Thứ Hai, 07/10/2024 21:27 CH
Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng
Thứ Tư, 30/04/2014 08:00 SA

LTS. Nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Nhà xuất bản Thanh niên xuất bản tập truyện ký Tàu không số trên bến Vũng Rô của cố Nhà văn, nhà báo Tô Phương (nguyên Tổng Biên tập Báo Phú Yên).

Nhà văn, nhà báo Tô Phương là một trong những phóng viên chiến trường kỳ cựu của Báo Quân đội nhân dân, xông xáo tác nghiệp ở nhiều mặt trận nóng bỏng trong chiến tranh chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc.

Trong cuộc Tổng tấn công mùa xuân năm 1975, ông có mặt ở chiến trường miền Nam khá sớm, theo bước chân những cánh quân thần tốc, có mặt tại dinh Độc Lập ngày 30/4/1975.

Báo Phú Yên trích đăng bài ký “Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng” trong tập truyện ký Tàu không số trên bến Vũng Rô. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

tks140430.jpg

Giữa tháng 4/1975, chúng tôi cùng hành quân với Trung đoàn Đồng Xoài anh hùng. Tháng 1/1975, đơn vị tham gia giải phóng tỉnh Phước Long. Ngày 11/3/1975 vừa lập công ở Dầu Tiếng, Chơn Thành (Thủ Dầu Một), nay đơn vị nhận nhiệm vụ thọc sâu về hướng tây - nam để chặn địch ở đường số 4 và đánh vào Sài Gòn.

Đồng Tháp mênh mông tít tắp, không có cây cối lớn, toàn là dưng và cỏ, thỉnh thoảng mới có những khóm tràm. Không đi đường có sẵn, đội hình hành quân như những mũi dao xé bưng mà đi. Dưng, cỏ lác cao quá đầu cũng phải rạp xuống thành những thảm dày cho bộ đội vượt lên.

Cán bộ, chiến sĩ đoàn Đồng Xoài sinh ra và lớn lên ở miền Đông, dấu chân họ đi khắp bưng biển Đồng Tháp, gian khổ là chuyện bình thường. Hôm nay đi sang hướng này, mỗi người phải mang 4 ngày gạo, 5 ngày lương khô, thêm một số cơ đạn và vác một quả đạn pháo giúp pháo binh. Ngoài bộ quần áo mặc trong người, chiếc võng quấn ngang thắt lưng, chiếc bồng trên lưng chỉ đựng gạo và đạn. Thà để bớt lại quần áo chứ không ai để thiếu một viên đạn.

Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu từ ngày 26/4/1975. Chúng tôi theo sở chỉ huy nhẹ trung đoàn đi xe bọc thép lên trước. Tin thắng trận dồn dập về: phía nam, sau khi giải phóng Thịnh Trị, Thủ Thừa (Kiến Tường), đơn vị bạn làm nhiệm vụ chốt chặn chia cắt chiến lược đã làm chủ lộ 4 nhiều đoạn. Phía trước, một đơn vị khác đã dọn xong căn cứ Hiệp Hòa (Long An). Toàn sư đoàn náo nức tiên nhập trận địa, nhưng phải tuyệt đối giữ bí mật.

Sau khi làm lễ xuất quân ở khu rừng thốt nốt sát biên giới Campuchia, Trung đoàn 1, Trung đoàn 3 như những cơn lốc lớn cùng Đoàn thiết giáp 26 bất ngờ vượt sông Vàm Cỏ Đông tiến lên đánh chiếm Bến Lức, Trầm Gò, trên đường số 4, chặt đứt một mắt xích quan trọng trên tuyến phòng thủ vòng ngoài Sài Gòn - Chợ Lớn. Trời xẩm tối. Trung đoàn Đồng Xoài rời khỏi các lũy tre làng. Những cánh đồng lúa đang lên đòng xanh thắm. Lác đác có chân ruộng đã trổ tỏa hương thơm. Sau những cơn mưa đầu mùa, nước đã xâm xấp bờ ruộng thấp.

