Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Ngoại trưởng các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) ngày 23/10 đã nhóm họp để thảo luận về các vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có cuộc xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel, tình hình Ukraine.
Về những diễn biến tại Trung Đông, các ngoại trưởng EU kêu gọi thả ngay lập tức các con tin đang bị Phong trào Hồi giáo Hamas bắt giữ và khẳng định Israel có quyền tự vệ, điều này phù hợp với luật nhân đạo quốc tế. Những quan chức này cũng nhấn mạnh việc cần tránh một thảm họa nhân đạo và tăng cường viện trợ nhân đạo.
Hiện mỗi ngày có 20 xe chở hàng viện trợ vào Gaza trong khi nhu cầu ngày một lớn.
Các Ngoại trưởng EU đã thống nhất về việc cần tăng số lượng và tốc độ của các đoàn xe chở hàng viện trợ, cung cấp thêm thuốc men và thực phẩm, đồng thời cung cấp nhiên liệu cần thiết để vận hành nhà máy khử muối.
Các Ngoại trưởng EU đã thảo luận về triển vọng lâu dài cho hòa bình trong khu vực và nhất trí rằng tiến trình chính trị là rất quan trọng, hướng tới một mục đích cuối cùng là giải pháp hai nhà nước. EU và các quốc gia thành viên sẽ tiếp tục tiếp cận mạnh mẽ với các đối tác khu vực và các chủ thể quốc tế để ngăn chặn sự leo thang xung đột rộng hơn trong khu vực.
Các ngoại trưởng EU cùng lên tiếng phản đối các chiến dịch can thiệp và thông tin sai lệch của nước ngoài, khiến tình hình trở nên phức tạp hơn.
Liên quan đến cuộc xung đột Ukraine, hội nghị trên đã thảo luận cách đáp ứng tốt nhất các nhu cầu cấp thiết nhất của Ukraine, bao gồm cả việc tăng cường phòng không và đạn dược.
Các cam kết an ninh kết hợp hỗ trợ quân sự truyền thống với các yếu tố khác, tập trung vào an ninh mạng, rà phá bom mìn và tăng cường khả năng phục hồi của Ukraine, hỗ trợ năng lực phòng vệ của quốc gia này trong hiện tại và tương lai.
Trong khuôn khổ hội nghị trên, các Ngoại trưởng EU cũng trao đổi về các đề xuất cụ thể cho các cam kết an ninh trong tương lai của EU.
Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell nhấn mạnh sự cần thiết phải củng cố ngành công nghiệp quốc phòng của EU bằng cách tăng cường sản xuất đạn dược đáp ứng nhu cầu của Ukraine và bổ sung nguồn dự trữ của EU.
Hợp tác giữa các ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu và Ukraine cũng cần được tăng cường, trên cơ sở tôn trọng đầy đủ chính sách an ninh và quốc phòng của các quốc gia thành viên cũng như các ràng buộc về hiến pháp của họ.
Ngoài ra, Hội nghị cũng thảo luận về các diễn biến tại Niger, vấn đề Armenia và việc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng EU - Trung Á lần thứ 19 về các vấn đề an ninh, hợp tác giữa EU với các nước Trung Á.
Theo TTXVN/Vietnam+