Với những bài thơ đầy nữ tính và giàu nhạc tính, Hoàng Cẩm Thạch là cây bút nữ được yêu mến trên quê Bác. Cựu giảng viên Trường cao đẳng Sư phạm Nghệ An đã ra mắt 5 tập thơ và có hơn 50 bài thơ được phổ nhạc. Người phụ nữ duyên dáng này luôn dành cho thơ một tình yêu trong trẻo, nồng nàn.
Nhà thơ Hoàng Cẩm Thạch - Ảnh: Y.LAN
* Điều gì đưa một nhà giáo như chị đến với thơ và có đến 6 tập thơ?
- Tôi yêu thơ từ lúc còn là học sinh. Niềm đam mê dẫn dắt tôi đến với thơ là những trang sách văn học. Tôi đọc truyện say sưa và trân trọng từng trang sách. Tôi mơ ước sau này có thể viết ra những điều mình suy nghĩ, mình thích. Khi học cấp 2, tôi tập tành làm thơ “đăng” trên báo tường.
Lên cấp 3, những lần thầy giáo đi công tác về xuôi hay chuyển trường, tôi làm thơ tặng thầy - những bài thơ về tình thầy trò rất trong trẻo.
Theo năm tháng, ước mơ cứ lớn dần lên. Khi vào đại học, tôi may mắn gặp được các nhà thơ lớn của dân tộc lúc bấy giờ: Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Xuân Diệu. Nhà thơ Xuân Diệu đến Trường đại học Vinh và nói chuyện thơ; sinh viên khoa Văn mê lắm. Tôi mê thơ Xuân Diệu từ khi còn học phổ thông, bây giờ được gặp ông, thích lắm. Khi sắp chia tay nhà thơ Xuân Diệu, anh lớp trưởng bảo: “Ngày mai chia tay Xuân Diệu, đố Cẩm Thạch làm được một bài thơ tình tặng Xuân Diệu”.
Thế là tôi làm thơ tặng ông. Sáng hôm sau chia tay, các sinh viên khác hát, còn tôi đọc bài thơ đó. Mọi người vỗ tay, và tôi được nhà thơ Xuân Diệu khen. Sau đó ông bảo: “Cháu đưa những bài thơ của cháu cho chú xem”. Thầy giáo của tôi cũng bảo: “Cẩm Thạch, đưa thơ cho nhà thơ Xuân Diệu xem. Có thể ông ấy sẽ làm gì đó giúp mình”. Nhưng tôi nghĩ: Đưa thơ cho nhà thơ Xuân Diệu, nếu thơ được in báo, người ta nghĩ mình có cái ô che. Mình có người nâng đỡ thì đứng trên chân người khác chứ không phải chân mình. Nghĩ vậy nên tôi không dám đưa thơ cho nhà thơ Xuân Diệu.
Ra trường, tôi lại gặp nhà thơ Xuân Diệu. Ông hỏi: “Cháu đã in thơ ở đâu chưa?”. Tôi trả lời: “Cháu chưa in ở đâu cả. Cháu cứ làm thơ rồi để đấy”. Ông lại bảo: “Đưa thơ cho chú!”. Tôi vẫn không dám đưa, vì nghĩ những gì mình viết chưa thể gọi là thơ, chứ như bây giờ thì đưa liền (cười).
* Có lẽ lúc đó chị chưa tự tin với những sáng tác của mình?
- Khi đó thơ của tôi mới chỉ “đăng”… báo tường, tôi chưa tự tin. Và nói thật, sau khi mất tập bản thảo thơ đầu tay, tôi quyết không làm thơ nữa. Nhưng ra trường, đi dạy Văn rồi làm tổ trưởng tổ Văn, Phó chủ tịch Công đoàn, mỗi lần trường làm báo tường, lẽ nào mình lại không tham gia? Thế rồi tôi “cháy” trở lại với thơ.
Bìa tập thơ Phía không anh của Hoàng Cẩm Thạch
* Hẳn chị còn nhớ bài thơ đầu tiên được in báo?
- Kỷ niệm ngày thành lập trường, nhiều giáo viên làm thơ. Tôi viết ba bài, với ba bút danh khác nhau gởi cho báo, cứ nghĩ họ sẽ đăng một trong ba bài thơ của mình, thật bất ngờ là họ đăng cả ba. Sau đó, tôi làm bài thơ Hội Hang Bua khi ngành Văn hóa có ý định khôi phục lễ hội này và nhờ ông xã (cộng tác viên của Báo Nghệ An - PV) đem xuống gởi cho báo. Ông biên tập đọc xong, hỏi ông xã: “Người viết bài thơ này còn trẻ không?”. Ông xã nói: “Cũng không trẻ lắm”. “Cô này có xinh không?”. “Cũng vừa vừa”. Sau này, khi hội Hang Bua được khôi phục, ông biên tập đó lên Quỳ Châu và gặp chồng tôi. Ông ấy nói rằng bài Hội Hang Bua rất hay. Mà, những người làm thơ hay thường… không đẹp (cười giòn). Sau đó, bài thơ Hội Hang Bua được ba nhạc sĩ phổ nhạc.
* Thơ của các cây bút nữ hoặc rất nữ tính, đằm thắm dịu dàng hoặc rất mạnh mẽ, táo bạo. Thơ chị thuộc tuýp thứ nhất, có lẽ do ảnh hưởng sâu sắc của nghề giáo?
- Chính xác. Tôi nghĩ thế này: Thơ mạnh mẽ, táo bạo đã có nam làm rồi, còn mình là phụ nữ thì nên thể hiện nữ tính trong thơ.
* Trong các tập thơ đã xuất bản, tập nào nói trọn vẹn tiếng lòng và chị ưng ý nhất?
- Tôi nghĩ đó là tập thơ Thao thức trăng ngàn. Các nhà thơ ở Nghệ An nói rằng Thao thức trăng ngàn là tiếng nói của sơn nữ; nếu không sống ở miền núi thì không thể nào viết được (và đọc) Ngày hè đưa nhau lên núi/ Chờ ai thác Bạc cầu Mây/ Trăng ngàn nghiêng rơi bên suối/ Mò trăng chạm phải bàn tay/ Như không còn nghe tiếng suối/ Chỉ nghe tiếng đập con tim/ Bồi hồi tay trong tay ấm/ Ngất ngây đàn cá ngoái nhìn…
* Xin cảm ơn chị!
Nhà thơ Hoàng Cẩm Thạch quê ở xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, nguyên giáo viên Trường PTTH - Dân tộc nội trú Quỳ Châu, nguyên giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, hiện sống tại TP Vinh. Tác phẩm đã xuất bản: Các tập thơ: Giá như em là biển (NXB Văn hóa dân tộc, năm 2002), Thao thức trăng ngàn (NXB Nghệ An, năm 2004), Mùa Chăm Pa (NXB Hội Nhà văn, năm 2006), Tình khăn Piêu (NXB Hội Nhà văn, năm 2008), Phía không anh (NXB Hội Nhà văn, năm 2010), kịch bản văn học Trước giờ lên khuôn báo (NXB Hội Nhà văn, năm 2011), đồng tác giả với Hải Ninh - cũng là người bạn đời của chị. Kịch bản này được trao giải C của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Hoàng Cẩm Thạch chuẩn bị ra mắt tập thơ thứ sáu Mắt núi. |
YÊN LAN (thực hiện)