* Anh tổ chức Hội nghị Cấp cao đầu tiên trên thế giới về AI
Hãng tin Kyodo vừa đưa tin các quan chức của Nhóm Các nước Công nghiệp Phát triển (G7) đã nhất trí về dự thảo các nguyên tắc hướng dẫn cho những nhà phát triển các dạng trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến, hy vọng giảm thiểu các rủi ro liên quan như quấy rối, thông tin sai lệch và những lo ngại về quyền riêng tư.
Nguồn tin trên cho biết G7, gồm Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada và Ý, đã thảo luận về sự cần thiết của các tiêu chuẩn quốc tế để khai thác các công nghệ đang phát triển nhanh chóng như ChatGPT do OpenAI phát triển.
Trước đó, tại cuộc họp ở Kyoto ngày 9/10 vừa qua, các đại diện của nước G7, trong đó có Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản Junji Suzuki, đã đồng ý về 11 nguyên tắc, trong đó có tiến hành đánh giá của bên thứ ba trong giai đoạn phát triển hệ thống AI trước khi triển khai và thực hiện các biện pháp bảo vệ bản quyền tác giả.
Dự kiến, các nhà lãnh đạo của G7 sẽ tán thành các nguyên tắc trên trước khi các bộ trưởng liên quan sẽ đàm phán và đạt được thỏa thuận chính thức vào cuối năm nay.
Trước đó, G7 đã cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn do AI gây ra, bao gồm quấy rối, kích động thù hận và lạm dụng trực tuyến cũng như đe dọa sự an toàn của trẻ em, quyền riêng tư và nguy cơ thao túng thông tin.
Nhật Bản, nước chủ trì G7 năm nay, đang dẫn đầu cuộc thảo luận của nhóm về các quy tắc giúp hệ thống AI tiên tiến trở nên an toàn, bảo mật và đáng tin cậy vì AI được coi là thiết yếu trong việc mang lại sự đổi mới cho giải quyết các thách thức toàn cầu như khủng hoảng khí hậu.
G7 cũng hướng đến việc biên soạn một bộ quy tắc ứng xử quốc tế cho các nhà phát triển công cụ AI cũng như các hướng dẫn dành cho nhà cung cấp và người sử dụng dịch vụ AI để ngăn chặn các công nghệ liên quan bị sử dụng phục vụ các hành vi tội phạm.
* Với mục tiêu trở thành nước đi đầu thế giới trong lĩnh vực AI, Anh sẽ đăng cai Hội nghị cấp cao đầu tiên về an toàn AI trong 2 ngày 1-2/11. Hội nghị dự kiến diễn ra tại Bletchley Park, phía nam vùng England, với sự tham gia của khoảng 100 khách mời, trong đó có Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Giám đốc điều hành Google Demis Hassabis, cùng các học giả, nhà tiên phong trong lĩnh vực AI...
Hội nghị đặt trọng tâm thảo luận về nguy cơ tội phạm và các phần tử khủng bố có thể lợi dụng công nghệ tiên tiến này để chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt. Đây là một trong mối quan ngại của Thủ tướng Anh Rishi Sunak về những nguy cơ hiện hữu từ AI.
Ông Matt Clifford, nhà đầu tư công nghệ và là một trong hai người chịu trách nhiệm tổ chức chính sự kiện, khẳng định mục đích của hội nghị cấp cao này là khởi động các cuộc đối thoại quốc tế về quy định AI.
Trước đó, Chính phủ Anh đã công bố chương trình nghị sự của Hội nghị cấp cao về an toàn AI, trong đó có các cuộc thảo luận về những tiến bộ khó lường của công nghệ và cũng như khả năng AI vượt khỏi tầm kiểm soát của con người.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng hội nghị không nên tập trung quá cụ thể vào các mối đe dọa hiện hữu mà cần hướng tới giải quyết các vấn đề cấp bách hiện tại.
Hồi tháng 6 năm nay, khi Thủ tướng Sunak lần đầu tiên công bố việc tổ chức hội nghị, các nhân vật cấp cao đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những rủi ro hiện hữu của AI. Tỉ phú Mỹ Elon Musk kêu gọi tạm dừng phát triển những hệ thống như vậy.
Trong khi đó, nhà khoa học Geoffrey Hinton tại Đại học Toronto (Canada), một trong những nhà tiên phong phát triển AI, cảnh báo công nghệ này đặt ra mối đe dọa cấp bách cho nhân loại hơn là biến đổi khí hậu.
Ông Hinton cũng hối thúc chính phủ các nước trên thế giới hành động để ngăn chặn viễn cảnh máy móc kiểm soát xã hội loài người.
Các nhà phân tích nhận định hội nghị cấp cao AI sẽ nhấn mạnh vị thế của London như một trung tâm công nghệ hàng đầu thế giới. Theo dữ liệu gần đây của Dealroom, các công ty công nghệ của Anh đã huy động được nhiều vốn đầu tư hơn vào năm 2022 so với số vốn của Pháp và Đức cộng lại.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)