Tại hội nghị ngày 8/11 ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản, các ngoại trưởng thuộc Nhóm Các nước Công nghiệp Phát triển (G7) đã thảo luận xung đột tại Ukraine, căng thẳng tại Trung Đông, cũng như các diễn biến trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản ra thông cáo cho biết tại phiên họp đánh dấu ngày cuối cùng của hội nghị kéo dài hai ngày, các Ngoại trưởng G7 nhất trí ủng hộ Ukraine, cam kết tăng cường nỗ lực nhằm thúc đẩy công tác tái thiết trung và dài hạn ở Ukraine.
Cũng tại hội nghị, các Ngoại trưởng G7 đã thảo luận cách thức khôi phục các nỗ lực hòa bình ở Trung Đông và "hậu xung đột" ở Dải Gaza sau khi khủng hoảng lắng xuống.
Theo kế hoạch, vào tối 8/11, các ngoại trưởng thuộc Nhóm G7 sẽ ra tuyên bố chung kêu gọi “ngừng bắn nhân đạo tại Gaza,” thay vì một lệnh ngừng bắn hoàn toàn. Đây sẽ là tuyên bố thứ hai của Nhóm G7 về vấn đề này kể từ khi vùng phát xung đột Hamas - Israel ngày 7/10.
Ngoài ra, hội nghị cũng đã thảo luận về các diễn biến tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, quan hệ với Trung Quốc và tình hình Triều Tiên. Hội nghị nhất trí tầm quan trọng của việc phối hợp với các cường quốc châu Á trong ứng phó với các thách thức toàn cầu. Dự kiến, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa sẽ tổ chức họp báo sau hội nghị.
Trong diễn biến khấc, ngày 7/11, Mỹ đã bày tỏ quan điểm phản đối việc Israel chiếm đóng lâu dài Dải Gaza. Theo phóng viên TTXVN tại Washington, phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel nêu rõ: “Quan điểm của chúng tôi là người Palestine phải đi đầu trong các quyết định này. Gaza là đất của người Palestine và sẽ vẫn là đất của người Palestine. Chúng tôi không ủng hộ việc tái chiếm Gaza”.
Bên cạnh đó, ông Patel cũng nhấn mạnh: “Israel và khu vực phải được đảm bảo an ninh và Gaza không nên và không thể là căn cứ để tiến hành các cuộc tấn công chống lại người dân Israel hoặc bất kỳ ai khác".
Năm 2005, Israel đã rút khỏi Dải Gaza, vùng đất mà nước này chiếm được trong "cuộc chiến 6 ngày" vào năm 1967. Sau đó, Tel Aviv áp đặt lệnh phong tỏa sau khi lực lượng Hamas giành quyền kiểm soát Gaza.
Trả lời phỏng vấn hãng tin ABC News ngày 6/11, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố Israel sẽ đảm trách "an ninh tổng thể" đối với Gaza "trong một thời gian không xác định" sau khi xung đột với Hamas kết thúc.
Trong diễn biến khác, theo Tân Hoa xã, Bộ Ngoại giao Ả-rập Xê-út ngày 8/11 thông báo hoãn Hội nghị thượng đỉnh Ả-rập - châu Phi lần thứ 5 do tình hình xung đột leo thang hiện nay tại Gaza.
Hội nghị được lên kế hoạch tại Riyadh, thủ đô của Ả-rập Xê-út, ngày 12/11 tới. Phía Ả-rập Xê-út giải thích việc hoãn kế hoạch này là “nhằm đảm bảo các sự kiện chính trị trong khu vực không ảnh hưởng đến quan hệ đối tác Ả-rập - châu Phi,”đồng thời cho biết sẽ ấn định một ngày khác cho hội nghị.
Cùng ngày 7/11, Chính phủ Iraq thông báo quyết định viện trợ 10 triệu lít khí tự nhiên cho các bệnh viện tại Dải Gaza. Tuyên bố của chính phủ Iraq nêu rõ viện trợ lần này "nhằm giúp giảm nhẹ nỗi đau của nhân dân Palestine và thể hiện tình đoàn kết của nhân dân Iraq với người dân ở Gaza".
Tuy nhiên, tuyên bố không cho biết chi tiết thời gian và cách thức vận chuyển số nhiên liệu trên tới Gaza. Tháng trước, Iraq đã gửi viện trợ nhân đạo tới Gaza qua cửa khẩu Rafah ở Ai Cập.
Theo thông tin mới nhất, Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế (ICRC) cho biết đoàn xe viện trợ nhân đạo của cơ quan này tại Gaza đã bị tấn công ngày 7/11, đồng thời kêu gọi các bên tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, tôn trọng và bảo vệ nhân viên nhân đạo vào mọi lúc, ở mọi nơi.
Đoàn xe bị tấn công gồm 5 xe tải và hai xe vận chuyển nhân viên ICRC đã mang theo hỗ trợ y tế cần thiết đến các cơ sở y tế ở Gaza. Trong số này có 2 xe bị hư hỏng và một tài xế bị thương nhẹ.
Người đứng đầu phái đoàn ICRC tại Gaza, ông William Schomburg cho biết: "Không có các điều kiện để nhân viên nhân đạo có thể làm việc”. Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi ở đây để hỗ trợ khẩn cấp cho người dân cần hỗ trợ. Việc đảm bảo cho các viện trợ sống còn có thể đến được các cơ sở y tế là một nhiệm vụ pháp lý theo luật nhân đạo quốc tế".
H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)