Theo Yonhap/Reuters, ngày 7/5, tại Phủ Tổng thống Hàn Quốc ở Seoul, Tổng thống Yoon Suk-yeol đã gặp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại hội nghị thượng đỉnh song phương lần thứ hai trong vòng chưa đầy 2 tháng.
Cuộc gặp mang tính biểu tượng cao này thể hiện 2 nước láng giềng đang kiên quyết khôi phục hoàn toàn các mối quan hệ đã bị rạn nứt từ lâu.
Theo Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, hội nghị thượng đỉnh này trước hết được tổ chức trong một nhóm nhỏ và sau đó sẽ diễn ra theo hình thức mở rộng, bao gồm các vấn đề như an ninh, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ cũng như hợp tác về các vấn đề văn hóa và thanh niên.
Triều Tiên sẽ là chủ đề quan trọng trong chương trình nghị sự khi Hàn Quốc thúc đẩy tăng cường hợp tác với Nhật Bản và hợp tác ba bên với Mỹ để chống lại mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng do các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng gây ra.
Theo các nguồn tin ngoại giao, tối 7/5, ông Yoon Suk-yeol và ông Kishida sẽ tổ chức họp báo chung, sau đó ăn tối tại dinh thự chính thức của Tổng thống Hàn Quốc.
Theo Reuters, trong cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Seoul, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nhấn mạnh hợp tác giữa Seoul và Tokyo đóng vai trò cần thiết đối với hòa bình và thịnh vượng toàn cầu.
Tổng thống Yoon Suk-yeol bày tỏ ông cảm thấy phải có trách nhiệm cải thiện mối quan hệ song phương và hội nghị thượng đỉnh lần này cho thấy các mối quan hệ giữa hai bên đang tiến triển nhanh chóng.
Các nhà phân tích chính trị ngày 7/5 đánh giá động thái khôi phục “ngoại giao con thoi” cấp lãnh đạo giữa Hàn Quốc và Nhật Bản vào tuần này dự kiến sẽ tạo thêm động lực mới cho sự hợp tác mạnh mẽ giữa hai bên trong quá trình vượt qua những thách thức khó khăn, từ các mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng của Triều Tiên đến thái độ hung hăng của Trung Quốc.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã tới Seoul để đáp lại chuyến thăm Tokyo hồi tháng 3 của Tổng thống Yoon Suk-yeol, đánh dấu sự hồi sinh hoàn toàn của chính sách ngoại giao con thoi sau 12 năm gián đoạn, phần lớn do tâm lý thù hận mang tính lịch sử bắt nguồn từ chế độ thực dân của Nhật Bản trên Bán đảo Triều Tiên những năm 1910-1945.
Giới phân tích lưu ý sự tan băng giữa Seoul và Tokyo có thể sẽ hỗ trợ nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy hợp tác ba bên với các đồng minh châu Á để đối phó với những thách thức chung, song tình trạng thế giới bị chia cắt thành các khối địa-chính trị cạnh tranh với nhau có nguy cơ thu hẹp cơ hội hợp tác giữa các cường quốc trong các vấn đề liên quan đến Triều Tiên.
Việc nối lại hoạt động ngoại giao con thoi diễn ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh ba bên giữa Tổng thống Yoon Suk-yeol, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Kishida dự kiến sẽ được tổ chức bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở thành phố Hiroshima (Nhật Bản) vào cuối tháng này.
Hội nghị thượng đỉnh ba bên có thể sẽ là diễn đàn mà tại đó, các nhà lãnh đạo có thể nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác an ninh nhằm khắc chế các mối đe dọa từ Triều Tiên, cũng như những nỗ lực chung nhằm thúc đẩy sự ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Theo Vietnam+