Thứ Hai, 14/10/2024 07:23 SA
Thế giới trong năm 2007
Thứ Ba, 02/01/2007 08:33 SA

Những thay đổi trong năm 2007 sẽ bắt đầu ở ngọn. Sau 10 năm nằm dưới sự lãnh đạo của Tony Blair, nước Anh sẽ có một vị thủ tướng mới. Cuối cùng Pháp sẽ có tổng thống mới sau 12 năm nắm quyền của Tổng thống Jacques Chirac. Tại LHQ, tân Tổng thư ký Ban Ki-moon thay thế ông Kofi Annan với những hứa hẹn chấm dứt ''cuộc khủng hoảng lòng tin'' và hàn gắn những chia rẽ đang cản trở công việc của LHQ.

070101- 2007.jpg

Sau khi nhậm chức tháng 9/2006, ông Shinzo Abe sẽ bắt đầu cái mà ông hy vọng sẽ là năm trọn vẹn đầu tiên làm Thủ tướng Nhật. Thậm chí tại Mỹ, cảm giác thay đổi đã bắt đầu lan tỏa khi đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát cả hai viện của Quốc hội và Tổng thống Bush bước vào giai đoạn cuối của nhiệm kỳ Tổng thống.

Một trong những vấn đề lớn nhất mà tân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đối mặt là xây dựng mối quan hệ tốt hơn với các nước láng giềng. Đó chính là lý do ông có chuyến công du tới Seoul và Bắc Kinh gần một tuần sau khi nhậm chức. Quan hệ giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc đã xấu đi nhiều dưới thời người tiền nhiệm Junichiro Koizumi khi sự tranh cãi về lịch sử và lãnh thổ bùng lên.

Liệu ông Abe có thực sự làm tốt hơn hay không? Ông đã thường tới thăm ngôi đền Yasukuni ở Tokyo. Tuy nhiên, không giống người tiền nhiệm, ông Abe vẫn lảng tránh một cách thận trọng về việc liệu ông sẽ thăm ngôi đền chiến tranh này hay không trong khi nắm giữ cương vị thủ tướng. Đối với ông, đó là một lời hứa trong chiến dịch vận động tranh cử mà ông không dám vứt bỏ. Ông sẽ có gần một năm để tiến hành các hoạt động ngoại giao trước ngày kỷ niệm 15/8 - ngày Nhật Bản đầu hàng năm 1945. Vào ngày đó, áp lực trong nước để ông thăm đền Yasukuni sẽ tăng lên.

Việc giải quyết tranh chấp về lãnh thổ và tài nguyên dưới biển với Trung Quốc cũng sẽ đè nặng lên đôi vai của vị thủ tướng này.

Mặc dù các quan hệ về chính trị băng giá song quan hệ thương mại và đầu tư lại rất nóng bỏng. Trung Quốc và Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ hai của nhau. Ngay cả khi các thương nhân Nhật phàn nàn rằng các chuyến thăm ngôi đền chiến tranh của ông Koizumi đe dọa tới cơ hội làm ăn của họ tại Trung Quốc song họ vẫn tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Trung Quốc lên thêm 30% trong năm 2005-2006. Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều đang hưởng lợi từ một nền kinh tế châu Á ngày càng thống nhất.

Vấn đề là châu Á thiếu một thỏa thuận tự do thương mại khu vực để giảm hơn nữa các rào cản cũng như để giải quyết các tranh chấp. Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều có ý định đề xướng một thỏa thuận như vậy trong những năm gần đây song lại bất đồng về việc nước nào sẽ tham gia cũng như các loại hàng hóa và dịch vụ. Chắc chắn ông Abe sẽ cố gắng hồi sinh ý tưởng về một thỏa thuận tự do thương mại khu vực trong năm 2007.

Trong năm 2005, Nhật Bản đã thành công trong việc làm cho Ấn Độ, cùng với Australia và New Zealand, trở thành thành viên của ''Hội nghị thượng đỉnh Đông Á'' đầu tiên tại Kuala Lumpur. Do vậy, trong năm 2007, Nhật sẽ muốn thuyết phục Ấn Độ trở thành đồng minh trong các cuộc đàm phán về thương mại tự do khu vực. 

Về tình hình Iraq, nguy cơ nội chiến toàn diện sẽ tăng lên và quân đội Mỹ, ngay cả khi được tăng viện, cũng sẽ không kiểm soát được tình hình. Người Shiite chiếm đa số tại quốc gia này vui mừng khi Saddam Hussein bị treo cổ trong khi 20% dân số là người Ảrập Sunni tức giận hơn bao giờ hết. Vùng đông bắc nơi người Kurd sinh sống sẽ ngày càng tuột xa khỏi tầm kiểm soát của Baghdad và những lời kêu gọi phân chia Iraq thành nhiều phần sẽ tăng lên.

Khi quân đội Mỹ và Anh bắt đầu rút khỏi Iraq, sẽ ngày càng khó khăn hơn để dự đoán điều gì sẽ thực sự xảy ra tại nước này. Cuối năm 2007 sẽ đón đợi nhiều tin tức nghiêm trọng từ Iraq.

Tổng thống Bush sẽ không xâm lược Iran bằng bộ binh. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã tuyên bố rõ ông không ủng hộ bất kỳ kế hoạch nào như thế và quân đội Mỹ không có khả năng xâm lược Iran. Tuy nhiên, ông Bush sẽ ngày càng bị thôi thúc để ném bom các cơ sở hạt nhân của Iran. Nguyên nhân là ông vẫn đang được báo cáo rằng hành động đó sẽ châm ngòi cho một cuộc nổi dậy chống lại chính phủ được bầu của Tổng thống Ahmadinejad. Sẽ không có nổi dậy, đặc biệt là nếu Iran bị tấn công.

Thủ tướng Israel Ehud Olmert sẽ nỗ lực để đạt được thỏa thuận với ban lãnh đạo Palestine. Tuy nhiên, những nỗ lực này có lẽ sẽ bị đe dọa vì nguy cơ nội chiến ở Palestine ngày càng tăng. Israel có thể bị lôi kéo vào Lebanon nếu chiến tranh nổ ra ở đó.

Vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên sẽ trở nên tồi tệ hơn. Đối với Mỹ, thách thức của nhà lãnh đạo Kim đã chôn vùi học thuyết giải phóng của Tổng thống Bush, học thuyết lần đầu tiên được đề cập tới trong bài diễn văn ''trục ma quỷ'' trong năm 2002. Không thể bàn tới việc trả đũa bằng quân sự: Mỹ không thể liều lĩnh khiêu khích CHDCND Triều Tiên huy động lực lượng hùng mạnh chống lại Hàn Quốc. Ngoài ra, Mỹ cũng không biết vị trí của mọi cơ sở hạt nhân ngầm của Bình Nhưỡng.

Do vậy Mỹ sẽ miễn cưỡng chấp nhận CHDCND Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân. Mỹ sẽ tự thỏa mãn với mục tiêu hẹp hơn là hạn chế khả năng phổ biến công nghệ hạt nhân hay các loại vũ khí phi thông thường khác của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, phổ biến công nghệ hạt nhân chưa bao giờ là mục đích chính của ông Kim. Mục đích chính là có được năng lực hạt nhân cũng như đặt quyền lợi của quân đội lên trên mọi thứ khác.

Đức sẽ tiếp quản chức chủ tịch luân phiên của châu Âu kể từ ngày 1/1/2007, năm Liên minh châu Âu bước sang tuổi 50. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết chương trình nghị sự trong 6 tháng nắm giữ chức chủ tịch là thổi sinh lực mới cho nền kinh tế châu Âu và quyết định làm thế nào để thông qua bản hiến pháp châu Âu. Theo hiến pháp này, các quốc hội của các nước thành viên EU sẽ được quyền giám sát việc xây dựng pháp luật của châu Âu ở giai đoạn sớm và thẩm quyền của EU và các nước thành viên sẽ được phân định rõ ràng. Điều đó sẽ làm cho các thể chế của EU có thể hoạt động tốt hơn và giảm nguy cơ ''tắc nghẽn''.

Đối với Đông Phi, 2007 sẽ là một năm chiến tranh với việc tình hình chiến sự sẽ chiếm chỗ trên trang nhất của các tờ báo. Nhiều tin sẽ tới từ Somali, nơi những người Hồi giáo sẽ tiếp tục nắm giữ cán cân quyền lực. Người Hồi giáo đã kiểm soát Mogadishu và miền Trung Somali năm 2006. Mỹ cho rằng những người Hồi giáo này đang che giấu các phần tử al-Qaeda chịu trách nhiệm về các vụ tấn công khủng bố năm 1998 tại KenyaTanzania.

Những người Hồi giáo ôn hòa đông hơn những người Hồi giáo cực đoan song chính những phần tử cực đoan lại đang kiểm soát lực lượng chiến binh và ngày càng nhiều vũ khí. Chính phủ quá độ yếu kém của Somalia sẽ tiếp tục ''lảo đảo'' bước vào năm 2007 với Ethiopia là nước ủng hộ mạnh nhất. Ethiopia sẽ cố gắng sử dụng Liên minh châu Phi để gửi một lực lượngg gìn giữ hòa bình tới Somalia, bao gồm cả quân đội UgandaSudan. Hành động này sẽ khiêu khích những người Hồi giáo - người phản đối mạnh mẽ sự hiện diện của quân đội nước ngoài tại Somalia.

Ethiopia có những lo ngại riêng về an ninh trong nước. Các phần tử Hồi giáo cực đoan muốn thiết lập một tiểu vương quốc Hồi giáo hà khắc, bao gồm một số vùng của EthiopiaKenya. Ethiopia lo ngại các phần từ này sẽ tăng cường các phong trào nổi dậy, trong đó có Mặt trận giải phóng Oromo và Mặt trận giải phóng dân tộc Ogaden. Kết quả sẽ là một cuộc chiến đe dọa tới sự ổn định của Ethiopia. Cuộc chiến này sẽ không giống cuộc chiến Ogaden 1977 khi Somalia đưa quân vào Ethiopia. Những người Hồi giáo này không có xe tăng hoặc máy bay. Trái lại họ sẽ dựa vào chiến thuật du kích và các chiến dịch khủng bố. 

(Theo VNN)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek