Đi qua khúc ruột miền Trung gió lào cát trắng, dằng dặc nhớ thương, ghé lại Hải Dương ấm tình anh em từ những năm tháng chiến tranh khói lửa rồi ngược lên Tây Bắc đèo dốc chập chùng, đến chiều 14/4, đoàn văn nghệ sĩ Phú Yên đặt chân lên Điện Biên Phủ.
Du khách thăm tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ ở trung tâm TP Điện Biên - Ảnh: D.T.XUÂN
60 năm trôi qua, chiến trường xưa giờ sầm uất, nhộn nhịp bước chân và những nụ cười. 60 năm trôi qua, những người lính từng góp phần làm nên chiến thắng chấn động địa cầu giờ đã chân yếu mắt mờ tóc bạc, còn đồng đội họ, hơn 4.000 người lính vĩnh viễn nằm lại trên đồi A1, C2, D1, C1, Độc Lập, trên cánh đồng Mường Thanh… thì mãi mãi tuổi xanh.
Trong khói hương thành kính rưng rưng, các nhạc sĩ, nhà văn, nghệ sĩ nhiếp ảnh… đến từ Phú Yên cúi đầu trước anh linh 2.432 người con đất Việt yên nghỉ trong Nghĩa trang liệt sĩ Đồi Độc Lập. Ai là người ra đi từ mái tranh nghèo? Ai là người ra đi từ phố phường Hà Nội? Họ bình yên bên nhau, dưới những ngôi mộ không tên. Tiếng bom rền đạn nổ chỉ còn trong ký ức, đồi Độc Lập xao xác gió trên những vòm cây. Và xao xác hương bay nghẹn lòng người đến viếng.
Khẽ khàng bước đi, khẽ khàng nâng máy ảnh, chừng như văn nghệ sĩ Phú Yên không muốn làm xao động buổi sáng trong veo thanh khiết trên đồi Độc Lập, nơi hàng nghìn người lính yên giấc thu khi đất nước sạch bóng quân thù.
Những ngày này, cả nước hướng về Điện Biên; Khu di tích chiến trường Điện Biên Phủ ở TP Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên nhộn nhịp bước chân bạn bè đến từ khắp các tỉnh thành. Kia, cầu và sân bay Mường Thanh đã đi vào lịch sử. Kia, hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát ở trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ năm xưa, trên cánh đồng Mường Thanh. Tại đây, vào lúc 17 giờ 30 ngày 7/5/1954, người lính Điện Biên Tạ Quốc Luật, Chỉ huy trưởng Đại đội 360, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 đã bắt sống tướng Đờ Cát.
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại hầm của tướng Đờ Cát - Ảnh: D.T.XUÂN
Và đây, đồi A1 - cứ điểm quan trọng nhất trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, nơi diễn ra những trận đánh vô cùng ác liệt cách đây 60 năm. Các hạng mục tiêu biểu trong di tích đặc biệt này đã được khôi phục nhằm tái hiện phần nào cục diện cuộc chiến năm 1954, như hầm chỉ huy cứ điểm, hầm đại liên trên đỉnh đồi, lô cốt Cây Đa Cụt…, đặc biệt là đường hầm đặt bộc phá và dấu tích trận nổ bộc phá nghìn cân của quân ta mà các chiến sĩ Điện Biên ngày ấy thường gọi là “đào hầm để trị hầm”. Trên ngọn đồi anh hùng A1 còn có xác một chiếc xe tăng Pháp.
Rời đồi A1, đoàn văn nghệ sĩ Phú Yên đến với Bảo tàng Điện Biên Phủ, nơi hàng trăm hiện vật “kể” với khách tham quan về sức mạnh và những điều kỳ diệu làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Bên cạnh nhà bảo tàng được xây dựng vào năm 1984 nhân kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ là công trình nhà bảo tàng mới với kiến trúc độc đáo, đang được gấp rút hoàn thành đúng vào dịp tỉnh Điện Biên long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ.
Cách TP Điện Biên Phủ 25km về phía đông, trong khu rừng nguyên sinh Mường Phăng là di tích lịch sử lừng danh: Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhẹ bước vào lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, văn nghệ sĩ Phú Yên trào dâng niềm xúc động, nhớ về vị Đại tướng trí dũng song toàn, nhân cách ngời sáng, đã chỉ huy quân và dân ta làm nên chiến thắng chấn động địa cầu.
Theo Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên, chuyến đi thực tế sáng tác ở Điện Biên Phủ là hoạt động mở đầu các hoạt động của hội kỷ niệm 60 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm triển lãm ảnh, tổ chức đêm thơ - nhạc và ra mắt một đặc san về sự kiện này. Đây là chuyến đi vô cùng ý nghĩa đối với 15 văn nghệ sĩ ở các chuyên ngành: Văn học, Âm nhạc, Nhiếp ảnh, Sân khấu và Văn nghệ dân gian của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên. Chị Tạ Thị Ngọc Thảnh (bút danh Lệ Thanh), thành viên trong đoàn, xúc động: “Chuyến đi thực tế sáng tác này giúp tôi mở rộng tầm mắt và cảm thấy vô cùng tự hào về quá khứ anh hùng”.
YÊN LAN