Ngày 2/10, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi khẳng định ông sẽ tranh cử nhiệm kỳ thứ ba trong cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào tháng 12/2023 ở nước này.
Như vậy, tính đến nay, ngoài Tổng thống đương nhiệm El-Sisi, còn có 7 chính trị gia khác công bố ý định ra tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Theo Điều 141 và Điều 142 của Hiến pháp hiện hành, các ứng cử viên tổng thống phải nhận được sự ủng hộ của 20 nghị sĩ hoặc 25.000 cử tri đăng ký tại ít nhất 15 tỉnh, với tối thiểu 1.000 phiếu tán thành tại mỗi tỉnh.
Ông El-Sisi, người từng giữ chức Tư lệnh quân đội Ai Cập trước khi làm Tổng thống Ai Cập từ năm 2014 đến nay, sẽ kết thúc nhiệm kỳ hiện tại vào tháng 4/2024.
Theo nhận định của giới phân tích chính trị quốc tế, Tổng thống El-Sisi chắc chắn sẽ ra tranh cử và sẽ tái đắc cử trong nhiệm kỳ 6 năm tiếp theo.
Theo Hiến pháp sửa đổi năm 2019 của Ai Cập, nhiệm kỳ tổng thống ở nước này được kéo dài từ 4 năm lên 6 năm, qua đó tạo cơ hội cho ông El-Sisi làm tổng thống nhiệm kỳ thứ ba đến năm 2030.
Hiện hàng chục đảng phái chính trị tại Ai Cập, trong đó có Đảng Tương lai Tổ quốc chiếm đa số trong hai viện của Quốc hội Ai Cập, tuyên bố ủng hộ đương kim Tổng thống El-Sisi ra tranh cử, vì họ mong muốn nhà lãnh đạo này tiếp tục tại vị để hoàn thành các kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế đất nước mà ông đã thúc đẩy trong hai nhiệm kỳ qua.
Trước đó ngày 25/9, Cơ quan Bầu cử Quốc gia Ai Cập (NEA) đã công bố kế hoạch tổ chức cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Theo đó, cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong 3 ngày từ ngày 10-12/12, trong khi các cuộc bỏ phiếu dành cho công dân Ai Cập ở nước ngoài sẽ được tổ chức trong các ngày từ 1-3/12.
Trong trường hợp cuộc bầu cử có vòng hai, các cuộc bỏ phiếu ở trong nước sẽ diễn ra từ ngày 8-10/1/2024, còn công dân Ai Cập ở nước ngoài sẽ đi bỏ phiếu từ ngày 5-7/1/2024. Việc tiếp nhận hồ sơ và đơn ứng cử của các ứng cử viên sẽ diễn ra từ ngày 5-14/10.
Cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ mới diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Ai Cập đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là tình trạng thiếu hụt ngoại tệ nghiêm trọng, sự sụt giá thảm hại của đồng bảng Ai Cập so với đồng USD và lạm phát leo thang.
Cải cách kinh tế và nâng cao đời sống của người dân là vấn đề được hầu hết cử tri Ai Cập hết sức quan tâm. Vực dậy nền kinh tế là nhiệm vụ hết sức nặng nề đối với tổng thống nhiệm kỳ tới.
Theo TTXVN/Vietnam+