Hoa hậu “dính” scandal. Hoa hậu học kém. Hoa hậu thành tội phạm. Dường như khi các cuộc thi nhan sắc được tổ chức thường xuyên hơn thì thông tin tiêu cực về người đẹp cũng xuất hiện trên mặt báo nhiều hơn. Và oái oăm thay, độc giả lại quan tâm đến những tin tức dạng này hơn là thông tin hoa hậu, hoa khôi làm từ thiện, lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ… Điều đó cho thấy chiếc vương miện mà người đẹp đội trên đầu không chỉ mang đến lấp lánh cơ hội mà còn có thể đưa đến nhiều cạm bẫy.
Hoa hậu Diễm Hương thăm hỏi cụ già ở Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh trong dịp dự thi Hoa hậu Trái đất tại Phú Yên - Ảnh: M.NGUYỆT
1 Báo chí vừa xôn xao vụ một hoa hậu ra tòa, lãnh án vì tội môi giới mại dâm. Tất nhiên phạm tội thì phải nhận hình phạt của pháp luật. Và đây không phải là vụ án môi giới mại dâm duy nhất được đưa ra xét xử song vẫn làm báo chí tốn nhiều giấy mực, bởi đây là một ví dụ cụ thể cho câu chuyện “mua - bán” giữa một số đại gia với một số chân dài, và bởi người phải ra trước vành móng ngựa là một hoa hậu.
Quá khứ của hoa hậu đó bị xới tung lên. Rồi ống kính máy ảnh zoom vào mẹ cô - một giáo viên nghèo vất vả nuôi con, zoom cả vào em gái cô - người chưa đầy 17 tuổi và đang mắc bệnh tim. Không có gì là riêng tư nữa, một khi đã trở thành người của công chúng. Và khi người của công chúng phạm tội, thông tin về họ càng thu hút nhiều sự quan tâm.
Tại phiên tòa, trong nước mắt hối hận, bị cáo nhắn nhủ những người đẹp khác đừng sa ngã như mình. Lời nhắn nhủ đó quả thật không thừa, nhất là với những người đẹp từng trải qua khó khăn vất vả và choáng ngợp trước cuộc sống xa hoa với hàng hiệu cùng những chuyến du lịch xa xỉ mà một số đại gia sẵn sàng bỏ ra để “đánh gục” họ.
2 Hoa hậu Báo Tiền Phong 1990 Nguyễn Diệu Hoa từng chia sẻ: “Đạt được vương miện đã khó, giữ được càng khó hơn”. Diệu Hoa cho biết, chiếc vương miện mang lại nhiều thuận lợi, đi đến đâu chị cũng được ủng hộ. Song cựu sinh viên Trường đại học Tổng hợp Hà Nội này cũng luôn ý thức được sức nặng của vương miện, bởi mọi người sẽ để ý xem phong cách, ứng xử của hoa hậu như thế nào, tri thức ra sao. “Mình phải rèn luyện và trau dồi tri thức để giữ hình ảnh đẹp” - chị thổ lộ. Và hoa hậu Diệu Hoa đã làm đúng như thế. Biết đến 5 ngoại ngữ, Diệu Hoa được báo chí gọi vui là “hoa hậu thiếu chiều cao nhưng thừa trí tuệ” (Diệu Hoa cao 1m61, trong khi tiêu chuẩn về chiều cao của các thí sinh hoa hậu ngày ấy là từ 1m55 trở lên). Và không ai có thể nghi ngờ khi chị nói: Đạt được danh hiệu hoa hậu là một điều may mắn, nhưng cuộc đời của mình sau này phụ thuộc vào năng lực và trí tuệ của mình.
Chung quanh người đẹp thường có nhiều cạm bẫy, điều đó càng nguy hiểm hơn đối với những người đẹp còn quá non trẻ, nổi tiếng quá sớm và ngập chìm trong ánh hào quang. Nếu không có tri thức, bản lĩnh thì cũng dễ sa ngã. Có lẽ vì nhận thức được điều đó nên một số ít hoa hậu đã chọn tri thức thay cho những gì hào nhoáng. Sau khi đăng quang cuộc thi Hoa hậu toàn quốc Báo Tiền Phong 1988, hoa hậu Bùi Bích Phương giành được học bổng du học tại Hàn Quốc và lấy bằng cao học. Hoa hậu Nguyễn Thiên Nga cũng sang Mỹ du học sau khi đăng quang (năm 1996).
Tuy nhiên, phần đông hoa hậu, hoa khôi đã bị cuốn hút bởi ánh đèn sân khấu và cuộc sống hào nhoáng. Có người chỉ đi trình diễn thời trang, điểm tô cho các sự kiện mà chẳng có đóng góp nào cho cộng đồng. Có người trở nên “hot” bởi… scandal, thậm chí có người vào vòng lao lý.
Cô gái nào cũng mong muốn mình xinh đẹp, đoạt được danh hiệu nọ danh hiệu kia. Thế nhưng không nhiều cô gái đủ tỉnh táo để nhận ra rằng: có những thứ còn quan trọng hơn nhan sắc!
YÊN LAN