Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 15/2 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 413.756.771 ca mắc COVID-19, trong đó 5.843.766 ca tử vong. Số ca hồi phục là 335.505.389 ca, trong khi vẫn còn 72.407.616 ca đang phải điều trị.
Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 1.431.725 ca mắc COVID-19 và 7.235 ca tử vong. Nga tiếp tục là nước có số ca mắc mới cao nhất thế giới với 180.456 ca. Tiếp đến là Đức (127.449 ca), Nhật Bản (80.234 ca), Thổ Nhĩ Kỳ (76.632 ca), Mỹ (60.513 ca).
Nga cũng là nước có số ca tử vong do COVID-19 nhiều nhất trong 24 giờ qua với 683 ca, tiếp đó là Mỹ (662 ca), Brazil (464 ca), Pháp (385 ca), Ấn Độ (345 ca).
Tại Algeria, giới chức nước này cho biết quốc gia Bắc Phi đã vượt qua đỉnh dịch trong làn sóng bùng phát lần thứ tư. Bộ trưởng Y tế Abderrahmane Benbouzid khẳng định các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này đã đạt đỉnh vào ngày 25/1 vừa qua với 2.521 ca nhiễm mới, cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở quốc gia Bắc Phi này vào cuối tháng 2/2020 đến nay.
Theo Bộ trưởng Benbouzid, làn sóng dịch hiện nay tại Algeria chủ yếu do biến thể Omicron gây ra, tuy nhiên tất cả các trường hợp nặng cần chăm sóc đặc biệt cũng như các trường hợp tử vong chủ yếu do biến thể Delta.
Hiện số ca mắc mới hàng ngày đang giảm mạnh, xuống hơn 400 ca ghi nhận ngày 14/2. Tính đến chiều 14/2, Algeria ghi nhận tổng cộng 262.165 ca mắc COVID-19, trong đó 6.744 ca tử vong.
Kuwait nới lỏng hạn chế liên quan đến COVID-19, theo đó cho phép tổ chức các sự kiện đông người như mít tinh, hội nghị, hội thảo, đám cưới, hòa nhạc kể từ ngày 20/2 tới, kể cả trong nhà hay ngoài trời.
Tuy nhiên, các sự kiện trên vẫn phải tuân thủ các quy định về y tế, những người chưa tiêm phòng phải có xét nghiệm PCR âm tính khi đến trung tâm thương mại hay tham gia các sự kiện đông người trong nhà như hòa nhạc, rạp chiếu phim, trừ những người dưới 16 tuổi.
Liên quan đến hạn chế đi lại, chính phủ Kuwait cũng bãi bỏ yêu cầu phải có xét nghiệm PCR trước và sau khi đặt chân xuống sân bay đối với những công dân nước này đã tiêm đủ liều cơ bản, đồng thời bỏ quy định cách ly tại nhà sau khi nhập cảnh.
Tuy nhiên, những người chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều cơ bản chỉ được giảm một phần quy định, tùy trường hợp. Dự kiến, kể từ ngày 13/3 tới, các cơ quan của chính phủ Kuwait sẽ nối lại hoạt động đầy đủ.
Tại Canada, tỉnh đông dân nhất nước này Ontario cũng đã quyết định dỡ bỏ hệ thống hộ chiếu vắc xin kể từ ngày 1/3, đồng thời đẩy nhanh giai đoạn hai của tiến trình mở cửa trở lại nền kinh tế. Mặc dù vậy, các tổ chức, doanh nghiệp có thể lựa chọn tiếp tục yêu cầu hứng nhận về việc tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19. Về yêu cầu đeo khẩu trang sẽ vẫn được chính quyền Ontario áp dụng vào thời điểm này. Tất cả các hạn chế về sức chứa trong các nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim và phòng tập thể dục sẽ được dỡ bỏ kể từ ngày 17/2.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 14/2, Thủ hiến tỉnh Ontario Doug Ford nhấn mạnh: "Giống như tất cả các bạn, tôi đã chờ tin này rất lâu nhưng xin đừng bao giờ nghi ngờ rằng những bước chúng ta cùng nhau thực hiện, dù khó khăn như thế nào, là hoàn toàn cần thiết và đã cứu sống hàng chục nghìn người". Ông Ford cho biết với số ca mắc COVID-19 phải nhập viện điều trị tiếp tục có xu hướng giảm, tỉnh Ontario sẽ không cần yêu cầu ba mũi vắc xin trong bất kỳ loại hình hộ chiếu nào.