Trời cao lồng lộng, trăng 17 vừa lên thì bộ đội tiến đến bờ sông Vàm Cỏ Đông. Các trận địa pháo 175 ly, 155 ly của địch từ Trảng Bàng, Gò Dầu Hạ bắn xăm bắn chặn hai bên bờ sông. Lập tức pháo ở xe các tăng, các trận địa, 4 pháo binh bắn trả, làm pháo địch câm họng. Trong chốc lát, đoàn 8 công binh đã bắc xong hai cầu phao. Bộ binh theo xe tăng trên cầu phao, một bộ phận đi thuyền gắn máy. Hằng trăm ghe xuồng của bà con ở xã Long Hòa tấp nập qua lại trên sông, mỗi chiếc một chuyến chở từ 30 đến 50 người. Bộ phận chúng tôi vượt sông lúc 12 giờ đêm, nước thủy triều đang xuống hai bên bờ ló lên những khóm le nước, tràm và móp mà sông vẫn còn rộng khoảng 160m. Sông rộng, cầu phao thiếu khoảng một nhịp, anh chị em du kích xã Long Giang phối hợp cùng bộ đội ghép ghe lấy ván làm đà, làm dầm cầu bảo đảm tốt cho xe bọc thép và bộ binh vượt sông.

Đơn vị ém quân ở một địa thế hết sức bất ngờ, ưu tiên xe tăng giấu quân ở một địa hình thuận lợi hơn, có trâm bầu, bình bán lúp xúp. Còn bộ binh thì ở cả ngoài bãi dưng chỉ cao đến thắt lưng, có nước phèn lắp xắp. Muỗi ở Đồng Tháp như trấu, đốt đau như ong châm, nhưng không phải là loại muỗi sốt rét. Chúng tôi phải đào một cái hố vừa người nằm, lấy mũ tát hết nước phèn, trải cỏ rồi phủ ni lông lên trên, mắc màn thấp sát thành bờ để ngủ. Đỉa Đồng Tháp thật dữ tợn chưa cắn đã to bằng cán dao. Đánh hơi người, đỉa mò vào quấy rầy suốt đêm. Thâu đêm, chúng tôi không ai ngủ được. Không phải chỉ có muỗi, đỉa mà các bốt địch cách chúng tôi có hơn hai cây số bắn cối suốt đêm. Không sợ địch, mà chúng tôi chỉ sợ bọn chúng đánh hơi thấy Quân giải phóng rồi chạy trước mất, du kích địa phương không “xơi” được như đã phân công trước thì uổng quá.

Cả ngày, bộ đội ăn cơm vắt. Cơm bị ngập sình ướt sũng, ăn vẫn ngon. Dường như từ ngày bước vào chiến dịch, bộ đội ăn ít cơm hơn. Thế mà ai cũng khỏe, số quân đơn vị nào cũng bảo đảm 100% vào chiến dịch. Ở Tiểu đoàn 3, các cậu Thỏa, Minh, Chiến, Cường soosts rets4,5 ngày liền cũng nhất quyết xin đi, không chịu nằm lại hậu cứ. Bình, Thắng ở Tiểu đoàn 4, vết thương chưa lành hẳn cũng xin ra viện để về đơn vị kịp tham gia chiến đấu. Viên, Thụy, Hùng ở tiểu đoàn 6 có nhiệm vụ chuyển tài liệu về phía sau. Đoạn đường phải đi và về mất 4 ngày, anh em chỉ đi về trong 2 ngày để kịp cùng đơn vị vào chiến dịch. Mọi người đều tự hào: Được tham gia chiến dịch là niềm vinh dự lớn. Lúc đầu, phòng chính trị sư đoàn định để cô Thanh y tá và cô Mai nuôi quân lại phía sau. Mới nghe tin, cả hai đều bỏ ăn, khóc sướt mướt. Khi anh Ba Nhâm chủ nhiệm chính trị đồng ý cho đi thì cả hai mừng quýnh lên cười và hát “Sài Gòn ơi ta đã về đây, ta đã về đây…”.

Anh Lê Giao, chính ủy Trung đoàn Đồng Xoài tóc đã hoa râm, tôi ít thấy anh hát, thế mà mấy bữa nay anh luôn miệng hát bài “Tiến về Sài Gòn” với chiến sĩ.

Tin chiến thắng Bình Tuy, Phước Tuy, Vũng Tàu, Biên Hòa… đài giải phóng vừa truyền đi càng thúc giục, hôm nay chúng tôi hành quân tiến nhập sớm. Pháo địch dồn dập bắn chặn đường. Máy bay C130 bay cao tít cắt bom tọa độ bị tên lửa ta phụt lên, vội cút mất. Mũi đi trước, chạm Tiểu đoàn 46 sư 25 ngụy nống ra. Lập tức chúng bị đập tan ngay. Lúc đi qua xa An Ninh (Hậu Nghĩa), chúng tôi gặp rất nhiều anh chị em du kích đang khiêng vác chiến lợi phẩm và giải từng đoàn tù binh. Toàn là bọn lính sư 25 bị bồi và tóm cổ. Tôi gặp anh Ba Trung cán bộ Huyện đội Đức Huệ, anh cho biết sáng nay bốt Am Mỹ, Lộc Giang du kích vừa nổ súng địch đã tháo chạy. Chiều nay trong buổi mừng chiến thắng, bà con hai xã An Mỹ, Lộc Giang đã cử hơn 50 thanh niên tòng quân. Sau chiến thắng Đức Huệ, nhân dân náo nức trở về làng cũ, sẵn sàng chi viện sức người, sức của cho mặt trận.

Các đơn vị xe tăng tiến nhanh quá, chúng tôi vừa đi vừa chạy, hành quân trắng đêm. Dọc đường đồn bót địch còn bốc cháy.

Pháo binh ta nã dồn dập vào các mục tiêu địch phía trước. Xe tăng và xe thiết giáp dẫn bộ binh ta xông lên. Nhân dân đốt đuốc, gõ chiếng, trống, mõ nổi dậy diệt bọn ác ôn ngoan cố và gọi lính ngụy ra hàng.

Rời sở chỉ huy sư đoàn 3, chúng tôi bám theo một đơn vị xe tăng đang tiến lên. Cuộc chiến đấu trong trung tâm TX Hậu Nghĩa diễn ra không đầy 2 tiếng đồng hồ thì địch đầu hàng. Tảng sáng, Quân giải phóng kiểm soát hoàn toàn TX Khiêm Cường (tỉnh lỵ Hậu An) cũng bị các tiểu đoàn 2,3,4 của Trung đoàn 25 và Đoàn thiết giáp 23 Quân giải phóng đánh cho tan tành. Bà con các xã vùng phụ cận phần đông là bà già, phụ nữ dùng gậy gộc vây bắt tù binh. Đập phá cửa nhà tù giải phóng đồng bào yêu nước bị địch bắt giam. Sau đó 2 giờ địch cho Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 50, Sư 25 ra tiếp viện cho Hậu Nghĩa. Dọc đường, chúng bị Trung đoàn Đồng Xoài đánh cho chạy tan tác, buộc phải kéo cờ trắng đầu hàng.

Đã qua một chặng đường gian khổ, vừa đi vừa đánh. Sáng 30/4/1975 chỉ còn cách Sài Gòn theo đường chim bay khoảng 25km. Xe thiết giáp, xe tăng và bộ binh toàn bộ mặt trận Tây và Tây Nam Sài Gòn dàn hàng ngang vừa vận động vừa đánh địch giữa ban ngày. Bộ binh, xe tăng, pháo binh, công binh phối hợp cùng dân quân du kích các xã ven đô từ ấp Tân Lập đánh xuống ngã ba Bà Quẹo, ngã tư Trung Chánh, lộ Đại Hàn đến quốc lộ 1 (trại lính dù), từ Phú Lâm vào Chợ Lớn. Xác địch chết ngổn ngang. Trên đường và dưới ruộng, áo quần, mũ mão, giày dép, súng đạn của binh lính ngụy tháo chạy, lột vứt bừa bãi.

Vượt qua ngã tư Bảy Hiền, Tiểu đoàn 4 Trung đoàn Đồng Xoài mở một mũi thọc sâu xuống đường Trương Minh Giảng tới phủ tổng thống ngụy. Lúc này đã gặp hàng chục xe tăng chở bộ binh từ phía đông, đông bắc Sài Gòn có mặt quanh phủ tổng thống ngụy. Nhiều loạt đại bác trên tháp pháo xe tăng chào mừng chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Lá cờ chiến thắng đã phấp phới tung bay trên nóc phủ tổng thống ngụy. Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng.

TÔ PHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek