Chủ Nhật, 13/10/2024 04:19 SA
Nhà thơ Vương Trọng: Làm thơ bằng tư duy... Toán học
Thứ Ba, 08/10/2013 14:00 CH

Tốt nghiệp khóa 7 Khoa Toán Trường đại học Tổng hợp Hà Nội trước khi vào bộ đội, và rồi Vương Trọng có hơn 40 năm sáng tác thơ, hơn 30 năm biên tập thơ ở tạp chí Văn nghệ Quân đội. Say mê Truyện Kiều, ông đã bỏ công nghiên cứu Truyện Kiều, đã học được rất nhiều từ Truyện Kiều và có thể nói chuyện với những người yêu danh tác này suốt cả tuần…

 

nha-tho-Vuong-Trong131008.jpg

Nhà thơ Vương Trọng - Nguồn: Internet

Vương Trọng nói rằng ông không được học văn một cách cơ bản. Nhà thơ quê ở Đô Lương (Nghệ An) vẫn hóm hỉnh giới thiệu mình “Họ Vương tên Trọng vốn người nông dân”. Là “dân” toán nên Vương Trọng rất thích cụ thể hóa những khái niệm trừu tượng. Ông nói: “Tôi thấy làm thơ cũng giống như… làm nhà, đầu tiên là tập kết nguyên vật liệu song khác nhau ở chỗ, “nguyên vật liệu” để làm thơ phải tự mình tìm ra chứ không thể mua hay mượn của người khác. Đi thực tế là một hình thức chủ động để “tập kết nguyên vật liệu”, bởi thực tế trong đời sống rất quan trọng để gợi lên thực tế trong thơ. Tuy nhiên, thực tế trong đời sống và thực tế trong thơ không đồng nhất. Thực tế trong đời sống là A, thực tế trong thơ là A’. Từ A đến A’ là vốn sống, là trải nghiệm, là sự biến đổi bằng liên tưởng, tư duy…”.

 

Hơn 40 năm sáng tác thơ, hơn 30 năm biên tập thơ ở tạp chí Văn nghệ Quân đội, là tác giả của những bài thơ mà mỗi khi đọc lên, nhiều người lại rơi nước mắt, nhà thơ Vương Trọng hào hứng chia sẻ kinh nghiệm cho những người muốn gắn bó với thơ. “Khi viết đừng quá coi trọng cái mà mình thấy, đừng kể lại sự việc trong thơ mà hãy chuyển dịch nó, hãy suy nghĩ, đẩy suy nghĩ và trí tưởng tượng khỏi những gì nhìn thấy, đưa từ A đến A’. Thực tế trong thơ có tính điển hình, khái quát cao hơn”, nhà thơ từng học toán “bật mí”. Chính vì quá trình “đẩy suy nghĩ và trí tưởng tượng khỏi những gì nhìn thấy” mà những người làm thơ có kinh nghiệm viết khó hơn, vất vả hơn, trong khi người mới làm thơ thì viết ào ạt, loáng cái đã xong một bài thơ.

 

Sau khi “tập kết nguyên vật liệu” xong thì “xây nhà”, tìm cấu tứ và tìm “cỡ” cho bài thơ ra đời. “Làm thơ là một cuộc thi giữa mình với thế giới còn lại, đầu đề do mình tự chọn. Vì vậy, đừng dại gì làm khó mình”, nhà thơ Vương Trọng hóm hỉnh. Làm xong bài thơ rồi thì phải “dỡ giàn giáo”, bởi thứ này chỉ cần cho người xây nhà, không cần cho người cầm chìa khóa vào căn phòng.

 

Mỗi khi lao tâm khổ tứ làm xong một bài thơ, tác giả thấy đó là… tuyệt tác. Tuy nhiên, đó chỉ là tuyệt tác nhất thời của riêng anh, sau khi lao động sáng tạo. “Đừng gửi báo hay đọc cho bạn bè nghe mà hãy cất vào ngăn kéo, vài hôm sau lấy ra, chỉnh sửa lại”, nhà thơ Vương Trọng chia sẻ. Theo ông, mỗi lần “dỡ giàn giáo”, nồng độ thơ trong bài thơ lại tăng lên.

 

Với quan niệm “người làm thơ bao giờ cũng muốn truyền sự xúc động đến người đọc”, nhà thơ Vương Trọng coi trọng cấu tứ của bài thơ chứ không tung tẩy câu chữ, không “làm dáng” và cũng không bao giờ đánh đố người đọc bằng câu chữ khó hiểu. Thơ của ông cực kỳ giản dị mà tinh tế - sự tinh tế chỉ có được ở những người nhạy cảm và thông minh. Tháng 7/1995, sau khi viếng mộ 10 cô gái ở ngã ba Đồng Lộc, Vương Trọng có bài thơ Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc rất xúc động. Bài thơ đã được khắc lên bia đá đặt tại nghĩa trang này và được dịch ra tiếng Anh.

 

“Mười bát nhang hương cắm thế đủ rồi

Còn hương nữa hãy dành phần cho đất

Ngã xuống nơi này đâu chỉ có chúng tôi

Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc

Lòng tưởng nhớ xin chia đều khắp

Như cỏ trong thung, như nắng trên đồi

Hai mươi bảy năm qua chúng tôi không thêm một tuổi nào

Ba lần chuyển chỗ nằm lại trở về Đồng Lộc

Thương chúng tôi, các bạn ơi, đừng khóc

Về bón chăm cho lúa được mùa hơn…”

 

Một trong những bài thơ nổi tiếng của Vương Trọng là Hai chị em. Ngày nọ, Vương Trọng đến thăm một người bạn văn mà không gặp, chỉ gặp hai đứa con của bạn, đứa lớn 9 tuổi, đứa nhỏ 6 tuổi đang chơi nhảy lò cò. Nhà thơ hỏi bố các cháu đâu, con chị trả lời: “Bố mẹ cháu đang ra tòa” rồi hồn nhiên chơi tiếp, như thể việc ra tòa kia chẳng có gì quan trọng và chẳng hề ảnh hưởng đến hai đứa trẻ! Nhà thơ sững người và sau đó, ông viết bài thơ Hai chị em, “đưa từ A đến A’ ”, theo cách nói của ông.

 

“Nín đi em, bố mẹ bận ra tòa!

Chị lên bảy dỗ em trai ba tuổi

Thằng bé khóc bụng chưa quen chịu đói

Hai bàn tay xé áo chị đòi cơm.

Bố mẹ đi từ sáng, khác mọi hôm

Không nấu nướng và không hề trò chuyện

Hai bóng nhỏ hai đầu ngõ hẻm

Cùng một đường sao chẳng thể chờ nhau?

Nó biết đâu bố mẹ nó ra tòa

Là cầm cưa xẻ ngang tình đoàn tụ

Đứa còn mẹ thì thôi, không còn bố

Hai chị em rồi sẽ mất nhau…”

 

Nhà thơ sinh năm 1943 này nói rất hình ảnh và cũng rất cụ thể: “Thơ nhiều khi như của bắt được. Làm thơ lục bát giống như đựng đồ đạc trong hộp các-tông, ai giỏi thì xếp được nhiều đồ đạc; còn làm thơ tự do giống như bỏ đồ vào túi vải”.

 

Bạn bè và những người yêu mến Vương Trọng đều biết ông mê Truyện Kiều, đặc biệt tôn kính và hâm mộ đại thi hào Nguyễn Du. Ông có thể nói về Truyện Kiều, về Nguyễn Du suốt cả tuần. Và có những điều trùng hợp rất thú vị: Ông mang họ của nàng Kiều, còn tên thì trùng với tên chàng Kim (tên đầy đủ của nhà thơ Vương Trọng là Vương Đình Trọng). Vợ ông tên Vân, ứng với chuyện sau này Kim Trọng nối duyên với Thúy Vân. Khi biết vợ có thai cũng là lúc nhận nhiệm vụ vào Nam công tác, Vương Trọng bàn với vợ, nếu sinh con trai thì đặt tên Vương Liêu Dương (Liêu Dương là quê Kim Trọng), con gái thì đặt tên Vương Lam Kiều. Vương Trọng đã sáng tác 5 bài thơ về Truyện Kiều và Nguyễn Du, được hậu duệ của đại thi hào yêu quý và xem như người trong dòng tộc.

 

Hơn 40 năm sáng tác, ghi dấu ấn bằng những bài thơ giản dị song vô cùng xúc động, nhà thơ Vương Trọng đã được trao giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với các tập thơ: Về thôi nàng Vọng Phu, Đảo chìm, Ngoảnh lại Mèo đi câu.

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Vương Phi và hành trình ngôi vị diva
Thứ Hai, 07/10/2013 07:00 SA
Chuyện về một người mê hát tuồng
Chủ Nhật, 06/10/2013 14:00 CH
Tìm kiếm tài năng mới cho điện ảnh châu Á
Chủ Nhật, 06/10/2013 09:29 SA
Quý phái Valentino
Thứ Sáu, 04/10/2013 15:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek