Thứ Hai, 01/07/2024 17:03 CH
Nhà thơ Trịnh Công Lộc:
Đau đáu hướng về biển đảo
Thứ Ba, 17/06/2014 14:00 CH

Đau đáu với phần máu thịt của Tổ quốc ngoài khơi xa và có nhiều bài thơ tràn đầy cảm xúc về biển đảo - đó là nhà thơ Trịnh Công Lộc. Tác giả Cánh buồm nâu, Mộ gió, Từ biển mà đi, Lời của sóng… ghi dấu ấn bằng những tác phẩm dung dị nhưng sâu sắc, với tứ thơ độc đáo.

 

Nhà thơ Trịnh Công Lộc (Ảnh do nhân vật cung cấp)

* Thời gian qua, tên ông gắn liền với bài thơ Mộ gió viết về những ngôi mộ không di cốt của các hùng binh Hoàng Sa mãi mãi không về. Bên cạnh thi phẩm nổi tiếng này, ông còn viết nhiều bài thơ về biển đảo, trong đó có những bài mới toanh, được sáng tác khi biển Đông dậy sóng. Điều gì tạo nên nguồn cảm hứng bất tận đó, thưa ông?

 

- Xin nói một chút về Mộ gió. Văn hóa dân gian Việt Nam là văn hóa tâm linh. Tưởng nhớ những người đi biển không trở về bằng những ngôi mộ gió thì chỉ có ở cư dân vùng biển nước ta. Phong tục này đã có từ hàng ngàn năm trước. Những ngôi mộ gió dành cho những ngư lính, hùng binh giữ biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa của triều đình phong kiến Việt Nam từ thế kỷ XVII, XVIII, nhiều nhất là vùng biển đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Những ngôi mộ gió ở đây gắn liền với dấu ấn lịch sử dân tộc. Đó là một nét độc đáo, đặc sắc của văn hóa tâm linh, văn hóa biển đảo Việt Nam. Mộ gió tôn vinh tất cả những ai có công gìn giữ biển đảo, biên cương của Tổ quốc.

 

Tôi có may mắn được sống ở những vùng biển đảo, biên cương đã qua nhiều biến động. Thật không nói hết được tâm trạng của mình, song trên hết là những đau đáu, những cảm xúc tràn lên không kìm nén được về lãnh hải, lãnh thổ của đất nước bị xâm phạm. Tổ quốc và dân tộc là cội nguồn sâu sa nhất của lòng yêu nước, yêu người. Nhà thơ lấy thơ để bày tỏ thái độ và trách nhiệm công dân.

 

* Nhiều người vẫn “mặc định” chân dung các nhà thơ là mơ mộng và ngơ ngác trước cơm áo gạo tiền. Tuy nhiên, có những nhà thơ rất thực tế, rất sắc sảo và không hề ngơ ngác. Ông thuộc tuýp nào, thưa ông?

 

- Mình vừa phải làm việc và làm thơ!

 

* Nếu đưa ra một “định nghĩa” về thơ, thì ông sẽ “định nghĩa” như thế nào?

 

- Thơ là cái cớ để chia sẻ với mọi người.

 

Nhà thơ Trịnh Công Lộc sinh năm 1952 ở Thái Bình, tốt nghiệp Khoa Văn Trường đại học Sư phạm 1 Hà Nội và có gần 40 năm công tác tại Quảng Ninh. Cách đây 2 năm, ông chuyển công tác về Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương. Nhà thơ Trịnh Công Lộc đã xuất bản 2 tập thơ: Cánh buồm nâu và Mộ gió.

* Có ý kiến cho rằng thơ hay phải làm cho người ta nhớ và thuộc, song một số người thì bảo, thời thuộc làu thơ đã qua rồi, các cây bút hãy làm thế nào để thơ chạm vào trái tim người đọc. Quan điểm của ông thì sao?

 

- Thời kỳ trước, người ta thuộc thơ, ví dụ như thuộc Truyện Kiều. Còn bây giờ, do nhu cầu phát triển và đổi mới, thơ không theo các thể truyền thống như ngày xưa nữa, và cũng không còn có thời gian để ngẫm ngợi, nói chuyện rỗi rãi bằng thơ. Do nhịp sống sôi động, gấp gáp và sự tiếp nhận văn học nước ngoài vào Việt Nam, bây giờ người ta không thuộc thơ mà nhớ thơ, trước hết là nhớ cái tứ của bài thơ. Khi người làm thơ có cái tứ độc đáo thì những người yêu thơ nhớ rất lâu. Và bên cạnh cái tứ đó thì người ta nhớ những câu thơ ấn tượng, những câu rất “đắt”.

 

* Các cây bút trẻ luôn tìm cách làm mới mình và làm mới thơ, kể cả bằng cách khá “cực đoan” và cho ra đời những tác phẩm khó hiểu. Những nhà thơ thuộc thế hệ ông đổi mới thơ như thế nào?

 

- Đổi mới là nhu cầu tất yếu. Tuy nhiên, mọi sự đổi mới đều không thể tách rời văn hóa dân tộc, không được mất gốc, mất đi bản sắc dân tộc. Người ta nói bản sắc dân tộc là căn cước để người Việt Nam ra nước ngoài. Dân tộc nào cũng có bản sắc riêng, và dân tộc nào cũng đổi mới chứ không riêng gì ở lĩnh vực thơ ca. Song nếu xa rời bản sắc, cội nguồn dân tộc, thoát khỏi hiện thực mà chỉ có câu chữ thôi thì đâm ra kềnh càng, khó hiểu và làm mất đi giá trị đích thực của thơ ca.

 

* Bên cạnh đề tài biển đảo, ông tâm huyết với mảng đề tài nào?

 

- Tôi có mấy thế mạnh, không phải tài hoa gì đâu, mà chính vì những vấn đề ấy chạm đến cảm xúc của mình nhanh nhất. Thứ nhất là biển đảo, thứ hai là lịch sử, thứ ba là thời cuộc. Tất cả những yếu tố đó quyện với nhau, tạo thành một chỉnh thể, tạo nên cảm xúc mạnh mẽ. “Mỗi tấc đất, đã bao nhiêu máu/ Thắm lên từng vách núi, ngọn cây/ Mỗi đỉnh núi, một bàn thờ Tổ quốc/ Ngát linh hương nghi ngút trời mây!”

 

* Xin cảm ơn nhà thơ.

Còn đấy, Hoàng Sa! – thơ TRỊNH CÔNG LỘC

Hoàng Sa,

lại tai ương ập đến

Lại hung thần dằn dữ vào đây

Mặn mòi thế, trắng miền xa lắc

Sóng cuối trời lấp lóa chân mây

Làm sao quên

- giây phút tháng năm này (*)

Thăm thẳm đau, nhói thềm lục địa

Thăm thẳm xót chập chùng xương máu

Thuở ngàn xưa mở cõi biển Đông

Dẫu đến đâu,

cũng phải đến cùng

Ngàn dặm đường khơi, tàu giăng khắp lối

Biển của ta, muốn bình yên bờ cõi

Còn đấy Hoàng Sa ,

cột mốc giữa muôn trùng!

---------------------

(*) Sự kiện từ ngày 1/5/2014, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam.

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek