* Trung Quốc lần đầu thử nghiệm vận hành tàu thủy chạy bằng pin hydro
Một liên danh ở châu Âu đã thử nghiệm thành công turbine khí đầu tiên chạy hoàn toàn bằng hydro, mở ra hướng đi giúp cắt giảm lượng khí thải CO2 trong các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như sản xuất xi măng.
Liên danh có sự tham gia của công ty năng lượng Engie của Pháp, Trung tâm Hàng không và Vũ trụ Đức, công ty năng lượng Siemens Energy (Đức), công ty Centrax của Anh cùng nhiều trường đại học ở châu Âu.
Dự án với tên gọi Hyflexpower do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ được tiến hành thí nghiệm tại nhà máy đóng gói giấy Smurfit Kappa gần TP Limoges của Pháp.
Theo Phó Chủ tịch Engie, Frank Lacroix, thí nghiệm đã sử dụng turbine khí Siemens Energy SGT-400 với hệ thống đốt phù hợp với nhiên liệu hydro.
Các nhà tài trợ cho biết thí nghiệm cho thấy hydro có tiềm năng khử carbon nhanh chóng tại các khu công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, điển hình là khu công nghiệp sản xuất xi măng, thép, nhà máy lọc dầu và bất kỳ lĩnh vực nào có quá trình khử carbon phức tạp.
Người đứng đầu dự án Hyflexpower tại Tập đoàn Engie, ông Gael Carayon cho biết đây là dự án đầu tiên trên thế giới vận hành một turbine sử dụng 100% nhiên liệu hydro để sản xuất điện, đem lại lợi ích lâu dài khi có thể chuyển đổi các turbine hiện có thành các turbine chạy bằng năng lượng sạch.
Tuy nhiên, ông Lacroix cho rằng hydro có đặc tính tạo ra nguồn nhiệt “nhanh hơn” và “nóng hơn”, đòi hỏi nhà sản xuất phải chú trọng tiêu chuẩn an toàn. Ông cho biết bước tiếp theo không chỉ dừng lại ở sản xuất điện mà sẽ tiến tới sản xuất nhiệt lượng, có thể đem lại lợi ích cho lĩnh vực hàng không và vận tải biển.
Hydro được đánh giá là giải pháp thay thế tiềm năng cho nhiên liệu hóa thạch, nguyên nhân chính gây phát thải khí nhà kính khiến Trái Đất nóng lên. Hydro được sản xuất thông qua quá trình điện phân nước và chỉ được coi là hydro "xanh" nếu sử dụng điện sản xuất từ năng lượng tái tạo.
Việc phát triển nguồn nhiên liệu này đang vấp phải nhiều thách thức về mặt kỹ thuật, chi phí cao và thiếu hụt cơ sở hạ tầng. Giới chuyên gia cũng tranh cãi về khả năng hydro giảm phát thải khí nhà kính vì vấn đề này còn tùy thuộc vào phương pháp sản xuất.
* Trung Quốc vừa tiến hành chạy thử Tàu Hydro Tam Hiệp 1 tại Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc. Sự kiện này đánh dấu đột phá của Trung Quốc trong việc đưa ứng dụng công nghệ pin nhiên liệu hydro vào các tàu, thuyền hoạt động trên sông, hồ.
Tàu Hydro Tam Hiệp 1 là tàu thủy chạy bằng pin nhiên liệu hydro nội địa đầu tiên của Trung Quốc, do các công ty thuộc Tập đoàn Điện lực Tam Hiệp Dương Tử hợp tác phát triển và chế tạo. Việc thử nghiệm thành công và đưa vào vận hành tàu này có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển vận tải nội địa xanh và ít carbon của Trung Quốc.
Ông Trương Tinh Liệu, Tổng Giám đốc công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện lực Tam Hiệp Dương Tử Trung Quốc, cho biết Tàu Hydro Tam Hiệp 1 được chế tạo bằng kết cấu hỗn hợp thép-nhôm, dài 49,9m, rộng 10,4m, có thể chở 80 hành khách, công suất đầu ra định mức của pin nhiên liệu hydro là 500kw, tốc độ tối đa 28 km/h và phạm vi hoạt động 200km.
Theo thiết kế, so với các tàu chạy bằng nhiên liệu truyền thống, mỗi năm Tàu Hydro Tam Hiệp 1 có thể thay thế 103,16 tấn nhiên liệu và giảm 343,67 tấn khí thải CO2.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc là một trong những nước đứng đầu thế giới về vận tải đường thủy.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc Triệu Trung Cửu, tính đến hết năm 2020, Trung Quốc có quy mô cảng số 1 thế giới, biên đội tàu vận tải biển đứng thứ 2 và vận tải đường thủy nội địa nhiều năm liên tiếp đứng ở vị trí số 1 thế giới. Tổng lượng vận tải hàng hóa đường thủy nội địa của Trung Quốc năm 2020 đạt 3,8 tỉ tấn với tổng chiều dài vận tải 120.000km.
Trong Quy hoạch phát triển 5 năm lần thứ 14, Trung Quốc cũng đặt ra nhiều mục tiêu về xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, trong đó tăng khoảng 2.500km đường thủy chất lượng cao.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)