Chủ Nhật, 13/10/2024 18:19 CH
Từ Sacro GRA, nghĩ về phim tài liệu
Thứ Năm, 19/09/2013 08:28 SA

Dư âm về Liên hoan Phim Venice lần thứ 70 đã lắng xuống, song có lẽ những người làm phim tài liệu vẫn còn nức lòng với sự kiện lần đầu tiên phim tài liệu giành chiến thắng tại một trong những liên hoan phim lâu đời trên thế giới. Đó là bộ phim “đậm chất thơ, đầy cảm xúc” mang tên Sacro GRA của đạo diễn người Ý Gianfranco Rosi, lấy bối cảnh cuộc sống của người dân ở vành đai thủ đô Roma với nhiều mảnh đời đan xen, từ trí thức cho đến dân lao động và cả những cô gái sống trong bóng tối.

 

tac-nghiep-11130919.jpg

Ê kíp của VTV Phú Yên làm phim tài liệu trên núi Đá Bia (ảnh chỉ có tính minh họa) - Ảnh: Y.LAN

Khai thác mọi khía cạnh trong đời sống một cách chân thực và tự nhiên nhất, phim tài liệu có một vị trí riêng và thật chạnh lòng là không được “tiền hô hậu ủng” như phim truyện nhựa. Khán giả trung thành của thể loại phim này là dân trong nghề và những người thích tìm hiểu muôn màu, muôn mặt của đời sống. Về chất lượng thì khỏi phải bàn, song nếu xét về số lượng, khán giả của phim tài liệu khó lòng bì kịp khán giả của các bộ phim truyền hình nhiều tập vẫn được chiếu hằng đêm. Ở Việt Nam, cảnh người dân xếp hàng mua vé xem phim tài liệu là cực kỳ hy hữu.

 

Đừng nghĩ rằng làm phim tài liệu dễ hơn, nhẹ nhàng hơn phim truyện nhựa, thậm chí là phim truyền hình! Để thực hiện Mê Kông ký sự - bộ phim tài liệu dài 92 tập (mỗi tập 20 phút), được xem là đỉnh cao của Hãng phim Truyền hình TP Hồ Chí Minh, ê kíp làm phim đã đi qua 6 quốc gia, vượt qua 40.690km đường bộ, 1.200km đường thủy, 2.400km đường sắt, vượt qua các đỉnh đèo hơn 5.200m ở Tây Tạng - thượng nguồn sông Mê Kông. Và quả ngọt mà họ gặt hái được sau 3 năm 4 tháng miệt mài dong ruổi là giải Cánh diều vàng năm 2006 dành cho Mê Kông ký sự. Đây là bộ phim tài liệu của Việt Nam bán được nhiều đĩa nhất: 30.000 đĩa với 6 lần tái bản trong một năm.

 

Để có được 94 phút phim hoàn toàn chinh phục người xem, nữ đạo diễn người Đức Heidi Specogna, tác giả phim tài liệu Con tàu của kẻ săn bàn thắng phải mất… 8 năm để chuẩn bị. Từ năm 2001, bà bắt đầu thu thập các dữ liệu, tìm kiếm nhân vật, thuyết phục để các nhân vật ở Tây Phi đồng ý xuất hiện trước ống kính, thuyết phục nhà chức trách… Năm 2007, đoàn làm phim mới bắt đầu bấm máy. Quá trình quay phim Con tàu của kẻ săn bàn thắng nói về thân phận trẻ em nghèo ở Tây Phi kéo dài đến năm 2008, sau đó làm hậu kỳ cho đến năm 2009.

 

Có không ít bộ phim tài liệu mà những người thực hiện phải “đổ mồ hôi sôi nước mắt” nhiều hơn thế, thậm chí phải “đánh cược” cả tính mạng của mình. Đó là những người làm phim về chiến tranh. Và thời gian để thực hiện những bộ phim tài liệu như thế không phải tính bằng tháng, bằng năm mà bằng hàng thập kỷ.

 

Những người làm phim tài liệu gắn bó với thể loại phim này hoàn toàn vì niềm đam mê, vì cảm nhận những cái “được” không thể tính bằng vật chất mà phim tài liệu mang lại, trong đó không hề có bóng dáng của sự hào nhoáng, những săn đón của giới truyền thông và sự hâm mộ cuồng nhiệt của đám đông. Lặng lẽ và kiên trì, họ theo đuổi dòng phim này, góp phần tạo nên một “nền điện ảnh hiện thực”.

 

Phim tài liệu xứng đáng có một vị trí cao hơn, và những phim tài liệu xuất sắc, những người làm phim giỏi xứng đáng được tôn vinh ở các liên hoan phim danh tiếng.

 

LÂM VY

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tưng bừng Trung thu
Thứ Năm, 19/09/2013 07:35 SA
Ngọt ngào câu hát điệu đàn xưa
Thứ Ba, 17/09/2013 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek