Thứ Ba, 08/10/2024 09:58 SA
Dòng sông và thời gian hoài niệm
Chủ Nhật, 13/04/2014 10:00 SA

Có thể nói dòng sông và những ký ức một thời đã qua là nỗi ám ảnh, cũng có thể nói là sự lựa chọn của đời văn Huỳnh Thạch Thảo. Dòng sông Ba chảy qua quê hương Phú Yên của nhà văn. Có dòng sông trong tâm tưởng. Huỳnh Thạch Thảo đã kết hợp 2 dòng sông này với lộ trình ngược dòng thời gian mà kiếm tìm những chân giá trị dọc dài cuộc sống trong truyện dài Người con bên một dòng sông.

 

huynh-thach-thao140413.jpg

Truyện dài Người con bên một dòng sông là một phát triển của truyện ngắn “Bên dòng sông Ba Hạ” của tác giả. Cũng không chỉ phát triển thêm, có thể thấy, đoạn sông được xây dựng thủy điện vừa là phát triển tất yếu của nhu cầu đời sống, vừa kèm theo đó những hệ lụy. Con người và những biến thiên, dâu bể luôn là thành tố không thể thiếu trong văn Huỳnh Thạch Thảo.

 

Bên cạnh những mô tả sống động có phần kỳ thú từng chi tiết: cảnh bắt rắn, rít, câu chình núi, bắt ong đất, cảnh vớt củi, lùa vịt trôi lạc, và những món ăn dân dã “thần sầu”, nhà văn Huỳnh Thạch Thảo còn khéo kết hợp với những chi tiết huyền ảo, huyễn hoặc: bầy chim thiêng chao chát với trái đỏ, tâm tư của dân làng với khu đất đình làng xưa…, có thể nói, hiện thực đời sống và yếu tố tâm linh đã kết hợp nhuần

 nhuyễn, đó không phải là thủ pháp nghệ thuật, mà là một cách để văn chương tiệm cận bản sinh mỏng mảnh.

 

Nhưng trên hết, bên cạnh thiên chức nghệ sĩ, Huỳnh Thạch Thảo muốn anh hùng hóa, huyền thoại hóa con người. Nhân vật của anh dụng công xây dựng hầu hết là những người có khí tiết trượng phu, có cách sống nhân hậu, trung nghĩa, ở truyện này như chú Tư với những hành xử, cá tính riêng biệt. Cái cách lặng lẽ làm không nhiều lời của ông, những việc nghĩa của ông, đã biến ông thành người có uy tín đáng tin cậy đối với mọi người. Và ông ngã xuống để quyết liệt bảo vệ tài sản tinh thần của làng là một

 kiểu anh hùng ca thời hiện đại. Nhân vật đẹp lặng trầm mà mãnh liệt. Và đứa cháu nội ông, thằng Đất hẳn rồi sẽ kế thừa khí tiết đó của ông.

 

Có thể cách xây dựng nhân vật đầy tính lý tưởng, nhân văn này của nhà văn đã phần nào như “chuyện cổ tích” thời hiện đại, nhưng dõi suốt các số phận nhân vật trong truyện, người đọc không hề thấy sự khiên cưỡng. Đúng, người tốt luôn còn, nhiều nữa, trong đời sống quanh ta. Vấn đề là viết thế nào để có sự thuyết phục.

 

Mới đây gặp nhau, anh bảo, một năm nay đang “nạp năng lượng” cho cách viết mới về truyện ngắn, và giờ đang viết cho thiếu nhi và viết kịch bản. “Người con bên một dòng sông”, ngoài chú Tư còn có thằng Đất dù gợi cho người đọc nhớ tới thằng Cù Lao của Võ Quảng trong Quê nội, nhưng truyện dài này của anh không hẳn là truyện thiếu nhi, dù thiếu nhi đọc sẽ rất thích.

 

Đó vẫn là một Huỳnh Thạch Thảo với Đừng lở, sông ơi!, Đất còn phù sa, Người mang tên dòng sông, Mưa đang trôi trên sông, Bên dòng sông Ba Hạ, Người con của một dòng sông… Dù viết về chiến tranh hay thời bình, hôm nay hay hôm qua, dòng sông là nỗi ám ảnh khôn nguôi với nhà văn này. Như đã nói, nỗi ám ảnh cùng thời gian. Mà thời gian luôn chứa trong nó những mất còn, hưng phế, nhưng tìm cách lý giải thời gian cũng là cách tìm kiếm lời giải cho từng phận người.

 

Cách đây mấy năm, ở Trại sáng tác Văn nghệ Quân đội Phú Yên, nhà văn Nguyễn Đình Tú nói rằng, văn của Huỳnh Thạnh Thảo nhằng nhịt như dây muống biển. Tôi thấy thú vị nhận xét này. Có cái đúng: văn anh là tạng văn nhiều cảm xúc, có thể cũ một chút, nhưng trong miên man cảm xúc không dứt ấy, những hình ảnh những diễn biến cứ nối nhau, tràn lên nhau day dưa không hẳn không có tác dụng. Ở những thời khắc, tình huống cần thiết. Nếu như với truyện ngắn, đôi khi cuộc ràng rịt miên man này chưa hẳn đã là lợi thế thì ở truyện dài, tiểu thuyết, Huỳnh Thạch Thảo đã sử dụng khá đắc địa. Người con bên một dòng sông đã bộc lộ sở trường này của anh.

 

Trước khi nói tới những vấn đề kỹ thuật độc đáo, những cao siêu của ý tưởng, văn chương đến với bạn đọc trước hết là ở sự “hấp dẫn”.

 

Truyện dài này, Huỳnh Thạch Thảo ghi “Kính dâng hương hồn nội”. Có thể hiểu câu chuyện là một phần máu thịt anh. “Chú Tư” hay “thằng Đất” là một phần đời anh. Vốn sống, thậm chí máu thịt là quý nhưng nó không quyết định thành công của tác phẩm. Không cao siêu nào, máu thịt nào chuyển tải được nếu bạn đọc không đọc.

 

Truyện dài và dòng sông, và thời gian hoài niệm của Huỳnh Thạch Thảo đã hấp dẫn. Và ám ảnh.

 

LÊ HOÀI LƯƠNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek