Chủ Nhật, 13/10/2024 04:21 SA
Chuyện về một người mê hát tuồng
Chủ Nhật, 06/10/2013 14:00 CH

Tuồng hay còn gọi là hát bộ, hát bội không còn là loại hình nghệ thuật được nhiều người ưa chuộng. Nhưng khi khán giả được dịp xem bà Đào Thị Thu Sen (SN 1959), hội viên của CLB Nghệ thuật tuồng truyền thống 10/5 (Phú Hòa) hát tuồng sẽ không khỏi nức lòng thán phục.

 

sen131006.jpg

Bà Sen đang tập diễn tuồng cho Võ Thị Kim Xuyến (con gái bà) thành viên trẻ tuổi nhất sinh hoạt tại CLB Nghệ thuật tuồng truyền thống 10/5 - Ảnh: T.DIỆU

Với chất giọng khỏe cùng những cử chỉ, điệu bộ uyển chuyển, bà Sen đã thể hiện xuất sắc vai Mộc Quế Anh, một liệt nữ văn võ song toàn trong trích đoạn tuồng Mộc Quế Anh dâng cây đã khiến bao khán giả trầm trồ khen ngợi tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao - Du lịch các dân tộc tỉnh lần VIII năm 2013 và Liên hoan Dân ca - nhạc cổ tỉnh lần I năm 2013.

 

Sau lớp hóa trang thể hiện những vai liệt nữ tuổi đôi mươi, ít ai biết bà Sen đã ngoài ngũ tuần và có gần 40 năm đứng trên sân khấu tuồng không chuyên Phú Yên. Bà Sen là đời thứ 3 trong gia đình có truyền thống hát tuồng. Từ Bình Định, cái nôi của nghệ thuật tuồng, ông cha bà Sen đã vào định cư và lập nghiệp tại xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa). Từ thuở nhỏ đã tiếp xúc với nghệ thuật tuồng, lớn lên tìm thầy giỏi học ca, học diễn, học tích, bà Sen thấu hiểu triết lý sâu sắc trong một vở tuồng. Từ khi đi diễn tới nay, bà đã diễn 8 vở và khoảng chục trích đoạn tuồng. Các vở tuồng: Nguyệt cô hóa cáo, Tam hạ nam đường, Ngũ hổ bình Liêu, Mộc Quế Anh dâng cây... được nhiều người tán thưởng. Bà Sen tâm sự: “Cái vui của người nghệ sĩ là được đứng trên sân khấu hát cho khán giả nghe và những tràng pháo tay của khán giả chính là niềm khích lệ lớn lao nhất dành cho tôi”.

 

Cái độc đáo của nghệ thuật tuồng truyền thống thể hiện ở chỗ kịch bản bao giờ cũng dùng lời thơ, lời văn có niêm luật rõ ràng, ý tứ sâu sắc; luôn đề cao trung, hiếu, tiết, nghĩa. Trong lúc chuyện trò, bà cao hứng hát, diễn một câu trong trích đoạn vở San hậu Thành, hồi thứ 3:

 

Con ơi con đừng sa xuống ngựa

Mẹ tan nát lá gan

Con hãy thẳng tay nâng lấy âu vàng

Mài gươm bén trừ loài đức bạc (đứa nịnh).

 

Bà Sen kết hôn với ông Võ Công Chánh về thôn Đồng Mỹ, xã Hòa Quang Bắc (Phú Hòa) được chồng hết lòng ủng hộ, luôn là “tài xế” chở bà tham gia các hội diễn ở khắp nơi. Hai người có với nhau 8 người con, ai cũng được học hành và nhiều người đã thành đạt.

 

sen-131006.jpg

Bà Sen trong vai diễn Mộc Quế Anh trong trích đoạn tuồng Mộc Quế Anh dâng cây - Ảnh: T.DIỆU

CLB Nghệ thuật Tuồng truyền thống 10/5 có khoảng 20 thành viên tham gia sinh hoạt, trong đó bà là người giữ lửa cho CLB hoạt động hiệu quả. Với vai trò là đạo diễn kiêm vai đào chính, bà Sen đã giúp CLB trở thành địa chỉ đáng tin cậy được ngành Văn hóa tỉnh mời diễn.

 

Bà Sen chia sẻ: “Hát tuồng đòi hỏi người nghệ sĩ phải kết hợp nhiều kỹ năng ca, diễn, múa. Vì thế, chỉ những ai thật sự có đam mê và khổ luyện mới có thể thành công”.

 

Nhưng điều khiến bà trăn trở nhất là loại hình nghệ thuật truyền thống này rất ít có dịp được diễn trên sân khấu, lại kén khán giả. Bà Sen nói: “Những người lớn tuổi thì không nói, còn với những bạn trẻ thì nói với tôi rằng, chúng nó nghe không hiểu được ý nghĩa của lời ca, cử chỉ, điệu bộ thì làm sao mê được. Điều này cũng dễ hiểu thôi, vì những vở tuồng cổ thường dùng từ Hán Việt viết lời, trong khi đó đi kèm nghệ thuật cách điệu, ước lệ và tượng trưng nên khó tránh khỏi khán giả trẻ không hiểu hết được cái hay cái đẹp của nghệ thuật truyền thống này”.

 

Câu hỏi làm thế nào để các bạn trẻ yêu quý tuồng luôn khiến bà đau đáu. Đã 54 tuổi, bà Sen luôn nhiệt tình với việc truyền dạy hiểu biết của mình với nghệ thuật tuồng cho các thành viên trong CLB. Điều đáng mừng là tại CLB Nghệ thuật Tuồng truyền thống 10/5 có Võ Công Hậu và Võ Thị Kim Xuyến dù tuổi mới đôi mươi nhưng đã thể hiện niềm đam mê và năng khiếu hát tuồng.

 

Khi hỏi về mong ước của mình đối với tuồng, bà Sen nói muốn đưa tuồng vào các trường học ở huyện Phú Hòa, vì tính văn chương trong các vở tuồng cổ rất cao nên muốn học sinh chọn xem tuồng và hiểu như một phương pháp để giáo dục nhân cách.

 

Ông Huỳnh Trọng Thống, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Phú Hòa, Phó chủ nhiệm CLB Nghệ thuật Tuồng truyền thống 10/5 cho biết: “Chị Sen là thành viên chính góp phần trong việc khôi phục, gìn giữ và phát huy nghệ thuật tuồng ở huyện Phú Hòa. Với cái tâm của người nghệ sĩ đảm nhiệm vai trò đạo diễn, tất cả các vở tuồng của CLB chị đều tận tình giúp đỡ anh em nghệ sĩ làm tốt vai diễn của mình. Vì thế mà CLB Nghệ thuật Tuồng truyền thống 10/5 có được nhiều đất diễn ở các hội diễn cấp tỉnh. Ngành Văn hóa huyện Phú Hòa đang có kế hoạch đưa dân ca nhạc cổ, trong đó có tuồng vào trường học. Chúng tôi mong muốn các ngành có liên quan tạo điều kiện để chúng tôi nhanh chóng thực hiện kếhoạch này để học sinh sớm tiếp cận loại hình nghệ thuật này”.

 

DIỆU ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Vương Phi và hành trình ngôi vị diva
Thứ Hai, 07/10/2013 07:00 SA
Quý phái Valentino
Thứ Sáu, 04/10/2013 15:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek