Có nhiều tác phẩm múa gây tiếng vang và đoạt nhiều giải thưởng danh giá, nhận được rất nhiều lời mời làm biên đạo, tổng đạo diễn chương trình từ Bắc chí Nam, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Hữu Từ đi như con thoi, tìm kiếm những mạch nguồn cảm xúc và sáng tạo không ngừng.
Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Hữu Từ
Vừa xong công việc ở Sơn La, anh quay về Phú Yên, dựng các tiết mục múa cho Nhà hát ca múa nhạc Sao Biển trước khi ra Hà Nội, làm việc với Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam. Thời gian có thể mang đến những đổi thay, nhưng sau hơn chục năm say sưa với nghệ thuật múa, biên đạo sinh năm 1977 này vẫn trọn vẹn tình yêu nghề.
ĐƯA LÊN SÂN KHẤU NHỮNG GÌ MỘC MẠC NHẤT
* Anh được mời dựng chương trình khắp ngoài Bắc trong Nam và được đánh giá là một trong những biên đạo hàng đầu ở Việt Nam. Anh thấy mình có khác nhiều không so với thời làm Muối mặn tình người?
- Con người thì vẫn thế, chỉ có điều mập hơn một tí (cười), còn công việc thì nhiều hơn. Từ nhận được nhiều lời mời làm những chương trình lớn. Từ đầu năm đến nay, Từ làm cho 4 lễ hội lớn: Lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập tỉnh Kon Tum, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, Festival Nghề truyền thống Huế, Festival Di sản Quảng Nam và cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam. Song song đó, Từ làm các chương trình cho Nhà hát ca múa nhạc Sao Biển và các đoàn nghệ thuật. Ngoài ra, Từ còn giảng dạy biên đạo ở một số trường nên càng bận rộn và phải từ chối rất nhiều công việc.
* Với cường độ làm việc như vậy, liệu anh có còn dồi dào “vốn liếng” để sáng tác?
- Rất may là mỗi nơi, mỗi đơn vị nghệ thuật có những yêu cầu khác nhau. Nếu chỉ sáng tác cho Nhà hát ca múa nhạc Sao Biển tham gia hội diễn thì một thời gian sau, e rằng không còn “vốn” để làm vì Từ đã làm nhiều quá, mười mấy năm rồi, đề tài gì cũng làm rồi, từ biển đến rừng, đến đồng ruộng…
Nhưng Từ làm cho nhiều đơn vị nghệ thuật khác nhau, ở các vùng miền với những đặc trưng riêng. Vì vậy mình sáng tác cũng dễ dàng.
* Anh đã đưa lên sân khấu những hình ảnh hết sức bình dị, từ hạt muối của diêm dân, vỉ phơi bánh tráng của người thợ tráng bánh đến cái thúng chai của ngư dân làng biển. Ngay cả chiếc xe đạp thồ hàng lên Điện Biên trong kháng chiến cũng xuất hiện đầy ấn tượng trên sân khấu. Còn những hình ảnh, vật dụng đời thường nào tiếp tục được đưa lên sân khấu, trong các tác phẩm múa dân gian đương đại của anh?
- Từ vừa đưa đất, lụa và cả ống tre lên sân khấu. Người Khơ Mú vẫn giữ thói quen mang ống tre lên suối để lấy nước về. Từ làm tác phẩm múa Tiếng nước, rất thú vị. Từ muốn khai thác những gì mộc mạc nhất trong cuộc sống.
ĐỂ CÔNG VIỆC NÓI THAY MÌNH
* Anh được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú từ năm 29 tuổi, đã đạo diễn nhiều chương trình lớn nhưng thông tin về anh trên báo chí lại khá hiếm hoi. Vì sao vậy?
- Từ rất ít khi nhận lời gặp gỡ, trả lời phỏng vấn của các nhà báo, trừ những người hết sức thân tình. Từ chỉ muốn âm thầm làm việc và để công việc nói thay mình chứ không thích sự quảng bá bề ngoài. Biên đạo không giống như ca sĩ. Biên đạo nào làm được việc thì dân trong nghề và những người quản lý các đơn vị nghệ thuật đều biết.
* Bận rộn như vậy, thời gian nào anh dành cho những thú vui riêng?
- Sau 10 giờ đêm, Từ nói chuyện với bạn bè, nghe nhạc… Nói chung cuộc sống của Từ rất bình lặng. Từ thích sống lặng lẽ và lấy công việc làm niềm vui. Từ mong có thời gian rảnh rỗi để chạy về Quảng Bình thăm nhà, vì ba mất đã mấy năm rồi, chỉ còn mẹ. Mà mẹ thì đã già yếu.
* Phía trước căn phòng anh ở tràn ngập màu xanh và có rất nhiều phong lan. Vì sao anh thích loài hoa này?
- Nó như con người mình ấy. Phong lan dễ sống, quan trọng là sống thế nào để ra hoa, để có lý tưởng.
* Đã thành công với nhiều tác phẩm múa lấy chất liệu rất đời thường, anh có ý định làm những tác phẩm về một số vấn đề nóng của xã hội, hoặc về những người dễ bị tổn thương như người nhiễm HIV?
- Từ rất thích, nhưng chưa có đơn vị nào đặt hàng (cười).
* Xin cảm ơn anh!
YÊN LAN (thực hiện)