Thứ Ba, 15/10/2024 17:22 CH
Hội nghị thượng đỉnh NATO:
Bình ổn - tái thiết Afghanistan, giải quyết vấn đề năng lượng và xây dựng một NATO có đối tác toàn cầu.
Thứ Bảy, 02/12/2006 08:34 SA

Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)- một trong những sự kiện được dư luận quốc tế mong đợi nhất trước thềm năm mới 2007 đã diễn ra trong hai ngày 28- 29/11 tại Latvia, quốc gia lịch sử đã cùng với 14 nước cộng hòa khác nữa làm nên một Liên bang Xô Viết hùng mạnh- đối thủ lớn nhất của NATO từ thời chiến tranh lạnh. Đây là lần đầu tiên, Hội nghị thượng đỉnh NATO được tổ chức tại một nước cộng hòa vùng Bantique với mục tiêu “xây dựng một NATO có đối tác toàn cầu với phạm vi bao quát hơn”.

 

061202-NATO.jpg

NATO họp Hội nghị thượng đỉnh

Khi các nhà lãnh đạo NATO gặp nhau tại Riga, Latvia tuần này, người ta không nghi ngờ việc sẽ có rất nhiều đối thoại quan trọng về việc làm thế nào liên minh chiến tranh Lạnh này có thể kiểm soát được những vấn đề không tương thích trong mở rộng thành viên, phân phối viện trợ, và triển khai lực lượng gìn giữ hoà bình bên ngoài biên giới châu Âu. Ngay từ khi chiến tranh Lạnh kết thúc, NATO đã phải đối mặt với câu hỏi “mục tiêu của chúng ta là gì?” Trước khi cuộc họp lần này diễn ra, các quan chức hàng đầu NATO đã công khai khẳng định, mục tiêu biến NATO trở thành một tổ chức toàn cầu sẽ là trọng tâm của Hội nghị tại Riga.

 

Kể từ khi thành lập năm 1949 đến nay, NATO liên tục điều chỉnh về cơ cấu hoạt động cũng như mở rộng và hiện có 26 nước thành viên. Sau khi Liên Xô tan rã và Chiến tranh lạnh kết thúc đầu thập kỷ 1990, NATO đã từng bước mở rộng ảnh hưởng ra khắp thế giới thay vì chỉ bảo đảm an ninh trong phạm vi Tây Âu. Với mong muốn hiện diện tại các “điểm nóng” bên ngoài châu Âu nên sau các vụ khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ, NATO đã không bỏ lỡ cơ hội “nhảy vào” Afghanistan với vai trò là lực lượng duy trì an ninh tại những nơi bất ổn do chiến tranh gây ra. Tuy nhiên, tại quốc gia thuộc không gian hậu Xô Viết này xung đột vẫn liên tục tăng lên khi Taliban và Al Qaeda lên tiếng đòi lại quyền lực. Chính phủ thân phương Tây ở Kabul ngày càng không thích hợp và bất lực. Bình ổn và tái thiết Afghanistan trở thành vấn đề đòi hỏi mang tính sống còn của NATO. Vai trò của NATO được mở rộng hơn khi ngày 5-10 vừa qua, NATO tiếp nhận từ Đức và Hà Lan vai trò chỉ huy lực lượng quân đội quốc tế ở Afghanistan. Theo giới quan sát, cho dù hoạt động này có được hợp pháp hóa từ phía LHQ nhưng đối với NATO, sự kiện này đã làm thay đổi cả diện mạo lẫn bản chất của tổ chức quân sự lớn nhất hành tinh. Cuộc “Đông tiến” đến tận châu Á này của NATO là một tín hiệu cho thấy NATO sẽ không dừng lại ở Afghanistan mà còn tập trung vào việc tăng cường quan hệ với các quốc gia quan trọng khác nằm ngoài liên minh trên cơ sở đối tác toàn cầu trước khi bật đèn xanh để các nước này gia nhập như Albani, Macedonia, Gruzia và Ukraine.

 

Một nhiệm vụ quan trọng nữa được các nhà lãnh đạo NATO đặt ra trong cuộc họp là việc kiểm soát các nguồn năng lượng trên toàn cầu. Tổng thư ký NATO Jaap de Hoop Scheffer nói rằng “Cuộc họp thượng đỉnh tại Riga cần phải bàn bạc về vai trò của NATO trong việc giải quyết vấn đề này. NATO, không phải là EU, cũng không phải là một tổ chức năng lượng quốc tế, nhưng nó có thể đóng góp trong việc giải quyết một loạt vấn đề. Hơn nữa, việc bảo đảm cung cấp năng lượng tự do luôn là một trong những ưu tiên cần phải được xem xét tại Riga”.

 

Tuy nhiên, không phải tất cả các thành viên trong NATO đều có chung quan điểm về những kế hoạch trên. Một số nước cho rằng, việc mở rộng cả về quy mô lẫn phạm vi ảnh hưởng của NATO sẽ dẫn tới nguy cơ làm suy yếu vị thế của LHQ và bản thân EU.

 

Trong khi một nhóm nước, do Mỹ đứng đầu, đang tất bật thảo luận vấn đề mở rộng vai trò và ảnh hưởng an ninh trên toàn thế giới của NATO, thì Pháp lại phê phán kịch liệt sáng kiến của Mỹ nhằm tạo ra “diễn đàn” hợp tác thường xuyên giữa NATO và các nước khác nằm ngoài NATO như Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Michel Aliot Mari, việc NATO xây dựng “đối tác toàn cầu” với các nước trên sẽ làm thay đổi bản chất cơ bản của liên minh quân sự giữa hai bờ Đại Tây Dương và điều này không có lợi về mặt chính trị đối với dư luận các nước ngoài phương Tây. Bên cạnh đó, Pari cũng phản đối ý định của Washington trong việc mở rộng vai trò của NATO sang sứ mạng “tái thiết kinh tế” và “phát triển dân chủ” vốn thuộc về thẩm quyền của các tổ chức quốc tế như LHQ. Về vấn đề này, Pháp khẳng định NATO hoàn toàn không có tư cách pháp lý và phương tiện để thực hiện. Các nhà phân tích cho rằng còn một lý do nữa để Pháp cản trở việc mở rộng vai trò toàn cầu của NATO là vì lo ngại sự thống trị của Mỹ trong lòng tổ chức này.

 

HOÀNG KIM (Tổng hợp)

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek