Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres ngày 13/10 kêu gọi bảo vệ dân thường trong cuộc xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel, nhấn mạnh rằng "ngay cả chiến tranh cũng phải có những nguyên tắc" và không được dùng các con tin làm lá chắn sống.
Phát biểu với báo giới trước khi bước vào cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an LHQ tại New York (Mỹ), Tổng thư ký Guterres nêu rõ "tình hình ở Gaza đã suy yếu xuống mức nguy hiểm mới".
Đề cập việc quân đội Israel kêu gọi người Palestine ở TP Gaza và khu vực xung quanh di chuyển về phía Nam vùng lãnh thổ này trong 24 giờ, ông Guterres khẳng định hơn 1 triệu người di chuyển qua vùng chiến sự đông dân đến một nơi không có thức ăn, nước uống hoặc chỗ ở, khi toàn bộ lãnh thổ đang bị bao vây, là việc cực kỳ nguy hiểm và thậm chí không thực hiện được.
Theo Tổng Thư ký LHQ, hệ thống y tế tại Dải Gaza đang bên bờ vực sụp đổ, các bệnh viện ở khu vực phía Nam đều đã quá tải và không thể tiếp nhận hàng nghìn bệnh nhân mới từ khu vực phía Bắc. Toàn bộ Gaza phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nước do cơ sở hạ tầng bị hư hại và không có điện để vận hành máy bơm và nhà máy khử muối.
Ông Guterres cho biết ông đang giữ liên lạc với các nhà lãnh đạo trong khu vực để tìm hướng giải quyết và ngăn chặn nguy hiểm leo thang trong khu vực. Tổng Thư ký Guterres kêu gọi các bên tôn trọng luật nhân đạo quốc tế và các quyền cơ bản của con người cũng như bảo vệ dân thường, theo đó tạo điều kiện triển khai hoạt động nhân đạo ngay lập tức trên khắp Gaza để cung cấp nhiên liệu, thực phẩm và nước uống cho những người cần.
Trong khi đó, phát biểu với báo giới trước cuộc họp với các đại sứ nhóm các nước Ả-rập tại LHQ, đại diện của Palestine tại LHQ, ông Riyad Mansour kêu gọi Tổng Thư ký Guterres làm nhiều hơn nữa để bảo vệ gần nửa triệu dân thường ở Dải Gaza.
Về phía Israel, đề cập việc kêu gọi người dân ở Dải Gaza di chuyển về phía Nam, Đại sứ Israel tại LHQ Gilad Erdan cho biết mục đích của yêu cầu này là nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với dân thường.
Theo hãng tin Reuters, Nga đã đề xuất một dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ kêu gọi ngừng bắn nhân đạo và lên án mọi hành động bạo lực nhằm vào dân thường và hành động khủng bố.
Phát biểu sau cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cho biết nước này sẵn sàng làm trung gian giữa hai bên. Hiện chưa rõ Nga có đưa nghị quyết này ra bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an hay không.
Trả lời báo giới về dự thảo nghị quyết của Nga, Đại sứ Anh tại LHQ cho rằng cần có thời gian để tham vấn nghiêm túc. Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Zhang Jun cho rằng Hội đồng Bảo an LHQ cần lên án mạnh mẽ về tình hình thực sự đáng báo động hiện nay và cần có hành động có ý nghĩa.
Trong diễn biến liên quan, ngày 13/10, hãng thông tấn của Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) cho biết nước này đã điều một chuyến bay chở viện trợ y tế khẩn cấp tới TP Arish của Ai Cập để chuyển sang Dải Gaza qua cửa khẩu Rafah.
Trong khi đó, phóng viên TTXVN tại châu Âu dẫn lời Ngoại trưởng Na Uy Anniken Huitfeldt cho biết chính phủ nước này sẽ tăng viện trợ nhân đạo cho người dân ở Dải Gaza thêm 70 triệu kroner (khoảng 6,37 triệu USD).
Trong thông báo, Ngoại trưởng Anniken Huitfeldt nêu rõ: “Đáp lại lời kêu gọi khẩn cấp của LHQ và các tổ chức nhân đạo ở Na Uy, các khoản hỗ trợ sẽ được giải ngân nhanh nhất có thể”.
Trong năm 2022, Na Uy đã cung cấp hơn 900 triệu kroner (khoảng 86 triệu USD) hỗ trợ Palestine, bao gồm viện trợ nhân đạo, phát triển dài hạn và đóng góp cho Cơ quan LHQ cứu trợ người tị nạn Palestine.
Trong thông báo nêu trên, Ngoại trưởng Anniken Huitfeldt đánh giá: “Tình hình ở Gaza vốn đã bấp bênh và giờ trở nên tồi tệ hơn. Điều cực kỳ quan trọng là dân thường phải nhận được thực phẩm, thuốc men, nước uống và các thiết bị cần thiết khác”.
Trong diễn biến khác, hãng hàng không Thụy Sĩ ngày 13/10 thông báo tạm dừng các chuyến bay đưa công dân về nước từ Israel cho tới khi có thông báo mới. Thông báo cho biết: “Chúng tôi phải hủy hai chuyến bay đặc biệt từ Tel Aviv tới Zurich, dự kiến trong ngày 14/10. Việc sơ tán công dân Thụy Sĩ sẽ phải tạm dừng vì chúng tôi cần phải lường trước các cuộc tấn công trên bộ của Israel. Với nguy cơ leo thang xung đột mới giữa các bên ngày càng tăng, độ tin cậy và an toàn của các chuyến bay với phi hành đoàn và hành khách của chúng tôi ngày càng bị đe dọa. Chúng tôi kết luận rằng việc tiếp tục các chuyến bay là không hợp lý cho đến khi có thông báo mới”. Theo thông báo, quyết định trên được đưa ra theo đề nghị của Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ.
Trước đó, nhiều hãng hàng không của châu Á, châu Âu và Mỹ cũng đã dừng các chuyến bay thẳng đến Tel Aviv. Trong đó, hãng hàng không Delta Air Lines cho biết đang tiếp tục theo dõi tình hình tại khu vực này và đã quyết định hủy các chuyến bay đến và đi từ Tel Aviv do Delta vận hành đến hết ngày 31/10.
Bên cạnh đó, các công ty vận hành tàu du lịch Royal Caribbean và Carnival cho biết đang điều chỉnh nhiều hành trình trong khu vực này và các khách hàng bị ảnh hưởng đang được thông báo trực tiếp.
H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)