* Các nước nỗ lực kêu gọi giảm căng thẳng
Trong ngày 26/10, Đại Hội đồng LHQ sẽ nhóm họp để thảo luận tình hình xung đột hiện nay giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel.
Đây là tuyên bố do Chủ tịch Dennis Francis đưa ra trong bức thư gửi các quốc gia thành viên.
Theo kế hoạch, cuộc họp dự kiến diễn ra vào 10 giờ sáng 26/10, giờ Mỹ (21 giờ tối cùng ngày theo giờ Việt Nam). Trước đó, Hội đồng Bảo an cũng có cuộc họp về vấn đề này trong ngày 24/10.
Cho đến nay, Hội đồng Bảo an LHQ vẫn chưa đạt được đồng thuận về một nghị quyết liên quan cuộc xung đột Hamas - Israel.
Tuy nhiên, một số quốc gia do Jordan thay mặt làm đại diện đã chính thức đề nghị Chủ tịch Đại Hội đồng Francis lên kế hoạch tổ chức cuộc họp trên.
Tuần trước, Hội đồng Bảo an LHQ đã bác bỏ dự thảo nghị quyết do Nga đề xuất kêu gọi thực hiện một "khoảng dừng nhân đạo". Chỉ có 5 trong số 15 quốc gia ủng hộ dự thảo nghị quyết này - văn bản lên án mọi hành vi bạo lực nhằm vào dân thường nhưng không nêu tên Hamas và đây là điều vấp phải sự phản đối của 3 nước Mỹ, Anh, Pháp.
Dự thảo nghị quyết thứ hai do Brazil đề xuất, trong đó lên án các cuộc tấn công tàn khốc của Hamas, cũng không được thông qua do vấp phải phiếu phủ quyết của Mỹ - một trong 5 ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an.
Để được thông qua, một dự thảo nghị quyết cần ít nhất 9 phiếu ủng hộ và không có phiếu phủ quyết của một trong 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an gồm Nga, Trung Quốc, Mỹ, Pháp và Anh.
Trong diễn biến liên quan, hãng thông tấn ANP ngày 23/10 đưa tin Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã trao đổi với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas về việc ngăn chặn không để xung đột Hamas - Israel lan rộng ra toàn khu vực.
Theo ANP, nhà lãnh đạo Hà Lan cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của triển vọng nhà nước Palestine độc lập bên cạnh Israel, cho rằng giải pháp hai nhà nước “là cách duy nhất mang lại sự ổn định cho toàn bộ khu vực".
Trong khi đó, tại cuộc họp ở Iran diễn ra cùng ngày, đại diện các nước Iran, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia và Azerbaijan cũng đã trao đổi quan điểm về tình hình ở Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải chấm dứt ngay lập tức việc nhằm mục tiêu vào thường dân vô tội trong và xung quanh vùng lãnh thổ này.
Slovenia kêu gọi ngừng bắn nhân đạo, Ai Cập và Malaysia bày tỏ quan ngại
Theo phóng viên TTXVN tại Trung và Đông Âu, Ngoại trưởng Slovenia Tanja Fajon ngày 23/10 kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) cần đảm bảo ngừng bắn ở Dải Gaza để không có thêm bất kỳ một thường dân nào bị sát hại, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng viện trợ.
Phát biểu tại hội nghị Ngoại trưởng EU ở Luxembourg, Ngoại trưởng Fajon nhấn mạnh rằng không nên để xung đột lan ra khu vực. Bà cũng kêu gọi các bên liên quan chấm dứt xung đột, đồng thời bày tỏ quan tâm đến nhu cầu hàng trăm xe chở nước và thực phẩm mỗi ngày của người dân tại Dải Gaza.
Theo Ngoại trưởng Fajon, hành động của các bên “nên được thực hiện trong khuôn khổ luật nhân đạo quốc tế”. Bà cũng khẳng định Slovenia ủng hộ mọi nỗ lực để đạt được hòa bình.
