Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) ngày 2/5 đưa ra ước tính công cuộc tái thiết Dải Gaza sẽ tiêu tốn khoảng 30 đến 40 tỉ USD và đòi hỏi nỗ lực ở quy mô lớn chưa từng thấy kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Amman của Jordan, Trợ lý Tổng thư ký LHQ, ông Abdallah al-Dardari nhấn mạnh mức độ tàn phá ở Gaza là lớn chưa từng có. Ông cho rằng đây là sứ mệnh tái thiết lớn nhất mà cộng đồng quốc tế chưa từng đối phó kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Ông al-Dardari cho rằng công cuộc tái thiết này sẽ mất nhiều thập kỷ nếu việc tái thiết Gaza được thực hiện theo quy trình bình thường, song đây là điều người dân Palestine không thể chờ đợi.
Do đó, ông cho rằng cộng đồng quốc tế cần hành động nhanh chóng để cung cấp lại nhà ở cho người dân và đưa cuộc sống của người dân ở Gaza trở lại bình thường ở mọi mặt kinh tế, xã hội, y tế và giáo dục.
Ông nhấn mạnh đây là ưu tiên hàng đầu và cần phải đạt được trong vòng ba năm đầu tiên sau khi chấm dứt chiến sự. Ông al-Dardari ước tính tổng khối lượng đống đổ nát do bị bắn phá và các vụ nổ gây ra là 37 triệu tấn.
Quan chức LHQ nêu cụ thể 72% tổng số tòa nhà dân cư đã bị phá hủy hoàn toàn hoặc một phần. Theo ông, công cuộc tái thiết Gaza phải được lên kế hoạch cẩn thận, hiệu quả và linh hoạt vì chưa rõ thời điểm xung đột kết thúc hay cách thức quản lý được thiết lập tại vùng đất này thời kỳ hậu chiến.
Trong khi đó, Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này đã ngừng tất cả các hoạt động giao thương với Israel kể từ ngày 2/5, do "thảm kịch nhân đạo ngày càng trở nên tồi tệ" tại các vùng lãnh thổ của Palestine.
Trong một tuyên bố ngày 2/5, Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ: "Tất cả các giao dịch xuất nhập khẩu hàng hóa liên quan đến Israel đã bị dừng. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thực hiện nghiêm túc và dứt khoát biện pháp mới này cho đến khi Chính phủ Israel tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển nguồn viện trợ nhân đạo đầy đủ và không bị gián đoạn tới Dải Gaza".
Theo dữ liệu chính thức, trao đổi thương mại giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đã ghi nhận mức 6,8 tỉ USD trong năm 2023. Tháng trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã áp đặt các hạn chế thương mại đối với Israel, với hai lý do. Thứ nhất, Israel từ chối cho phép Ankara tham gia các hoạt động thả dù hàng viện trợ xuống Gaza. Thứ hai, quân đội Israel ngày càng leo thang các hoạt động quân sự ở Gaza.
Phản ứng trước quyết định mới nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Israel, ông Israel Katz, cùng ngày nói rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã vi phạm các thỏa thuận bằng cách chặn các hoạt động xuất nhập hàng hóa với Israel.
Trong một tuyên bố đăng tải trên mạng xã hội X, ông Katz nhấn mạnh: "Đây là cách hành xử... xem thường lợi ích của người dân và doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như phớt lờ các hiệp định thương mại quốc tế". Ông Katz cho biết ông đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao Israel nỗ lực tìm kiếm giải pháp thay thế cũng như chú trọng hoạt động sản xuất trong nước và tìm nguồn hàng nhập khẩu từ các nước khác.
Trong diễn biến khác, Đại sứ quán Palestine ở Ai Cập đang nỗ lực tìm cách để chính quyền Cairo cấp giấy phép cư trú tạm thời cho hàng chục nghìn người Palestine đến từ Dải Gaza kể từ khi nổ ra cuộc xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas.
Theo ông Diab al-Louh, Đại sứ Palestine ở Cairo, có đến 100.000 người dân ở Gaza đã vượt biên giới vào Ai Cập kể từ khi cuộc xung đột nổ ra hồi tháng 10 năm ngoái. Những người này không mang theo giấy tờ tùy thân để đăng ký nhập học cho con cái họ cũng như thực hiện các giao dịch khác như mở doanh nghiệp, lập tài khoản ngân hàng, đi lại hoặc đăng ký bảo hiểm y tế.
Ông Louh nhấn mạnh việc cấp giấy phép cư trú tạm thời sẽ chỉ nhằm đảm bảo thực hiện các mục đích nhân đạo, tạo điều kiện dễ dàng hơn để họ làm ăn sinh sống cho đến khi xung đột kết thúc, đồng thời đảm bảo tuân thủ những quy định pháp lý của nước sở tại.
Ông khẳng định những người này không có kế hoạch định cư ở Ai Cập. Đại sứ Palestine cho biết đã đề nghị Chính phủ Ai Cập cấp giấy phép cư trú tạm thời cho những người nói trên và có thể gia hạn giấy phép cư trú cho đến khi cuộc xung đột ở Gaza kết thúc. Ông cũng nói thêm rằng vấn đề này sẽ được thảo luận ở cấp cao nhất.
Ai Cập lâu nay kiên quyết phản đối bất kỳ hành động nào dẫn đến việc người dân Palestine ở Gaza phải di dời khỏi nơi ở của họ với quy mô lớn. Sau khi cuộc xung đột Israel - Hamas bắt đầu nổ ra từ ngày 7/10/2023, Ai Cập đã xây dựng bức tường biên giới bằng bêtông cao tới 6 mét, bên trên có dây thép gai và rào chắn, và tăng cường giám sát tại khu vực biên giới.
Việc Ai Cập triển khai lực lượng diễn ra trước khi Israel mở rộng các hoạt động quân sự tới TP Rafah ở phía Nam Gaza, điều khiến Ai Cập ngày càng lo ngại về khả năng người Palestine sẽ buộc phải rời khỏi Dải Gaza.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)