Ở tuổi 64, chuyên gia miễn dịch học Drew Weissman vừa gặt hái thêm một giải thưởng danh giá trong lĩnh vực nghiên cứu y sinh: Giải Noebl Y Sinh 2023 với công trình cùng chia sẻ với người đồng nghiệp Katalin Kariko.
Nhiều người, trong đó có cả gia đình của ông Weissman, nghĩ rằng đã đến lúc ông có thể nghỉ hưu với chế độ đãi ngộ tốt nhưng nhà khoa học này khẳng định ông chỉ có thể tăng tốc hơn nữa.
Chuyên gia miễn dịch học từ Đại học Pennsylvania nhận giải thưởng Nobel danh giá nhờ nghiên cứu tiên phong về công nghệ RNA, "chìa khóa" giúp phát triển vắcxin phòng bệnh COVID-19 góp công lớn thay đổi cục diện cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu.
Chia sẻ với hãng AFP (Pháp) sau khi trở thành chủ nhân giải Nobel Y Sinh, ông Weissman cho biết đã không dám tin vào thông báo từ nữ đồng nghiệp Katalin Kariko về việc công trình nghiên cứu của hai người đã được trao giải Nobel Y Sinh sau vài năm được đề cử.
Trước giải Nobel, ông Weissman đã nhận được nhiều giải thưởng uy tín như Giải thưởng Lasker dành cho những người còn sống đã có cống hiến lớn cho ngành y học hoặc thực hiện các dịch vụ y tế cộng đồng hay Giải thưởng Đột phá (Breakthrough Prize) trong các lĩnh vực Khoa học Sự sống, Vật lý Cơ bản và Toán học...
Tuy nhiên, với ông việc nhận được Giải thưởng Nobel chính là "giấc mơ thành hiện thực" vì ngay từ khi 5 tuổi và bắt đầu quan tâm tới cách vận hành của sự vật xung quanh, ông đã mơ về giải thưởng này.
Vừa bước sang tuổi 64, có đóng góp lớn trong việc giúp thế giới ngăn chặn được một loại virus đã cướp đi sinh mạng của khoảng 7 triệu người, nhà khoa học này hoàn toàn có thể nghĩ đến chuyện nghỉ hưu.
Vậy nhưng, ông Weissman vẫn nhận thấy còn rất nhiều việc phải làm và xác định sẽ tăng tốc khi đang có "vị trí thuận lợi".
Điều đầu tiên mà ông ưu tiên nghiên cứu là làm sao để cải tiến vắcxin mRNA phòng COVID-19, hướng đến đột phá tiếp theo giúp tạo ra mũi tiêm phòng toàn diện với chất lượng cao hơn nhiều so với những mũi tiêm tăng cường được thực hiện hằng năm hiện nay.
Ông cho biết loại vắcxin phòng chủng virus corona nói chung mà ông và đội ngũ các nhà nghiên cứu quốc tế đang ấp ủ sẽ có hiệu quả với mọi biến thể xuất hiện trong tương lai và cả những chủng virus lây từ dơi sang người.
Dù virus corona được biết đến với khả năng biến đổi nhanh nhưng ông Weissman đang cùng các chuyên gia về công nghệ AI nghiên cứu kỹ cấu trúc của những virus này để tìm ra "điểm bất biến" trong những cấu trúc đó.
Ông cho biết công trình nghiên cứu đang được thực hiện tốt trên động vật và các nhà khoa học hy vọng sẽ sớm có thể thực nghiệm trên người trong khoảng 6 tháng tới.
Ông cho biết cả nhóm tin rằng đây sẽ là một loại vắcxin "tối thượng".
Tổng cộng, phòng thí nghiệm của ông đang phát triển 20 loại vắcxin mRNA, trong đó 7 loại đã được thử nghiệm trên người giúp bảo vệ cơ thể trước nhiều chứng bệnh từ những chứng rối loạn miễn dịch hiếm thấy tới các bệnh dị ứng thực phẩm và bệnh tim.
Nhóm của ông có điều kiện thuận lợi hơn để mở rộng quy mô nghiên cứu nhờ thế giới đã công nhận tầm quan trọng của RNA.
Điều này khác xa so với những năm 1990 và 2000 khi ông và đồng chủ nhân Nobel Y Sinh Kariko có những phát hiện quan trọng về tiềm năng của công nghệ mRNA.
Không giống những loại vắcxin truyền thống, vắcxin sử dụng công nghệ mRNA cung cấp những hướng dẫn di truyền học giúp biến một số tế bào vật chủ thành những vật chất giống như virus, qua đó huấn luyện hệ miễn dịch ứng phó tốt hơn khi có virus thực sự xâm nhập.
Hiện ông Weissman cũng tham gia hỗ trợ thiết lập các địa điểm sản xuất vắcxin công nghệ mRNA ở nhiều nước thu nhập thấp và trung bình, phát triển các vắcxin phòng sốt xuất huyết và tularemia.
Ông Weissman nhấn mạnh điều đặc biệt quan trọng là đưa công nghệ RNA đến mọi nơi trên thế giới để các nước có sẵn cơ sở sản xuất và nghiên cứu những loại vắcxin phù hợp với nhu cầu tại địa bàn.
Theo TTXVN/Vietnam+