Trong một diễn biến khác có liên quan, hãng tin Tân Hoa Xã cùng ngày cho biết, Ngoại trưởng Iran Amir-Abdollahian đã thảo luận về tình hình chính trị và chiến sự tại Palestine, cuộc tấn công của Israel vào Gaza với thủ lĩnh Hamas và Phong trào Hồi giáo Jihad Palestine (PIJ). Ngoại trưởng Iran cũng kêu gọi cung cấp viện trợ nhân đạo liên tục cho khu vực này qua cửa khẩu Rafah.
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 23/10, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim (đang ở thăm Cairo) khẳng định cuộc xung đột tại Gaza hiện nay đòi hỏi các nỗ lực hợp tác quốc tế hướng tới giải pháp hai nhà nước cũng như bảo vệ các quyền chính đáng của người dân Palestine, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Theo tuyên bố của Phủ Tổng thống Ai Cập, trong cuộc gặp, Tổng thống El-Sisi đã thảo luận với Thủ tướng Anwar Ibrahim về kết quả Hội nghị thượng đỉnh Hòa bình Cairo vừa diễn ra hôm 21/10, trong đó cả hai nhà lãnh đạo đều nhất trí về sự cần thiết phải phối hợp các nỗ lực nhằm giảm leo thang xung đột giữa Israel và Phong trào Hamas cũng như bảo vệ người dân Palestine.
Ông El-Sisi và ông Ibrahim nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo khả năng tiếp cận viện trợ nhân đạo liên tục, an toàn và nhanh chóng cho người dân Gaza. Tổng thống El-Sisi và Thủ tướng Ibrahim cũng đã thảo luận các vấn đề quan trọng trong khu vực và quốc tế cùng quan tâm, bao gồm cả vấn đề chống khủng bố.
Về phần mình, Thủ tướng Ibrahim khẳng định Malaysia kiên quyết phản đối việc ép buộc di dời người Palestine ra khỏi Gaza, đồng thời bày tỏ quan ngại về tình trạng bạo lực hiện nay trong khu vực.
Thủ tướng Malaysia đánh giá cao các nỗ lực của Ai Cập trong vấn đề này. Ông Ibrahim đã đến Ai Cập từ Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 22/10, như một phần trong chuyến công du Trung Đông.
Trước đó, nhà lãnh đạo Malaysia đã đến thăm Ả-rập Xê-út, nơi ông tham dự Hội nghị cấp cao giữa Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vài ngày trước.
Hai nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về quan hệ hợp tác song phương và bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác giữa hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp, viễn thông, công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng và an ninh lương thực. Ai Cập là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Malaysia ở châu Phi, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1,08 tỉ USD vào năm 2022, tăng 24,8% so với năm 2021.
Thủ tướng Thái Lan kêu gọi toàn bộ lao động nước này sớm rời Israel
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin ngày 23/10 đã khẩn thiết kêu gọi tất cả lao động Thái Lan rời khỏi Israel, cảnh báo rằng xung đột có thể sẽ lan rộng và leo thang, các trận chiến trên bộ trong tương lai sẽ cản trở nỗ lực sơ tán.
Ông Srettha đưa ra lời kêu gọi này sau cuộc gặp với các quan chức Bộ Ngoại giao về tình hình ở Israel và Dải Gaza của Palestine.
Ông cho biết tất cả các cơ quan quân sự, ngoại giao và an ninh đều xác nhận rằng tình hình xung đột vẫn chưa hạ nhiệt, có khả năng leo thang và mở rộng sang các nước lân cận. Theo nhà lãnh đạo Thái Lan, đây là điều thực sự đáng lo ngại.
Lo ngại rằng khi trận chiến trên bộ bắt đầu sẽ khiến việc sơ tán khó khăn hơn nhiều, Thủ tướng Srettha kêu gọi tất cả công dân Thái Lan hãy trở về vì tính mạng và sự an toàn của bản thân, đồng thời kêu gọi người thân của họ ở quê nhà thuyết phục con em mình rời Israel khi còn có thể.
