Các nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã bày tỏ mong muốn cùng Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) hợp tác đổi mới vì một tương lai bền vững.
Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-GCC lần thứ nhất đang diễn ra tại thủ đô Riyadh (Ả-rập Xê-út), ngày 20/10, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin tái khẳng định cam kết của nước này trong việc thúc đẩy quan hệ với các thành viên GCC, đặc biệt là trong hợp tác kinh tế, hành động vì khí hậu và giao lưu nhân dân.
Ông cũng đề xuất tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư thông qua các hiệp định thương mại tự do Thái Lan-GCC và ASEAN-GCC.
Để tăng cường mối quan hệ giữa khu vực tư nhân cũng như thúc đẩy an ninh lương thực và năng lượng, Thủ tướng Thái Lan đề xuất thành lập diễn đàn doanh nghiệp ASEAN-GCC.
Ông cũng kêu gọi hợp tác nhiều hơn về tính bền vững, tài chính xanh và chuyển đổi năng lượng theo hướng phát thải ròng bằng 0.
Nhằm thúc đẩy giao lưu nhân dân giữa hai khu vực thông qua du lịch, đặc biệt là du lịch chăm sóc sức khỏe, Thủ tướng Srettha cho biết Thái Lan sẽ theo đuổi chương trình miễn thị thực và kết nối bầu trời mở.
Trong khi đó, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi tăng cường hợp tác kinh tế giữa ASEAN và GCC, nhấn mạnh rằng "hai tổ chức này sẽ tiếp tục phát triển”.
Theo nhà lãnh đạo này, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt hơn 5.000 tỉ USD và dân số hơn 700 triệu người, ASEAN và GCC có những nguồn lực to lớn để đóng vai trò chiến lược và tích cực trong một thế giới phân cực.
Ông nêu rõ: “Chúng ta cần tối đa hóa tiềm năng kinh tế thông qua đầu tư, thương mại cân bằng và cởi mở với khuôn khổ thương mại ASEAN-GCC và thông qua phát triển công nghiệp, các sản phẩm và du lịch Halal”.
Tổng thống Indonesia cũng kêu gọi tăng cường quan hệ đối tác cùng có lợi giữa các nước thành viên ASEAN và GCC nhằm hỗ trợ an ninh lương thực và an ninh năng lượng thông qua hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp và lương thực, tiêu chuẩn hàng hóa nông nghiệp và các chương trình chuyển đổi năng lượng.
Lãnh đạo nước Chủ tịch ASEAN năm 2023 khẳng định: “Trong bối cảnh tình hình toàn cầu ngày càng bất ổn, tôi nhấn mạnh cam kết của ASEAN trong việc bảo vệ người lao động nhập cư và tôi kêu gọi sự hỗ trợ của các nước GCC”.
Tổng thống Indonesia đánh giá việc tất cả các nước thành viên GCC tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) như một cam kết của các nước Vùng Vịnh đối với hòa bình ở Đông Nam Á và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Cũng trong ngày 20/10, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã đề xuất một Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA) giữa ASEAN và GCC nhằm tối đa hóa tiềm năng kinh tế của cả hai khu vực.
Thủ tướng Anwar cho biết những thách thức do môi trường địa chính trị hiện nay đòi hỏi các quốc gia ASEAN và Trung Đông phải làm mới quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai khu vực. Ông nhấn mạnh cần phải chuyển đổi mối quan hệ ASEAN - GCC để tối đa hóa tiềm năng kinh tế của mỗi bên.
Liên quan đến vấn đề này, Malaysia đã đề xuất xây dựng CEPA - một thỏa thuận có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng tiến bộ, toàn diện và bền vững, đặc biệt khi các khu vực đang phục hồi sau đại dịch COVID-19 và đối mặt với những bất ổn địa chính trị.
Theo nhà lãnh đạo này, đây sẽ là hiệp định thương mại tự do đầu tiên giữa ASEAN và Trung Đông.
Thủ tướng Anwar nhấn mạnh Hội nghị Cấp cao ASEAN - GCC lần thứ nhất cho thấy mối quan hệ giữa hai khu vực đang đứng trước một kỷ nguyên hợp tác mới.
Theo ông, quan hệ ASEAN - GCC đã phát triển vượt bậc kể từ khi hai bên chính thức hóa quan hệ lần đầu tiên vào năm 1990 cùng việc thông qua Tuyên bố chung của hội nghị và Thỏa thuận khung hợp tác đi kèm sẽ là minh chứng cho quan hệ song phương.
Hội nghị Cấp cao ASEAN - GCC lịch sử này do Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman và Tổng thống Indonesia Joko Widodo - quốc gia giữ cương vị Chủ tịch ASEAN năm nay - đồng chủ trì.
Tham dự hội nghị có các nhà lãnh đạo ASEAN, đại diện cho 10 quốc gia thành viên và 6 lãnh đạo của quốc gia thành viên của GCC, bao gồm Ả-rập Xê-út, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), Qatar, Bahrain và Oman.
Theo TTXVN/Vietnam+