Ngày 14/2, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã điện đàm riêng với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba.
Trong các cuộc điện đàm, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc hoan nghênh các nỗ lực đối thoại ngoại giao nhằm giảm bớt căng thẳng, đồng thời nhấn mạnh không có giải pháp nào ngoài lộ trình ngoại giao có thể giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.
Người phát ngôn của Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric cho biết Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trong các cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga và Ngoại trưởng Ukraine về tình hình căng thẳng ngày càng leo thang. Ông Guterres tin tưởng và hy vọng rằng sẽ không có cuộc chiến nào nổ ra trong thời gian tới.
Cũng theo người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric, Liên Hợp Quốc chưa có kế hoạch sơ tán hay di chuyển khoảng 1.600 nhân viên, trong đó 220 người là nhân sự nước ngoài và khoảng 1.400 nhân viên người Ukraine ra khỏi quốc gia Đông Âu này.
Khi được báo giới hỏi liệu cuộc điện đàm của người đứng đầu Liên Hợp Quốc với ngoại trưởng hai nước Nga và Ukraine có phải là tín hiệu cho thấy Liên Hợp Quốc sẽ đóng vai trò trung gian hòa giải lớn hơn hay không, người phát ngôn Dujarric khẳng định ông Guterres luôn sẵn sàng đảm nhiệm vai trò trung gian hòa giải bởi đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc.
Liên quan đến chuyến thăm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới Ukraine, ngày 14/2, lãnh đạo hai nước đã có cuộc hội đàm tại thủ đô Kiev, thảo luận về các vấn đề song phương và tình hình căng thẳng tại biên giới giữa Ukraine với Nga.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau hội đàm với Thủ tướng Scholz, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảm ơn Thủ tướng Scholz vì đã ủng hộ chủ quyền của Ukraine. Ông cho biết giữa hai bên có cùng quan điểm về một giải pháp hòa bình trong cuộc khủng hoảng hiện tại. Theo Tổng thống Zelensky, đây là thời điểm không dễ dàng đối với Ukraine. Ông kêu gọi sự hỗ trợ toàn diện từ an ninh, kinh tế và năng lượng từ các nước đối tác.
Đề cập đến mong muốn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tổng thống Zelensky khẳng định mong muốn của Ukraine trở thành thành viên của liên minh quân sự này. Về phần mình, Thủ tướng Đức Scholz khẳng định thông điệp rất quan trọng mà ông muốn gửi tới Ukraine là Đức luôn ủng hộ Ukraine.
Ông cho biết trong những năm qua, không có quốc gia nào hỗ trợ tài chính cho Ukraine nhiều hơn Đức. Ông cam kết Kiev sẽ nhận được các khoản viện trợ và vay mới từ Berlin trong thời gian tới.
Trong một động thái liên quan, Ngoại trưởng Ý Luigi Di Maio cho biết nước này quan tâm đặc biệt tới các diễn biến tại biên giới giữa Ukraine và Nga, đồng thời khẳng định duy trì cam kết thúc đẩy giải pháp ngoại giao và bền vững trong khuôn khổ Thỏa thuận Minsk và Định dạng Normandy.
Phát biểu sau cuộc gặp với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Qatar, Mohammed bin Abdurrahman Al Thani, Ngoại trưởng Di Maio nêu rõ cùng sự phối hợp chặt chẽ với các đối tác và đồng minh Liên minh châu Âu, NATO, Tổ chức an ninh và hợp tác tại châu Âu (OSCE), Ý quyết tâm chuyển các thông điệp rõ ràng, chắc chắn, và thống nhất rằng không khuyến khích mọi hành động gây hấn hoặc leo thang liên quan đến khủng hoảng Ukraine.
Trong khi đó, trong cuộc điện đàm ngày 14/2, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhất trí vẫn còn một "cánh cửa ngoại giao quan trọng” cho cuộc khủng hoảng Ukraine, song cảnh báo tình hình vẫn còn mong manh.
Theo phóng viên TTXVN tại London, trong cuộc điện đàm kéo dài 40 phút, Thủ tướng Johnson và Tổng thống Biden đồng ý rằng vẫn có thể đạt được một thỏa thuận bất chấp những cảnh báo về hành động quân sự sắp tới của Nga mà Moscow luôn bác bỏ. Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết Thủ tướng Johnson và Tổng thống Biden đã trao đổi về các cuộc thảo luận gần đây của họ với các nhà lãnh đạo thế giới.
Hai nhà lãnh đạo cảnh báo nếu xảy ra xung đột quân sự ở Ukraine sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng kéo dài không chỉ đối với các bên liên quan mà còn gây thiệt hại sâu rộng cho cả thế giới.
Về phía Nga, khi được hỏi liệu có cơ hội đạt được thỏa thuận với phương Tây hay không, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho rằng "các khả năng còn lâu mới cạn kiệt”, đồng thời đề nghị “tiếp tục và tăng cường” các khả năng này. Giới phân tích cho rằng điều này cho thấy biện pháp ngoại giao là con đường giúp xoa dịu căng thẳng.
Tuy nhiên các nhà phân tích cũng cho rằng nếu không bên nào giải quyết vấn đề về khả năng Ukraine gia nhập NATO, thì bế tắc vẫn tồn tại.
Trong diễn biến khác, ngày 14/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo nước này sẽ đóng cửa Đại sứ quán ở Kiev trước nguy cơ xảy ra các hành động quân sự tại Ukraine. Trong một tuyên bố, ông Blinken cho biết Mỹ đang trong quá trình tạm thời chuyển các hoạt động của Đại sứ quán ở thủ đô Kiev đến thành phố Lviv, đồng thời nhấn mạnh rằng chính quyền của Tổng thống Joe Biden vẫn can dự với Ukraine và đang tiếp tục “các nỗ lực ngoại giao tích cực để làm dịu cuộc khủng hoảng".
Ngoại trưởng Mỹ khẳng định những biện pháp phòng ngừa thận trọng này không hề làm suy yếu sự ủng hộ hoặc cam kết của Mỹ đối với Ukraine, trong đó có cam kết đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine là không thay đổi.
Ông Blinken cho biết thêm Mỹ tiếp tục nỗ lực để đạt được một giải pháp ngoại giao, sau cuộc gọi của Tổng thống Joe Biden với Tổng thống Nga Vladimir Putin và cuộc thảo luận giữa ngoại trưởng hai nước. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh mong muốn nhân viên của Mỹ sẽ trở lại Đại sứ quán ngay khi có điều kiện, cũng như kêu gọi các công dân Mỹ ở Ukraine đăng ký với Bộ Ngoại giao để theo sát bất kỳ diễn biến mới nào về tình hình an ninh.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết khuôn viên Đại sứ quán Mỹ tại Kiev đang được lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine canh gác và Mỹ có ý định quay trở lại Đại sứ quán “ngay khi thấy an toàn".
H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)