Ông Srettha đã yêu cầu các quan chức tăng ưu đãi tiền mặt cho những người trở về từ mức 15.000 baht/tháng (412,5 USD/tháng) và đảm bảo họ có việc làm khi trở về.
Bên cạnh đó, ông Srettha cũng nhấn mạnh chính phủ đang nỗ lực hết sức để những công dân Thái Lan bị bắt cóc sớm được trả tự do.
Khi tham dự Hội nghị cấp cao Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) - Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Riyadh, Ả-rập Xê-út vào cuối tuần trước, Thủ tướng Thái Lan cho biết ông đã thảo luận về số phận của những công dân Thái Lan bị cầm giữ với người đồng cấp Malaysia, các quốc vương của Oman và Bahrain, cũng như Thái tử Ả-rập Xê-út.
Thêm 2 con tin người Israel được trả tự do
Phong trào Hamas đã thả thêm 2 con tin người Israel là phụ nữ lớn tuổi, Slovenia kêu gọi ngừng bắn nhân đạo, Thái Lan kêu gọi công dân rời Israel, đó là những thông tin đáng chú ý về xung đột Israel - Hamas gần đây.
Phóng viên TTXVN tại Cairo dẫn nguồn hãng thông tấn MENA của Ai Cập ngày 23/10 cho biết Phong trào Hamas đã thả thêm 2 con tin người Israel là phụ nữ lớn tuổi và 2 người này đã tới cửa khẩu biên giới Rafah giữa Dải Gaza và Ai Cập.
2 phụ nữ Israel đã được trả tự do thông qua nỗ lực hòa giải tích cực của Ai Cập. Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế (ICRC) thông báo đã tạo điều kiện thuận lợi nhằm đưa 2 con tin người Israel nói trên ra khỏi Dải Gaza.
ICRC cũng nhấn mạnh “sẵn sàng tạo mọi điều kiện cho bất kỳ đợt thả con tin nào trong tương lai” và bày tỏ hy vọng rằng những người được trả tự do sẽ sớm gặp lại gia đình của mình.
Trong khi đó, quân đội Israel ngày 23/10 tuyên bố đã sử dụng xe thiết giáp tấn công cục bộ vào Dải Gaza. Trong khi đó, các chiến binh Hamas khẳng định đã đẩy lùi các cuộc đột kích của Israel.
Người phát ngôn của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari xác nhận các cuộc đột kích của thiết giáp và bộ binh diễn ra vào đêm 22/10 nhằm chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến.
Ông Hagari cho biết các "cuộc đột kích sâu" cũng nhằm xác định vị trí và tìm kiếm những người bị phong trào Hamas cầm giữ kể từ khi xung đột nổ ra vào ngày 7/10, trước khi cuộc chiến bước sang giai đoạn tiếp theo.
Quân đội Israel cho hay trong 24 giờ qua đã tấn công hơn 320 mục tiêu ở Gaza, bao gồm một đường hầm của các chiến binh Hamas cũng như các trạm chỉ huy và trinh sát.
Trong khi đó, Lữ đoàn Izz el-Deen al-Qassam, nhánh vũ trang của lực lượng Hamas, khẳng định các chiến binh Hamas đã giao tranh với lực lượng Israel tiến vào thành phố Khan Younis ở phía Nam Gaza.
Theo cơ quan y tế Dải Gaza, các cuộc không kích của Israel đã khiến ít nhất 5.087 người thiệt mạng tại khu vực này, trong đó có 2.055 trẻ em và 1.119 phụ nữ kể từ khi xung đột bùng phát vào ngày 7/10 vừa qua.
Cơ quan y tế ở Dải Gaza viện dẫn, trong các cuộc tấn công của Israel chỉ riêng trong 24 giờ đã làm 436 người Palestine đã thiệt mạng, trong đó có 182 trẻ em. Theo cơ quan này, hầu hết các trường hợp tử vong đều ở phía Nam Dải Gaza. Phía Israel cũng ghi nhận ít nhất 1.500 người thiệt mạng và hơn 4.200 người bị thương.
H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)