Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, cả Ai Cập và Ả-rập Xê-út đều phản đối việc Israel yêu cầu hơn một triệu người dân Palestine ở miền Bắc dải Gaza phải di dời khẩn cấp tới miền Nam trong vòng 24 giờ.
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 13/10, Bộ Ngoại giao Ai Cập nhấn mạnh hành động này của Israel vi phạm nghiêm trọng các quy tắc của Luật Nhân đạo Quốc tế khi đẩy cuộc sống của hơn một triệu người dân Palestine vào tình thế nguy hiểm, do họ sẽ phải sống ngoài trời trong điều kiện an ninh và nhân đạo không đảm bảo.
Ai Cập kêu gọi Chính phủ Israel kiềm chế các hành động leo thang để tránh gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho tình hình nhân đạo ở Dải Gaza. Ngoài ra, nước này cũng hối thúc Hội đồng Bảo an LHQvà các tổ chức quốc tế thực thi trách nhiệm ngăn chặn kế hoạch của Israel, đồng thời can thiệp để tình hình ở dải Gaza không tiếp tục leo thang hơn nữa.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Ả-rập Xê-út cũng phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động cưỡng bức di dời nào đối với người dân Palestine ở dải Gaza. Cơ quan này lên án việc nhắm mục tiêu vào “thường dân không có khả năng tự vệ” và kêu gọi cộng đồng quốc tế đảm bảo cứu trợ cũng như hỗ trợ y tế cần thiết cho người dân Gaza.
Bộ Ngoại giao Ả-rập Xê-út nói rõ việc không cung cấp kịp thời hàng viện trợ sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng và tăng thêm nỗi đau khổ cho người dân ở Gaza. Bên cạnh đó, Ả-rập Xê-út cũng kêu gọi Israel chấm dứt phong tỏa Gaza, tạo điều kiện cho việc sơ tán những người bị thương và thúc đẩy tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine, phù hợp với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ và Sáng kiến hòa bình Ả-rập.
Những phản đối trên được đưa ra trong bối cảnh quân đội Israel ngày 13/10 đã ra lệnh sơ tán 1,1 triệu người dân ở TP Gaza, yêu hầu họ phải gấp rút di chuyển về phía Nam trong vòng 24 giờ để tránh một cuộc tấn công trên bộ có thể xảy ra.
Cùng ngày 13/10, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng nước này Antony Blinken và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã thảo luận việc thiết lập các khu vực an toàn ở Dải Gaza để bảo vệ dân thường. Phát biểu với báo giới, quan chức này cho hay tại cuộc gặp ngày 12/10, Ngoại trưởng Blinken đã nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ tính mạng dân thường ở Dải Gaza, cũng như thiết lập một số vùng an toàn, nơi dân thường có thể tái định cư sau khi Nhà nước Do Thái kêu gọi 1 triệu người ở đây di tản.
Quan chức này cũng cho biết Mỹ đang liên lạc với Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế và các cơ quan cứu trợ của LHQ để tìm hiểu tình hình. Ngoại trưởng Mỹ Blinken đang có chuyến công du đến các quốc gia Trung Đông, với Qatar là chặng dừng chân cuối cùng.
Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh giao tranh giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas đã kéo dài nhiều ngày qua và Israel chuẩn bị cho cuộc tấn công trên bộ vào Dải Gaza.
Trước đó, sáng 13/10, LHQ cho biết Quân đội Israel đã thông báo rằng khoảng 1,1 triệu người Palestine ở Gaza sẽ phải di chuyển đến phía Nam của vùng đất này trong vòng 24 giờ tới.
Liên quan vấn đề này, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby đánh giá việc Israel kêu gọi hơn 1 triệu dân thường ở phía Bắc Gaza rời đi trong vòng 24 giờ là một "đòi hỏi quá cao" khi có rất nhiều người phải di chuyển trong một khoảng thời gian rất ngắn. Trong khi đó, Đại diện Cấp cao phụ trách Chính sách An ninh và Đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cũng cho rằng yêu cầu này của Israel là "không thực tế".
Cùng ngày 13/10, phát biểu tại TP Netivot miền Nam Israel sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Israel Eli Cohen, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết bà đang thảo luận với Ai Cập và LHQ về việc thiết lập vùng an toàn cho dân thường ở Dải Gaza.
Dải Gaza đang bên bờ vực của một thảm họa nhân đạo khi số người thiệt mạng tăng lên và nguồn cung hàng hóa thiết yếu gián đoạn sau khi Israel áp đặt bao vây khu vực này. Trước tình hình này, ngày 13/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã kêu gọi Israel cho phép hoạt động viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza thông qua cửa khẩu Rafah của Ai Cập.
Phát biểu tại TP Istanbul sau khi chuyến bay chở hàng viện trợ đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ hạ cánh ở Ai Cập, ông Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác với Ai Cập gửi hàng viện trợ tới người dân ở Gaza. Ông cũng cam kết tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở khu vực.
Ngày 13/10, Bộ Kinh tế Israel cho biết nước này sẽ tạo điều kiện miễn các thủ tục kiểm tra và thông quan đối với hàng chục mặt hàng nhập khẩu để ngăn chặn tình trạng thiếu hàng hóa trong bối cảnh cuộc xung đột với lực lượng Hamas kiểm soát Dải Gaza hiện nay.
Các nhà nhập khẩu sẽ không còn phải xuất trình chứng nhận tuân thủ các điều kiện về tiêu chuẩn mà họ thường phải thực hiện để thông quan hàng hóa. Danh sách hàng hóa được áp dụng quy định mới là những mặt hàng có mức độ ưu tiên nhập khẩu cao để phân phối.
Các mặt hàng này bao gồm quần áo, thiết bị bảo hộ dân sự, nước uống, hộp đựng, pin sạc và pin dự phòng, sản phẩm quang học và một số vật dụng khác.
Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh xung đột giữa quân đội Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine đã bước sang ngày thứ 7 liên tiếp và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Hiện đã có hàng nghìn người thương vong ở cả hai bên.
Người dân Israel đang đối mặt với nguy cơ khan hiếm hàng hóa, trong khi người dân Palestine ở Dải Gaza cũng đang bên bờ vực của một thảm họa nhân đạo khi nguồn cung hàng hóa thiết yếu gián đoạn sau khi Israel áp đặt bao vây khu vực này.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)