Ở tuổi 79, ông Phí Trớt, người được dân khu phố Phú Thọ 1 (thị trấn Hòa Hiệp Trung, Đông Hòa) vẫn gọi là ông ba Trớt, có giọng nói còn trong trẻo lắm, mắt còn sáng lắm và chân tay còn linh hoạt lắm! Ông ba Trớt được trời phú chất giọng hay, phù hợp với hò bá trạo, được hát trong mỗi dịp lễ hội cầu ngư của cư dân miền biển. Ông ba Trớt đã góp tiếng hát của mình phục vụ lễ hội 30 năm qua.
Ông Phí Trớt đang tập múa siêu chèo - Ảnh: T.DIỆU
Sống ở vùng biển, thời thiếu niên ông Trớt đã tham gia vào đội hò bá trạo khu phố Phú Thọ 1 với vai trò là một chèo viên. Các thành viên trong đội hò bá trạo mô phỏng lại số thành viên trên một chiếc thuyền đi biển. Theo đó, một đội hò bá trạo thường có 17 thành viên, bao gồm: tổng lái giữ vai trò tổng chỉ huy trên thuyền; tổng khuôn: giữ gàu tát nước, canh thuyền, coi gió; tổng mũi: trông coi phương hướng và đội chèo với khoảng 14 thiếu niên tuổi từ 12 đến 16. Các thành viên đều không mắc tang chế, không làm chuyện ô uế.
Người đóng vai tổng lái là người cao niên, có uy tín. Quan trọng nhất, tổng lái phải có giọng hát hay có thể lên được giọng xuân với các quãng cao, âm vực rộng; hát giọng nam với quãng trung, trữ tình; múa siêu giỏi nếu có vốn võ nghệ chắc chắn thì càng tăng thêm phần hay. Tổng lái còn phải thuộc nằm lòng các đoạn hát của tổng khuôn, tổng mũi và đội chèo để “bày” cho họ hát, diễn.
Ông Ba Trớt bắt đầu bài hò bá trạo bằng câu hát thán, xưng danh: Dạ tui là tên cột/ cột là cột chèo/ mẹ tui vốn thiệt là bà quai/ quai là quai chèo/ sanh một đứa con trai đặt tên là chú guốc/ lạch sông nào cũng thuộc/ đặt tên là tổng chèo/ ba trạo biết tui biết/ bắt ra sau cầm lái/ ơ ba trạo sao mai đà lố mọc/ tràng ba trạo gây chèo/ trước mũi khá lấy neo/ sau tổng ta luồn bánh…
Rồi ông lại hát tiếp một đoạn giọng nam khách để cầu: Đại nam trên bổ ngân hà/dân giàu nước mạnh nhà nhà ấm no/ xe tơ một mối phổ thiên/ chín châu lai láng nam hồ lộng khơi/ bốn phương Bình Định đôi nơi/ người dân Phú Thọ thật là ấm no…
Như muốn thể hiện cho tròn bài hò bá trạo, ông ba Trớt trích hát giọng nam canh đoạn hát của ông tổng khuôn:
Đêm tăm tối một mình sợ buồn ngủ/ hát ít câu để giải buồn khỏi buồn ngủ để cho anh em an nghỉ/ một canh trống điểm sụt sùi/ giảng dân tiến trạo sụt sùi trẩu ca/ hai canh vừa bãi trường xa/ mênh mông biển rộng thuyền qua chập chòng/ ba canh phương phất gió đông/ lộng khơi thuyền bá giữa dòng lênh đênh/ bốn canh nghe tiếng thần linh/ bốn phương dưỡng dọc thanh minh thái hòa/ năm canh vừa mới sáng ra/ bình minh giỡn nguyệt sang qua tuyệt đời/ nhìn trời lơ láo thấy mây tháo như tên/ buông gàu nọ nhảy lên tâu qua chu phụ (tổng lái)…
Ông ba Trớt nói thêm, tổng mũi phụ trách việc giữ nhịp cho cả đội hò bá trạo. Sau nhịp sanh thứ nhất của tổng mũi, đội chèo sẽ vừa múa chèo vừa đồng thanh hát “là hù hò khoan”; tiếp đến tiếng nhịp sanh thứ 2, đội chèo sẽ đồng thanh hát “là hù hò khoan khoan ớ khoan hò khoan”. Và như thế, cả đội hò bá trạo hát lặp đi lặp lại hai câu trên. Đây là hai câu hát nhằm đưa hơi cho cả tập thể và cổ vũ tinh thần đoàn kết cho cả đội. Ông hát thị phạm đoạn hát của tổng mũi: Ngày xưa tạo hóa chiếc thuyền/ là hù là khoan/ tơ lang khéo chấp mối viền khéo tương/ là hù hò khoan khoan ớ khoan hò khoan…
Ông ba Trớt dường như muốn người nghe phải hiểu tận ngọn nguồn câu chuyện. Ông bảo, từ xưa, ngư dân gặp mưa gió, mắc nạn trên biển được thần nam hải cứu thoát nạn. Để tưởng nhớ công đức của thần nam hải, hằng năm, cứ vào mùng 8/5 (âm lịch), cư dân thị trấn Hòa Hiệp Trung lại tụ về khu phố Phú Thọ 3 để xem lễ hội cầu ngư. Theo truyền thống, đội lễ sẽ nghinh ông vào lăng, lạy bái, đọc văn tế và đội hò bá trạo khởi trống hát lễ cúng thần. Ông nhấn mạnh, hò bá trạo chỉ hát lễ không hát hội như tuồng.
Ông Hồ Văn Ngó, thầy lễ đội hò bá trạo khu phố Phú Thọ 1, cho biết: “Tôi và ông ba Trớt đã đồng hành cùng nhau 30 năm nay trong lễ hội cầu ngư, không chỉ ở Hòa Hiệp Trung mà còn ở nhiều nơi khác. Ở đâu, ông ba Trớt cũng hát bài bản hò bá trạo truyền thống ở Hòa Hiệp Trung”.
Trong dịp Festival Thủy sản Việt Nam - Phú Yên 2014 vừa qua, đội hò bá trạo tỉnh Khánh Hòa có phần trình diễn giao lưu lễ hội cầu ngư tại thị trấn Hòa Hiệp Trung. Đội hò bá trạo tỉnh Khánh Hòa múa siêu chèo rất đẹp nhưng người dân không thích bằng đội hò bá trạo của khu phố Phú Thọ 1. Bởi vì, đội bạn đã thu đĩa phần hát lễ. “Ông ba Trớt, có giọng hát hay, múa đẹp vẫn chinh phục khán giả thị trấn Hòa Hiệp Trung 30 năm nay. Bởi ông luôn say mê, cống hiến trong mỗi lần hát lễ. Người dân thị trấn Hòa Hiệp Trung rất tự hào vì những đóng góp của ông và đội hò bá trạo”, ông Nguyễn Hữu Khương, Phó chủ tịch UBND thị trấn Hòa Hiệp Trung cho biết.
Hiện ông ba Trớt đang ra sức truyền dạy các ngón nghề hò bá trạo cho con cháu, để thế hệ kế tục giữ gìn bản sắc văn hóa của người dân miền biển một cách đặc sắc nhất.
DIỆU ANH