Thứ Tư, 27/11/2024 18:41 CH
Nhật Bản sử dụng trí tuệ nhân tạo để tìm kiếm đồ vật thất lạc
Thứ Hai, 23/10/2023 16:58 CH

Nhiều công ty đường sắt tại Nhật Bản như Keio, JR Kyushu đã ứng dụng tìm kiếm đồ vật thất lạc. Nguồn: Keio Corp

* AI có thể chẩn đoán người mắc tiểu đường trong 10 giây nhờ… giọng nói

 

Từ giữa năm 2023, nhiều công ty đường sắt tại Nhật Bản như Keio, JR Kyushu đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao khả năng tìm kiếm tài sản bị thất lạc nhằm giảm gánh nặng cho các nhà khai thác đường sắt.

 

Với công nghệ mới có ứng dụng AI, để tìm kiếm đồ thất lạc, người dân chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh để nhập mô tả về đồ vật bị mất, bao gồm các đặc điểm xác định, ảnh, thời gian và địa điểm bị mất… thông qua tài khoản chính thức của dịch vụ tìm kiếm này trên ứng dụng LINE, một mạng xã hội phổ biến tại Nhật Bản.

 

Cùng với đó, nhân viên tại các phòng chuyên xử lý thông tin về đồ thất lạc cũng sẽ sử dụng điện thoại thông minh để chụp ảnh từng đồ vật bị thất lạc và cập nhật vào hệ thống dữ liệu về đồ vật thất lạc mà họ nhận được từ các nguồn khác nhau. Mỗi bài mô tả thông tin này sẽ được cung cấp một mã QR để truy cập.

 

Trên cơ sở đó, hệ thống AI sẽ được sử dụng để so sánh thông tin giữa dữ liệu do người làm mất mô tả với thông tin từ cơ sở dữ liệu, sau đó đưa ra các kết quả về đồ vật thất lạc có mô tả trùng khớp nhất. Sau một vài thủ tục xác nhận, đồ vật bị thất lạc sẽ được trả lại cho chủ nhân tại các địa điểm được chỉ định như nhà ga, sở cảnh sát.

 

Theo đại diện của Công ty Đường sắt Keio, doanh nghiệp này xử lý khoảng 16.000 đồ vật bị thất lạc mỗi tháng và kể từ khi hệ thống AI được sử dụng, tỉ lệ trả lại các đồ vật bị thất lạc đã tăng gần gấp 3 lần. Trong khi đó Công ty Đường sắt JR Kyushu cho biết hệ thống này đã giúp giảm bớt khối lượng công việc của nhân viên nhà ga.

 

Trước đó, khi tiếp nhận thông tin về đồ vật bị thất lạc, các nhân viên điều hành đường sắt cần mất khá nhiều thời gian để kiểm tra đồ vật, mô tả và gửi đến các phòng xử lý thông tin đồ thất lạc.

 

Theo số liệu của Sở Cảnh sát Tokyo, trong năm 2019, thành phố đã ghi nhận kỷ lục 4,15 triệu đồ vật bị thất lạc. Con số này giảm xuống còn 2,81 triệu vào năm 2020 một phần vì người dân hạn chế ra ngoài trong thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên, số đồ vật thất lạc đã tăng trở lại lên 3,43 triệu vào năm 2022.

 

Hệ thống Xử lý Đồ vật Thất lạc bằng Công nghệ AI nói trên được Find Inc, một công ty khởi nghiệp về lĩnh vực công nghệ phát triển trong bối cảnh việc quản lý các đồ vật bị thất lạc và trả lời các câu hỏi từ những người yêu cầu tìm kiếm khá phức tạp, đặt ra gánh nặng lớn cho các nhà khai thác đường sắt tại Nhật Bản.

 

Với những kết quả tích cực trong giai đoạn thử nghiệm từ giữa năm 2023 đến nay, công nghệ này hứa hẹn sẽ được ứng dụng rộng rãi, không chỉ trong ngành đường sắt mà cả trong nhiều lĩnh vực khác ở Nhật Bản, một trong những quốc gia có lượng người sử dụng phương tiện giao thông công cộng lớn nhất thế giới.

 

* Các nhà nghiên cứu y tế Canada đã đào tạo AI chẩn đoán chính xác bệnh tiểu đường tuýp 2 chỉ sau 6 - 10 giây, thông qua giọng nói của bệnh nhân.

 

Theo trang Daily Mail, nhóm nghiên cứu tại Klick Labs (Mỹ) đã đạt được thành tựu trên sau khi mô hình học máy AI của họ xác định được 14 đặc điểm âm thanh khác biệt giữa những người không mắc bệnh và những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.

 

AI đã tập trung vào một tập hợp các đặc điểm của giọng nói, trong đó có những thay đổi nhỏ về cao độ và cường độ giọng nói mà tai người không thể nghe thấy. Sau đó, ghép dữ liệu đó với thông tin sức khỏe cơ bản, bao gồm tuổi, giới tính, chiều cao và cân nặng của người tham gia nghiên cứu.

 

Các nhà nghiên cứu nhận thấy giới tính đóng vai trò quyết định: AI có thể chẩn đoán bệnh chính xác với tỉ lệ 89% đối với phụ nữ, nhưng kém chính xác hơn một chút là 86% đối với nam giới.

 

Mô hình AI này hứa hẹn sẽ giúp giảm đáng kể chi phí để thăm khám bệnh. Nhóm nghiên cứu cho biết mô hình của Klick Labs sẽ chính xác hơn khi được nhập thêm dữ liệu độ tuổi và chỉ số khối cơ thể (BMI) của người bệnh. 

 

Ông Yan Fossat, Phó Giám đốc Klick Labs và là nhà nghiên cứu chính trong mô hình trên, tự tin rằng sản phẩm công nghệ giọng nói của họ mang tiềm năng to lớn trong việc xác định bệnh tiểu đường tuýp 2 và các tình trạng sức khỏe khác.

 

Giáo sư Fossat cũng giảng dạy tại Đại học Công nghệ Ontario, với chuyên môn là mô hình toán học và khoa học tính toán cho sức khỏe kỹ thuật số.

 

Ông hy vọng phương pháp chẩn đoán bằng AI không xâm lấn và dễ tiếp cận của Klick có thể tạo điều kiện để chẩn đoán bệnh thông qua một ứng dụng điện thoại đơn giản. Điều đó sẽ giúp xác định và hỗ trợ hàng triệu người bị mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 mà chưa có điều kiện đi khám sàng lọc. 

 

Ông cũng bày tỏ hy vọng sẽ nhân rộng nghiên cứu mới này sang các lĩnh vực y tế khác, như tiền tiểu đường, sức khỏe phụ nữ và tăng huyết áp.

 

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek