Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, ngày 10/7, Bộ Quốc phòng Israel cho biết nước này và Mỹ đều nhất trí cho rằng việc nắm bắt cơ hội để đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza có ý nghĩa quan trọng, song thừa nhận vẫn tồn tại nhiều thách thức.
Thông báo trên được đưa ra sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant với đặc phái viên Mỹ về Trung Đông, ông Brett McGurk, vào tối 9/7 tại Jerusalem. Thông báo nêu rõ, hai bên đã thảo luận tầm quan trọng của việc tranh thủ cơ hội để đạt được một thỏa thuận cho phép giải thoát các con tin đang bị giam giữ tại Gaza.
Hai bên cũng thảo luận những thách thức còn tồn tại để đạt được thỏa thuận ngừng bắn và các giải pháp tiềm năng để vượt qua các thách thức này. Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Gallant cho biết Israel ủng hộ việc mở lại cửa khẩu Rafah giữa Ai Cập và Dải Gaza, nhưng không chấp nhận việc Phong trào Hồi giáo Hamas quay trở lại khu vực này.
Cùng ngày 11/7, Hossam Badran, chỉ huy hàng đầu của phong trào Hamas, đã cáo buộc Israel đang tìm cách gây áp lực trong các cuộc đàm phán ngừng bắn tại Gaza bằng cách tăng cường các hoạt động ném bom, di tản.
Ông Hossam Badran cho rằng Chính phủ Israel hy vọng Hamas sẽ từ bỏ các yêu cầu chính đáng, bao gồm lệnh ngừng bắn hoàn toàn và rút toàn bộ quân đội của Israel khỏi Gaza. Tuy nhiên, việc tăng cường các hoạt động quân sự của Israel ở Gaza sẽ khiến Hamas có lập trường cứng rắn trong các nỗ lực đàm phán hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn.
Trong những ngày gần đây, lực lượng Israel đã tăng cường các cuộc tấn công ở phía Bắc Gaza, trong khi giao tranh ác liệt lại bùng phát ở thành phố Rafah ở cực Nam Gaza. Vòng đàm phán mới về lệnh ngừng bắn ở dải Gaza đang được nối lại tại Doha, Qatar. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán lần này được dự báo gặp không ít khó khăn do khoảng cách lớn về quan điểm giữa Israel và Hamas.
Tham gia đàm phán tại Doha có các đại diện đến từ Israel, Ai Cập, Qatar và Mỹ. Vòng đàm phán lần này có được động lực mới khi phong trào Hamas và Israel bắt đầu thể hiện sự linh hoạt sau nhiều tháng bế tắc.
Trước đó, vào ngày 10/7, thủ lĩnh Hezbollah, Hassan Nasrallah tuyên bố phong trào này sẽ chấp nhận quyết định của đồng minh Hamas liên quan đến các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza, đồng thời tái khẳng định Hezbollah sẽ dừng các cuộc tấn công xuyên biên giới vào Israel nếu đạt được lệnh ngừng bắn.
Trong diễn biến khác, Bộ trưởng Ngoại giao, Di cư và các vấn đề Kiều dân Ai Cập Badr Abdelatty và Ngoại trưởng Jordan, ông Ayman Al-Safadi, ngày 10/7, đã cảnh báo về tình trạng nhân đạo thảm khốc ở Dải Gaza do cuộc xung đột đang diễn ra giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas.
Trong cuộc họp báo chung tại thủ đô Cairo, ông Abdelatty và ông Al-Safadi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục gây áp lực với các đối tác khu vực và quốc tế để có hành động nghiêm túc, theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an (mới nhất là Nghị quyết 2735), nhằm ngăn chặn bạo lực đang diễn ra thay vì chỉ lên án những hành vi vi phạm và gây hấn của Israel.
Ông Abdelattey nói rằng tình hình nhân đạo và y tế thảm khốc ở Gaza cho thấy tính cấp thiết của việc khơi thông tiếp cận viện trợ nhân đạo một cách vô điều kiện và không hạn chế, trong bối cảnh có những hành vi vi phạm trắng trợn luật nhân đạo quốc tế nhằm ngăn cản việc cung cấp hàng cứu trợ cho người dân Palestine.
Cả hai ngoại trưởng đều khẳng định việc bác bỏ hoàn toàn quyền kiểm soát của Israel đối với cửa khẩu Rafah bên phía Palestine, nói thêm rằng điều này đã cản trở hoàn toàn việc cung cấp viện trợ cho những người dân Palestine vô tội, vốn đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của xung đột.
Ai Cập và Jordan hoàn toàn bác bỏ các chính sách có hệ thống của Israel nhằm áp đặt một thực tế mới đối với người Palestine bằng cách buộc họ phải chạy trốn khỏi lãnh thổ và nhà cửa của mình, với mục đích cuối cùng là loại bỏ chính nghĩa của người Palestine.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Ai Cập cũng nêu bật vai trò quan trọng và không thể thiếu của Cơ quan Cứu trợ và Việc làm cho Người tị nạn Palestine ở Cận Đông của LHQ (UNRWA) trong việc phân phối viện trợ ở Gaza.
Ông Abdelatty cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế và các nhà tài trợ tiếp tục cung cấp hỗ trợ cho UNRWA dưới mọi hình thức, theo nghị quyết của Đại hội đồng LHQ, nhằm giúp UNRWA thực hiện được nhiệm vụ cao cả của mình.
Theo ông Abdelatty, việc cung cấp hàng cứu trợ nhân đạo không nên được sử dụng như một công cụ chính trị và mọi nỗ lực áp dụng tiêu chuẩn kép cho vấn đề này phải bị cản trở.
Ông Abdelatty và ông Al-Safadi cũng nhất trí tiếp tục nỗ lực chung nhằm khuyến khích các bên công nhận nhà nước Palestine, cho rằng bước đi này sẽ gửi một thông điệp tích cực tới người dân Palestine và làm tăng hy vọng của họ về việc thành lập một nhà nước độc lập với đường biên giới xác định ngày 4/6/1967 với Jerusalem là thủ đô.
Ngoại trưởng Ai Cập và Jordan cũng thảo luận về nguy cơ leo thang tiềm ẩn có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh tổng lực trong khu vực. Cả hai bên đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì an ninh và ổn định ở Libăng trước mọi nguy cơ leo thang có thể kéo khu vực vào một cuộc chiến tranh.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)