Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể gây ra mối đe dọa khẩn cấp hơn cả biến đổi khí hậu. Đây là nhận định mới được nhà khoa học tiên phong nghiên cứu về AI, Geoffrey Hinton, đưa ra trong cuộc phỏng vấn với Reuters (Anh) ngày 5/5.
Ông Hinton được biết đến là một trong những "cha đẻ" của AI. Mới đây, ông tuyên bố rút khỏi Alphabet, công ty chủ quản của Google, sau 1 thập kỷ gắn bó.
Ông cho biết muốn được nói rõ ràng hơn về những nguy cơ từ công nghệ này mà không gây ảnh hưởng tới công ty cũ.
Công việc của ông Hinton được đánh giá là đóng vai trò quan trọng với sự phát triển của các hệ thống AI ngày nay.
Năm 1986, ông tham gia viết nghiên cứu "Huấn luyện bằng phương pháp điều chỉnh sai số lan tỏa ngược", một cột mốc quan trọng trong sự phát triển làm nền tảng cho công nghệ AI. Năm 2018, ông được trao giải thưởng Turing tôn vinh những đột phá nghiên cứu của ông.
Hiện nay, ông Hinton cũng nằm trong số ngày càng nhiều những người đi đầu trong lĩnh vực công nghệ công khai bày tỏ lo ngại về mối đe dọa từ AI nếu các loại máy móc được trang bị công nghệ thông minh hơn cả con người và kiểm soát Trái đất.
Ông nêu rõ mối đe dọa từ AI có thể còn khẩn cấp hơn cả biến đổi khí hậu. Theo ông, với biến đổi khí hậu, việc đưa ra những lời khuyên về những hành động cần làm dễ hơn nhưng với AI thì mọi thứ không rõ ràng như thế.
OpenAI, với sự hậu thuẫn từ Microsoft, đã khai mào cuộc đua trang bị AI khi công bố ứng dụng ChatGPT hồi tháng 11/2022.
Ứng dụng này nhanh chóng lập kỷ lục phát triển nhanh nhất lịch sử, đạt 100 triệu người dùng có hoạt động hằng tháng chỉ trong 2 tháng.
Tháng 4/2023, Giám đốc điều hành (CEO) Elon Musk của Twitter cùng với nhiều lãnh đạo các công ty công nghệ lớn khác như CEO Emad Mostaque của Stability AI, các nhà nghiên cứu của DeepMind thuộc Alphabet... đã cùng ký vào bức thư ngỏ kêu gọi tạm dừng 6 tháng việc phát triển những hệ thống khác mạnh hơn hệ thống GPT-4 của OpenAI.
Viện dẫn các nguy cơ tiềm tàng đối với xã hội và nhân loại, các chuyên gia và chủ doanh nghiệp cho rằng cần tạm ngừng phát triển AI tiên tiến cho đến khi các quy định về an toàn mới dành cho thiết kế AI được phát triển, thực thi và giám sát bởi các chuyên gia độc lập.
Thư cũng nêu chi tiết các nguy cơ tiềm tàng đối với xã hội và nền văn minh mà các hệ thống AI cạnh tranh với loài người có thể gây ra dưới dạng những gián đoạn kinh tế và chính trị.
Thư kêu gọi các nhà phát triển AI phối hợp với các nhà hoạch định chính sách để quản lý AI.
Về vấn đề này, ông Hilton đồng ý với những lo ngại về việc AI có thể gây mối đe dọa hiện hữu với loài người nhưng không nhất trí với lời kêu gọi tạm dừng nghiên cứu.
Ông cho rằng điều này hoàn toàn không thực tế, chính vì mối đe dọa từ AI rất gần nên thế giới phải tiếp tục nghiên cứu tích cực, dốc các nguồn lực để tìm ra những điều cần làm với công nghệ này.
Tại Liên minh châu Âu (EU), một ủy ban gồm các nghị sĩ châu Âu đã kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen chủ trì hội nghị thượng đỉnh toàn cầu bàn về hướng đi trong tương lai dành cho công nghệ này.
Tuần trước, ủy ban trên đã thống nhất một danh sách các đề xuất nhằm quản lý AI tạo sinh, qua đó buộc các công ty như OpenAI công bố các dữ liệu có bản quyền được sử dụng khi "huấn luyện" các mô hình này.
Trong khi đó, Tổng thống Biden đã gặp một số lãnh đạo công ty AI, trong đó có CEO của Alphabet Sundar Pichai và CEO Sam Altman của OpenAI, tại Nhà Trắng, hứa hẹn tiến trình thảo luận mang tính xây dựng về vấn đề minh bạch về các hệ thông AI.
Theo ông Hilton, các nhà lãnh đạo công nghệ có hiểu biết rõ nhất về công nghệ của họ và các chính trị gia cũng cần tham gia.
AI ảnh hưởng tất cả mọi người và do đó, mọi người đều phải dành sự quan tâm tới công nghệ này.
Theo TTXVN/Vietnam+