. Nhìn đau thương bao phủ mái đầu xanh… Ta đi tìm chân trời rộng mở”. Gần 2 năm làm công để tự kiếm sống ở Huế, Đà Nẵng. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, chàng thiếu niên ham học hỏi, chăm làm, có tài làm thơ được nhận vào làm nhân viên văn phòng của Sở Liêm phóng Đà Nẵng. Tiếp đó nhận được tin cha đã qua đời, được phép về thăm quê hương ngay sau đó anh lại từ biệt mẹ già để tiếp tục vào Nam tham gia chiến đấu. Như một mối lương duyên tiền định, cuộc đời anh từ đó gắn bó với mảnh đất Phú Yên, đặc biệt là với đồng bào miền núi. Bây giờ nhìn lại suốt mấy chục năm chiến đấu công tác, kỷ niệm sâu sắc nhất với anh vẫn là những năm tháng gắn bó máu thịt với đồng bào các dân tộc thiểu số miền Tây để gây dựng phong trào, đặc biệt là mảnh đất Thồ Lồ - Phú Mỡ đã thành “miền đất huyền thoại” trong những năm chống Mỹ. Cùng đóng khố, đi chân đất, ăn củ rừng, rau rừng, tro tranh thay muối với đồng bào, mang những cái tên Ma Pốp, Ma Xoong, Ma Xí… anh được bà con yêu thương, đùm bọc và nghe lời anh, xây dựng Thồ Lồ từ cuộc sống hoang dã nơi núi rừng thành căn cứ cách mạng nổi tiếng, như một thành trì bất khả xâm phạm với kẻ thù.

 

Chính những năm tháng kẻ thù rải truyền đơn rao giá cái đầu của Ma Pốp đáng giá vạn đồng, anh vẫn cùng tù trưởng Ma Quân và các già làng ở Thồ Lồ xây dựng chính quyền cách mạng ngày càng vững chắc, làm hậu cứ cho cả tỉnh Phú Yên với niềm tin “Đốm lửa hôm nay lóe giữa rừng - Ngày mai sẽ rực đỏ non sông”. Thơ Văn Công thời gian này không chỉ được cán bộ, nhân dân Phú Yên chép truyền tay nhau đọc mà còn vượt tuyến ra Bắc, được chọn in trong các tập sách in hàng chục ngàn bản, gây tiếng vang lớn hồi đó như “Từ tuyến đầu Tổ quốc”, “Tiếng hát miền Nam”, “Thơ Việt Nam 1945-1990). Hai bài thơ “Lòng em” “Tiếng hát các em” của Văn Công được tặng giải nhất báo Thống Nhất năm 1960; bài thơ “Người cộng sản” được dịch ra tiếng Pháp in chung với các nhà thơ lớn Việt Nam trong tập “Người cộng sản” xuất bản tại Pari năm 1968. Năm 1965 Văn Công được giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu do Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam tổ chức. Những tin vui này thường đến với Văn Công khá chậm và khi được tin, dù rất vui mừng nhưng anh vẫn khiêm tốn, tự biết mình “tôi rất yêu thơ, say thơ nhưng làm thơ chỉ để phục vụ nhiệm vụ chính trị là chính”. Từng được giao nhiều nhiệm vụ với nhiều cương vị khác nhau, từ Bí thư chi bộ đến Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch rồi quyền Chủ tịch tỉnh, ở cương vị nào anh cũng làm việc hết mình để hoàn thành nhiệm vụ, được Đảng tin, dân mến. Mãi đến khi tuổi đã ngoài 40, trong một lần bị thương phải điều trị dài ngày, được tổ chức Đảng quan tâm, anh mới lập gia đình, để rồi “Tuổi xế chiều chập chững biết làm cha!”. Năm 1989, tỉnh Phú Yên được tái lập anh trả lại ngôi nhà “mặt tiền” dành cho Phó Chủ tịch tỉnh ở thành phố Nha Trang, về Tuy Hòa. Mãi đến gần 6 năm sau, 1995, mới được cấp đất để tự xây cất làm ngôi nhà như hiện nay. Anh chị sống rất thanh thản với đồng lương hưu như mọi cán bộ hưu. Những tập sách mới, cả thơ, văn, khảo cứu của ông liên tiếp ra mắt bạn đọc. “Khúc hát miền quê” (thơ, 1985), “Miền đất huyền thoại” (ký, 1990), “Vùng đất lửa” (ký, 1992), “Trước chiều gió” (thơ, 1996), “Hương đêm” (thơ, 1996), “Hậu cần nhân dân” (ký, 1997), “Người Bana ở Phú Yên” (khảo cứu, 1998), “Ký ức về một miền đất” (hồi ký, 2001), “Tuyển tập thơ văn” (2003), “Sống và viết ở chiến trường” (ký, 2006), chưa kể đến hàng chục tập sách khác in chung với những tác giả khác và trong các tuyển tập văn, thơ của địa phương và Trung ương. Hiện anh đã hoàn thành bản thảo để chuẩn bị đưa in tập “Một chặng đường thơ”, chọn lọc những bài thơ tâm đắc nhất.

Nhớ về Văn Công, nhắm mắt lại tôi cứ hình dung như một con chim từ quê hương Xô viết cất cánh bay vào phương Nam từ những ngày còn non trẻ nhưng với đôi cánh cách mạng và thơ, cánh chim không mỏi Văn Công dang rộng cánh gọi đàn trên núi rừng Tây Nguyên, nay đang đậu trên miền đất chọn làm quê hương thứ hai của mình trong sự yêu thương, trân trọng của cộng đồng.

 

Đêm thơ Nguyên tiêu trên núi Nhạn năm nay do sức khỏe giảm sút, việc đi lại khó khăn, ông không lên được núi Nhạn nhưng thơ ông vẫn hiện diện như nhiều năm trước. Bài thơ của ông được giới thiệu ngay trong phần mở đầu của chương trình có tựa đề khá thú vị: “Say”. Đó là Say đời và Say thơ. “Đời không thể thiếu thơ - Nếu thiếu thơ làm sao vượt qua sóng gió?”, “Tám mươi tuổi thơ còn bay bổng - Thiếu thơ đời sẽ lạc lõng bơ vơ”.

 

Thật vui mừng là ở tuổi 80 này, với nhà thơ Văn Công, thơ không chỉ là người con gái hiếu thảo chăm sóc tuổi già mà vẫn là người yêu chung thủy luôn đồng hành, tiếp sức cho ông khiến ông luôn có thêm sức mạnh niềm tin và tâm hồn thanh thản để mãi yêu đời, yêu thơ.

 

NGUYỄN GIA NÙNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek