Chủ Nhật, 13/10/2024 02:22 SA
Nhiều người làm thơ - có sao đâu!
Thứ Năm, 10/10/2013 14:10 CH

Một số người phàn nàn: Thời buổi này sao nhiều thơ thế, người người làm thơ, nhà nhà làm thơ. Lạm phát thơ, loạn thơ. Có cần phải lo lắng vậy không?

 

Doc-tho131010.jpg

Các bạn trẻ đọc thơ tại Đêm thơ Nguyên Tiêu Phú Yên - Ảnh: M.NGUYỆT

1. Làng tôi, cũng như nhiều làng quê xứ Nghệ khác, rất yêu thơ và có nhiều người làm thơ. Trí thức làm thơ, nông dân làm thơ. Trên truyền thống thơ ca của một ngôi làng cổ, xuất hiện nhà thơ quốc gia và nhạc sĩ quốc gia (nhà thơ Phan Xuân Hạt, nhạc sĩ Hồng Đăng). Mỗi kỳ huyện tổ chức thi thơ, không ít người làng tôi tham gia. Điều đáng nói là không chỉ có thầy giáo, kỹ sư, bác sĩ mà nông dân cũng tham gia và đạt giải. Anh tôi, thầy giáo dạy văn về hưu, thành viên ban giám khảo cuộc thi thơ của huyện nói: Mỗi kỳ thi thơ, ban tổ chức nhận được hàng trăm bài thơ từ khắp nơi trong huyện, có cụ trên 90 cũng tham gia, có không ít bài rất chất lượng.

 

Huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An quê tôi có Hội thơ Đường. Riêng Chi hội thơ Đường làng tôi có trên chục hội viên. Dịp về thăm quê lần nào tôi cũng được các “nhà thơ” làng khoe thơ. Quanh rổ khoai, rổ lạc luộc, ấm nước chè xanh, khói thuốc lào nghi ngút, thơ cứ thế lan tỏa. Một cựu chiến binh trong làng cho biết: Anh đã làm được trên trăm bài, đọc trong sinh hoạt Chi hội thơ Đường, Chi hội Cựu chiến binh, Chi hội Người cao tuổi, lại còn ru cháu. Cháu thuộc thơ ông, bắt chước ông làm thơ, chỉ là vần vè thôi, nhưng rất vui.

 

Có người có điều kiện xuất bản cả tập thơ, không bán, chỉ biếu. Xóm làng, anh em đọc, bình luận, chia sẻ. Làm thơ để tu tâm, dưỡng tính. Không thấy ai có tham vọng trở nên ông này bà nọ nhờ thơ. Chỉ thấy ông bà mẫu mực hơn nhờ làm thơ, con cháu ngoan hiền hơn nhờ nghe thơ, xóm làng thanh bình hơn nhờ có nhiều người làm thơ. Riêng ông bác họ tôi, năm nay đã ngoài 70, bảo: “Làm thơ, bác thấy yêu đời và khỏe ra”.

 

Tôi thuộc khá nhiều ca dao, tục ngữ từ người làng tôi, không thấy trong cuốn “Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam” của Vũ Ngọc Phan. Trộm nghĩ, thì cũng từ những ông đồ, những nông dân, chứ ở đâu?

 

2. Nơi tôi công tác và sinh sống một phần tư thế kỷ nay cũng là xứ thơ. Ngày thơ Việt Nam chỉ mới 10 năm, nhưng Đêm thơ Nguyên Tiêu truyền thống tỉnh Phú Yên đã có đến 33 năm. Không chỉ có những câu thơ về Đêm thơ Nguyên Tiêu núi Nhạn: Cả người làm thơ, người yêu thơ đều phải vượt tầm cao/ Từ bốn phương trời tụ về bên Tháp cổ/ Vầng trăng Xuân chưa bao giờ tròn sáng thế/ Sông Đà Rằng dào dạt giọng thơ ngâm, nhà thơ Nguyễn Gia Nùng còn có hẳn một bài tham luận “Luận án thơ từ núi Nhạn” đọc tại Hội nghị văn học khu vực Miền Trung tổ chức ở Sầm Sơn, Thanh Hóa năm 2002, được xem là gợi ý cho việc tổ chức Ngày thơ Việt Nam.

 

Ngày thơ ở Phú Yên thực sự là ngày hội, đông nghịt người. Sân chơi không dành riêng cho một ai. Không chỉ có các nhà thơ đã thành danh đọc thơ, mà còn nhiều học sinh, sinh viên, nông dân… từ khắp nơi trong tỉnh. Đấy cũng là điều làm nên đặc sắc của Đêm thơ Nguyên Tiêu Phú Yên. Từ Đêm thơ Nguyên Tiêu của tỉnh, phong trào lan rộng đến huyện, đến xã, kèm theo đó các bút nhóm ở các địa phương cũng lần lượt ra đời. Nhà thơ Phan Hoàng không khỏi trầm trồ về đêm thơ truyền thống xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa quê anh. Thơ liên kết mọi người, tạo sân chơi bổ ích, là món ăn không thể thiếu ở nhiều vùng quê Phú Yên trong dịp đầu xuân mới. Từ những đêm thơ như thế, thơ được xuất bản, cũng chẳng để tranh giải này nọ, chỉ là phổ biến cho nhau, nhưng sao mà vui, mà náo nức.

 

Lại nghĩ, nếu Đêm thơ Nguyên Tiêu ở xứ này mà quanh quẩn chỉ có mấy nhà thơ chuyên nghiệp đọc thơ thì chán chết.

 

3. Trên giá sách nhà tôi có hơn chục tập thơ của những người làm thơ không chuyên. Họ là cán bộ hưu trí, là thầy giáo, là viên chức, là nông dân… Phần lớn tự bỏ tiền túi ra in, một số do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tài trợ. Đọc thơ họ, dẫu không điêu luyện, còn nhiều vụng về câu chữ nhưng vẫn gây xúc động bởi sự mộc mạc, chân thành. Tôi đem chuyện một số người phàn nàn có quá nhiều người làm thơ, in thơ hỏi một cán bộ hưu trí đã ngoài 80 nhưng vẫn làm thơ khỏe, ông trầm ngâm: Bọn tui làm thơ có mong để trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đâu. Xuất bản thơ cũng đâu có mong được các nhà phê bình, các nhà thơ chuyên nghiệp đọc, viết bài, nhận xét. Vẫn biết thơ mình chỉ là những lời nôm na, làm thơ để giãi bày chia sẻ thôi mà. Vợ chồng, con cái, anh em bạn bè đọc thôi, có phổ biến rộng ra, bán ở nhà sách này, nhà sách nọ đâu. Ai nói vì tụi tôi làm thơ mà kéo chất lượng thơ Việt Nam xuống thì tội cho tụi tôi quá. Các nhà thơ chuyên nghiệp cứ làm thơ cho hay đi, đạt giải quốc tế này nọ đi! Họ không vươn lên được tầm này nọ là do họ, sao đổ lỗi cho tụi tôi.

 

Chợt nghĩ: Thơ cũng như ẩm thực, có cao lương mỹ vị, có bình dân, ai thích gì ăn nấy, không ép buộc nhau. Trong thời buổi kinh tế thị trường, mọi thứ cứ xoay tít theo đồng tiền, vậy mà vẫn còn nhiều người làm thơ, thế là đáng mừng, sao phải lo lắng nhỉ?

 

Còn làm thế nào để có nhiều thơ hay, nhà thơ lớn lại là chuyện khác.

 

PHAN XUÂN LUẬT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek