* Đại học Tokyo: Biến thể Mu có khả năng kháng kháng thể từ vắc xin cao hơn SARS-CoV-2
Bộ Y tế, lao động và phúc lợi Nhật Bản (MHLW) đã phê duyệt sử dụng liệu pháp hỗn hợp kháng thể cho đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh hoặc chưa tiêm vắc xin như một biện pháp ngăn ngừa mắc COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, trên cơ sở ý kiến thống nhất của các chuyên gia tại cuộc họp diễn ra ngày 4/11, bộ trên đã phê duyệt sử dụng liệu pháp “hỗn hợp kháng thể” gồm hai loại kháng thể trung hòa là “casilibimab” và “imdevimab” vào mục đích ngăn ngừa lây nhiễm virus SARS-CoV-2.
Đối tượng được chỉ định sử dụng liệu pháp này sẽ được mở rộng thêm gồm bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng, những người tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc COVID-19 hoặc người chưa tiêm vắc xin.
Bên cạnh đó, phương pháp thực hiện cũng được bổ sung là tiêm dưới da, thay vì truyền tĩnh mạch như hiện nay vốn mất nhiều thời gian hơn.
Đại diện hãng dược phẩm Chugai, đơn vị được cấp phép phân phối tại Nhật Bản, cho biết kết quả thử nghiệm được thực hiện ở nước ngoài đã cho thấy liệu pháp “hỗn hợp kháng thể” đã giảm tới 81% nguy cơ nhiễm bệnh hoặc bệnh chuyển biến nặng.
Trước đó, liệu pháp “hỗn hợp kháng thể” đã được MHLW phê duyệt điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 thể nhẹ tại các bệnh viện hoặc cơ sở y tế từ cuối tháng 7, sau đó mở rộng thêm đối tượng điều trị tại nhà từ giữa tháng 9.
Hai loại kháng thể này được đưa vào cơ thể người bệnh thông qua truyền tĩnh mạch nên đòi hỏi phải có các nhân viên y tế và phải có hệ thống giám sát tình trạng của bệnh nhân trong vòng 24 giờ nếu điều trị tại nhà. Như vậy, đây là liệu pháp hỗn hợp kháng thể phòng ngừa COVID-19 đầu tiên được phê duyệt sử dụng tại Nhật Bản.
Tuy nhiên, MHLW cho biết phương pháp này chỉ mang tính bổ sung, tiêm chủng vắc xin vẫn là giải pháp phòng dịch cơ bản nhất hiện nay để ngăn ngừa sự lây nhiễm của dịch COVID-19.
* Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, kết quả nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Nhật Bản cho thấy biến thể Mu của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có khả năng kháng kháng thể do vắc xin tạo ra cao hơn nhiều so với virus gốc.
Trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu, do Phó Giáo sư Kei Sato của Viện Y khoa thuộc Đại học Tokyo làm trưởng nhóm, đã tạo ra virus SARS-CoV-2 nhân tạo có các đặc điểm tiêu biểu của biến thể Mu và đánh giá mức độ nhạy cảm của biến thể này đối với các kháng thể trong các mẫu máu lấy từ những người đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech.
Nhóm nghiên cứu đã phát hiện biến thể Mu có khả năng kháng kháng thể do vắc xin tạo ra cao hơn 9,1 lần so với virus gốc.
Điều này cũng đồng nghĩa các kháng thể do vắc xin tạo ra có hiệu quả bảo vệ thấp hơn với biến thể Mu. Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu, các vắc xin mang lại nhiều hiệu quả khác nhau chứ không chỉ có việc sản sinh ra các kháng thể. Vì vậy, cần phải nghiên cứu sâu hơn để đánh giá việc tiêm vắc xin sẽ có tác động như thế nào.
Đài truyền hình NHK dẫn lời Phó Giáo sư Sato cho biết virus SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục biến đổi. Điều quan trọng là thiết lập cơ chế để nhận biết các đặc điểm của virus này và chia sẻ thông tin đó với cộng đồng quốc tế.
Trong một diễn biến liên quan khác, Nhật Bản vẫn tiếp tục kiểm soát tốt dịch COVID-19.
Theo hãng tin Jiji Press, ngày 4/11, nước này chỉ ghi nhận tổng cộng 158 ca mắc mới và 6 ca tử vong. Đây là ngày thứ 8 liên tiếp, số ca mắc mới ở nước này ở dưới ngưỡng 300 ca/ngày.
Đáng chú ý, thủ đô Tokyo, nơi có số ca mắc COVID-19 cao nhất cả nước, chỉ phát hiện thêm 14 ca, giảm 7 ca so với một tuần trước đó. Đây cũng là ngày thứ 9 liên tiếp, số ca mắc mới ở thành phố này ở dưới ngưỡng 30 ca/ngày.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)