Bảo tàng tỉnh đã sưu tập đủ lượng hiện vật văn hóa, lịch sử đáp ứng yêu cầu của giai đoạn 2 là trưng bày hiện vật - giai đoạn quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, thưởng lãm, thu thập thông tin và giáo dục truyền thống trong nhân dân. Thế nhưng hiện nay, Bảo tàng tỉnh vẫn chưa thể triển khai trưng bày vì thiếu kinh phí.
Người dân tìm hiểu thông tin tại Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu về “Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại Bảo tàng tỉnh - Ảnh: T.DIỆU
GIẢI PHÁP MỸ THUẬT TRƯNG BÀY
Hiện nay, Bảo tàng tỉnh đã có thiết kế Giải pháp Mỹ thuật trưng bày do Trung tâm Tư vấn ứng dụng trưng bày Bảo tàng thuộc Bảo tàng Hồ Chí Minh cung cấp. Theo đó, hiện vật được trưng bày trong không gian tầng 1 và 2; tầng 3 trưng bày sản phẩm phục vụ cho việc học tập, vui chơi, giải trí của học sinh.
Không gian của tầng 1 sẽ được trưng bày hiện vật thuộc 2 chuyên đề: Lịch sử Phú Yên xưa và Gốm Phú Yên. Theo đó, chuyên đề Lịch sử Phú Yên xưa sẽ chia làm 3 tiểu đề chính là: Phú Yên thời tiền sử, Văn hóa Đại Việt trên đất Phú Yên, Văn hóa Chămpa trên đất Phú Yên.
Các hiện vật trưng bày ở các tiểu đề bao gồm: các di chỉ khảo cổ (Eo Bồng, Gò Ốc, Giồng Đồn, Cồn Đình, Khe Ông Dậu), nhạc cụ đá (đàn đá, kèn đá), trống đồng Đông Sơn phát hiện ở Phú Yên, các di tích Chămpa, dấu ấn vua Lê Thánh Tông ở Phú Yên, danh nhân Lương Văn Chánh và lịch sử khai hoang vùng đất Phú Yên, Phong trào yêu nước chống Pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX… Chuyên đề Gốm Phú Yên, các loại gốm trưng bày hiện vật là: gốm Quảng Đức, gốm Phụng Nguyên, gốm Hòa Vinh, gốm Phường 4; Không gian Văn hóa cồng chiêng Phú Yên; Sử thi, tỉnh lỵ Phú Yên xưa và nay; đồng tiền cổ.
Tầng 2 là không gian trưng bày 2 chuyên đề: Cách mạng và kháng chiến, Cuộc sống đương đại. Theo đó, ở chủ đề Cách mạng và kháng chiến trưng bày các hiện vật ở các tiểu đề: Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên tại Phú Yên và khởi nghĩa giành chính quyền, kháng chiến chống Pháp (1945-1954), đấu tranh thống nhất đất nước và kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc bao gồm các hiện vật như: tài liệu khoa học, ảnh tư liệu, cờ, biểu ngữ, truyền đơn, thẻ bài, con dấu, mõ, vũ khí (gậy, kiếm, lao, mác…). Chủ đề Cuộc sống đương đại trưng bày các hiện vật thuộc các tiểu đề: Cư trú, hoạt động kinh tế, trang phục và trang sức, chu kỳ đời người, đời sống tinh thần như: phim tư liệu giới thiệu về buôn, làng các dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh Phú Yên; mô hình nhà rông, đình miếu; đồ dùng trong gia đình; dụng cụ đánh bắt cá; trang phục; các lễ cúng…
Thông qua các chế tác là công cụ lao động, nhạc cụ, hình ảnh, khách tham quan có thể tìm hiểu rõ hơn về cuộc sống, các thời kỳ văn hóa và giao lưu văn hóa; công cuộc khai hoang lập ấp và đấu tranh bảo vệ lãnh thổ của người Phú Yên xưa và nay.
Tầng 3 là không gian trưng bày các giải pháp học đường với các trang thiết bị, trò chơi hiện đại và cổ truyền đan xen nhằm thu hút sự quan tâm, tham gia tìm hiểu của học sinh, sinh viên.
CẦN SỚM TRIỂN KHAI TRƯNG BÀY
Trong đợt Festival Thủy sản Việt Nam - Phú Yên 2014 vừa qua, Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu về “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” với các sự kiện văn hóa - văn nghệ diễn ra trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh đã thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan.
Trung tá Trần Thành Chính, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh tỉnh Phú Yên, Trưởng ban liên lạc toàn quốc Tiểu đoàn 365, nói: Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu về “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” với những cứ liệu lịch sử phong phú và thuyết phục đã thu hút đông đảo người dân tham gia, đặc biệt là khán giả trẻ. Tôi rất vui khi Bảo tàng tỉnh có phần thuyết minh rất rõ ràng, thu hút, giúp người nghe dễ hiểu. Bảo tàng là nơi lưu giữ văn hóa, lịch sử, nhưng tiếc rằng Bảo tàng Phú Yên vẫn chưa có không gian trưng bày chính thức. Nếu Bảo tàng tỉnh sớm trưng bày hiện vật một cách khoa học và đẹp mắt thì chắc chắn rằng, việc phát huy vai trò bảo tồn các giá trị truyền thống, giáo dục thế hệ trẻ tinh thần “uống nước nhớ nguồn” càng có kết quả tốt đẹp.
Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Phú Yên, cho biết: Không chỉ trong dịp Festival này mà còn có rất nhiều sự kiện văn hóa - văn nghệ khác trong năm, Sở VH-TT-DL chọn Bảo tàng tỉnh làm địa điểm tổ chức. Thêm vào đó, Bảo tàng tỉnh còn thường xuyên phối hợp với các trường học, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, UBND các huyện tổ chức các chuyên đề gặp gỡ nhân chứng chiến tranh để đại biểu tham gia có thể tìm hiểu về lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của quân và dân Phú Yên. Có thể nói, Bảo tàng tỉnh là không gian lý tưởng phục vụ tốt cho sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân. Minh chứng rõ nhất là dù lượng khách tăng đột biến vào dịp Festival Thủy sản Việt Nam - Phú Yên 2014 so với ngày thường nhưng “sức chứa” và khả năng phục vụ du khách của Bảo tàng tỉnh được khách tham quan đánh giá cao.
Với tiềm năng sẵn có thuận lợi như thế, nhưng thực tế Bảo tàng tỉnh lại không có quá 1.000 người tham quan/năm. Thiết nghĩ, việc trưng bày hiện vật một cách khoa học và thẩm mỹ chính là yếu tố quan trọng giúp thu hút người dân, đặc biệt là du khách tham quan bảo tàng. Nếu cấp trên quan tâm và đầu tư kinh phí kịp thời để Bảo tàng tỉnh nhanh chóng thực hiện và hoàn thành giai đoạn 2 - trưng bày hiện vật, thì sẽ sớm đạt được mục tiêu thu hút nhân dân và du khách đến với bảo tàng.
Bảo tàng tỉnh đang sở hữu hơn 4.000 hiện vật nhưng chỉ có hơn 1.000 hiện vật được trưng bày “tạm” để phục vụ cho ngày khánh thành Bảo tàng tỉnh và du khách tham quan. |
DIỆU ANH