Theo Giám đốc Y tế của Ontario, tiến sĩ Kieran Moore, hộ chiếu tiêm chủng - lần đầu tiên được triển khai ở tỉnh Ontario vào tháng 9/2021 - đã hoàn thành sứ mệnh của nó. Ontario đã đạt được mức độ bảo vệ mà tỉnh này này cần để loại bỏ các hạn chế liên quan đến y tế công cộng.
Đồng thời, bắt đầu từ 17/2, giới hạn tụ tập xã hội sẽ tăng lên 50 người ở không gian trong nhà và 100 người ngoài trời. Các sự kiện công cộng được tổ chức sẽ được giới hạn ở 50 người trong nhà và không giới hạn ở ngoài trời. Trong khi đó, sức chứa tại các đấu trường thể thao, địa điểm hòa nhạc và nhà hát sẽ được giới hạn ở mức 50%.
Thủ hiến Ford khẳng định quyết định nới lỏng hơn nữa các biện pháp y tế công cộng không phải do áp lực từ các cuộc phong tỏa đã xảy ra ở thành phố Windsor hoặc những người biểu tình ở thủ đô Ottawa trong nhiều tuần qua.
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, các ca nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 tại Campuchia đã tăng gấp 4 lần trong tuần qua, gây sức ép nặng nề đối với công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Bộ Y tế Campuchia thông báo trong ngày 14/2, nước này ghi nhận các trường hợp nhiễm Omicron đã tăng gấp 5 lần lên 512 trường hợp so với số ca nhiễm 100 ca hồi tuần trước. Các chuyên gia y tế Campuchia lo ngại tình trạng số ca nhiễm biến thể Omicron tiếp tục tăng do người dân không thực hiện nghiêm các biện pháp y tế sẽ gây ảnh hưởng đến toàn bộ kế hoạch phục hồi.
Ngày 14/2, người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Hok Kim Cheng cho biết cơ quan chức năng đang theo dõi sát sao sự gia tăng các ca nhiễm biến thể Omicron. Theo ông Hok Kim Cheng, tác động của biến thể Omicron không giống như biến thể Delta và Alpha. Sức khỏe của bệnh nhân nhiễm Omicron bị ảnh hưởng nhẹ hơn nhưng với điều kiện bệnh nhân đã được tiêm phòng đầy đủ mũi cơ bản hoặc thậm chí đã được tiêm nhắc lại.
Số ca nhiễm biến thể Omicron đang tăng mạnh và ảnh hưởng đến kết quả phòng chống dịch bệnh, tác động lớn tới những thành quả mà chính phủ đã đạt được trong công tác phòng dịch để tạo điều kiện phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội.
Trong khi đó, chính quyền TP Phnom Penh đã tính đến phương án ngừng tạm thời hoạt động trong một số ngành, cơ sở kinh doanh có nguy cơ lây nhiễm cao. Theo ông Keut Chhe, Phó Thống đốc Phnom Penh, chính quyền thủ đô đang xem xét đóng cửa các dịch vụ giải trí để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát vì Phnom Penh là địa phương có số ca nhiễm biến thể Omicron cao nhất.
Cũng trong ngày 14/2, trên Facebook cá nhân, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen thông báo hoãn cuộc gặp chúc mừng các em học sinh tốt nghiệp loại A kỳ thi quốc gia. Bài đăng của Thủ tướng Hun Sen có đoạn nêu rõ vì sự an toàn của học sinh và những người tham dự cuộc gặp, ông quyết định hoãn cuộc gặp mặt dự kiến vào ngày 28/2.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)