Thứ Ba, 19/11/2024 20:31 CH
Lượng vitamin D trong cơ thể liên quan đến tình trạng bệnh COVID-19
Thứ Hai, 14/02/2022 18:09 CH

Ảnh minh họa. Nguồn: Influenza

* Nga phát triển công nghệ phát hiện virus SARS-CoV-2 ở giai đoạn sớm

 

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Israel đã phát hiện "khác biệt rõ rệt" về nguy cơ mắc COVID-19 thể nặng giữa những người có đủ lượng vitamin D trong cơ thể trước khi nhiễm virus và những người không có đủ loại vitamin này.

 

Cụ thể, một nửa số người thiếu loại vitamin này đã mắc bệnh nặng, đe dọa đến tính mạng, trong khi tỷ lệ này ở những người có lượng vitamin D bình thường chưa đến 10%.

 

Đây là nghiên cứu đầu tiên về lượng vitamin trong cơ thể người trước khi mắc COVID-19.

 

Tác giả hàng đầu của nghiên cứu cho biết: "Chúng tôi thấy rất rõ sự khác biệt về nguy cơ bệnh trở nặng ở những người thiếu vitamin D với những người có đủ vitamin này".

 

Nghiên cứu trên được tiến hành đối với 253 người phải nhập viện trong thời gian từ ngày 7/4/2020 đến ngày 4//2021 - giai đoạn trước khi biến thể Omicron xuất hiện.

 

Tuy nhiên, các tác giả nghiên cứu cho biết kết quả "khá tương đồng" giữa các biến thể trước với Omicron. Vitamin D chủ yếu được tổng hợp tự nhiên qua da người và cần được tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng Mặt Trời. Ánh sáng nhân tạo dù sáng đến mấy cũng không giúp tổng hợp vitamin D.

 

Đáng nói là đại dịch COVID-19 khiến nhiều người chủ yếu ở trong nhà trong 2 năm qua và có thể không tổng hợp đủ lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể - tức là ít nhất 20 nanograms trong 1ml máu.

 

Chế độ ăn đóng vai trò ít hơn nhiều trong việc tổng hợp và duy trì lượng vitamin D cho cơ thể. Vitamin D có thể hòa tan trong chất béo hơn là trong nước và được tìm thấy ở các thực phẩm như cá béo tươi, nấm, lòng đỏ trứng gà, sữa chua nguyên kem, gan bò và thịt vịt.

 

Nghiên cứu trên đã được đăng tải trên tạp chí The Lancet. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Israel thận trọng lưu ý rằng vitamin D "chỉ là một phần" trong những nhân tố liên quan các ca COVID-19 trở nặng.

 

* Theo hãng tin Sputniknews, Cục Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe con người Liên bang Nga (Rospotrebnadzor) cho biết các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu dịch tễ trung ương trực thuộc đã phát triển công nghệ cho phép phát hiện virus SARS-CoV-2 ở giai đoạn sớm nhất khi nồng độ virus ở mức tối thiểu.

 

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, độ nhạy của thiết bị xét nghiệm và việc nhanh chóng thu được kết quả là những yếu tố quan trọng nhất của hệ thống chẩn đoán.

 

Công nghệ trên do Viện Nghiên cứu dịch tễ trung ương thuộc Rospotrebnadzor phát triển đáp ứng tất cả những yêu cầu này.

 

Phát hiện liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học dựa trên việc sử dụng các công cụ mới là các phân tử RNA dẫn đường, có thể được sử dụng trong hệ thống CRISPR-Cas14 để phát hiện RNA của virus SARS-CoV-2 một cách siêu nhạy.

 

Theo một trong những nhà nghiên cứu tham gia phát triển công nghệ trên, phát minh này có thể trở thành cơ sở cho hệ thống giúp chẩn đoán nhanh ngay tại giường bệnh. Một hệ thống áp dụng công nghệ này sẽ không cần đến thiết bị công nghệ cao.

 

Do đó, chi phí sản xuất thiết bị xét nghiệm sẽ thấp mà lại cho kết quả ở giai đoạn sớm giúp điều trị kịp thời. Hiện công nghệ này đã được đăng ký tại Cơ quan Sở hữu trí tuệ Liên bang Nga (Rospatent).

 

Dự kiến, trong tương lai, công nghệ mới dựa trên hệ thống CRISPR nói trên có thể được sử dụng để phát triển các hệ thống chẩn đoán công nghệ cao và có độ nhạy cao, trong đó có việc phát triển các phương pháp chẩn đoán những bệnh nhiễm trùng khác có thể nảy sinh sau này.

 

Liên quan đến tình hình dịch bệnh tại Liên bang Nga, người sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Trung tâm Khoa học về nghiên cứu phân tử và di truyền DNKOM, ông Andrey Isaev, nhận định biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 sẽ thay thế biến thể Delta hoặc sự lây lan của biến thể Delta sẽ giới hạn ở một số vùng xa xôi của Nga. Chuyên gia này cho rằng biến thể Delta có thể sẽ không lây lan trong cộng đồng nữa.

 

Theo số liệu từ các văn phòng của DNKOM tại 20 khu vực của Nga, từ ngày 28/1 đến ngày 1/2 vừa qua, số ca nhiễm biến thể Delta chỉ chiếm khoảng 2% số ca mắc mới COVID-19, số còn lại là nhiễm Omicron.

 

Từ ngày 1-6/2, chỉ một số trường hợp nhiễm biến thể Delta được ghi nhận, theo đó Omicron đã trở thành biến thể "thống trị'' ở Nga. Ông Isaev cũng cho rằng biến thể Delta sẽ chỉ còn tồn tại ở một số vùng xa xôi của Nga.

 

Giới chức Nga cho biết hiện biến thể Omicron đã lây lan ở 84/85 khu vực tại Nga và tính đến ngày 9/2, số ca nhiễm biến thể này chiếm đến 70% số ca mắc COVID-19 ở Nga.

 

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek