* WHO: Châu Âu lại trở thành tâm dịch COVID-19 của thế giới
Số liệu thu thập từ các cơ quan y tế Đức tối 4/11 cho biết, chỉ trong một ngày qua, nước này đã ghi nhận có trên 35.000 ca mắc COVID-19 mới và là ngày có số ca mắc cao nhất kể từ đầu dịch.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trong 24 giờ qua, nước Đức đã ghi nhận có 35.145 ca nhiễm mới. Đây là ngày có số ca nhiễm mới cao nhất kể từ khi dịch SARS-CoV-2 bùng phát hồi đầu năm ngoái.
Con số mắc COVID-19 kỷ lục từng ghi nhận trong ngày cho tới nay là 31.051 ca hôm 17/12/2020. Nếu so sánh cùng thời gian tuần trước, số ca mắc mới đã tăng gần 33%.
Như vậy, cho tới nay, nước Đức đã ghi nhận tổng cộng 4,685 triệu ca mắc và 96.218 ca tử vong, trong đó riêng trong 24 giờ qua ghi nhận có thêm 140 ca không qua khỏi.
Trừ con số đã khỏi bệnh và tử vong, số ca còn đang mắc COVID-19 ở nước Đức hiện vào khoảng 264.600 người. Hiện có trên 2.300 ca đang được điều trị tích cực (tăng trên 100 ca so với một ngày trước), trong đó có trên 1.200 ca thở máy xâm lấn.
Chỉ số lây nhiễm đặc biệt tăng mạnh ở nhóm tuổi từ 10 - 14, khi tăng từ 240 lên trên 350 ca/100.000 dân/7 ngày. Chỉ số lây nhiễm tiếp tục tăng cao hơn tại 15/16 bang ở Đức, trong đó bang có chỉ số tăng cao nhất là Thüringen với trên 357, trong khi chỉ số của bang Bremen lại giảm xuống 83,1.
Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) đánh giá nguy cơ rất cao về sức khỏe đối với những người chưa tiêm đủ hoặc chưa tiêm bất kỳ mũi vắc xin nào trong đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, nguy cơ đối với những người đã tiêm đủ cũng có dấu hiệu gia tăng khi số ca nhiễm mới ghi nhận ở nhóm đối tượng này tăng lên trong vài tuần qua.
Mức đánh giá này đã được nâng cấp so với hồi tuần trước và xu hướng phát triển hiện nay là "rất đáng lo ngại".
Theo kết quả một cuộc khảo sát dư luận do kênh ARD tiến hành, đa số dân chúng Đức ủng hộ việc tiêm chủng bắt buộc. Kết quả khảo sát cho thấy có tới 57% ủng hộ việc coi tiêm chủng là bắt buộc, tăng so với mức 46% ghi nhận hồi tháng 8/2021, trong khi đó vẫn có 39% phản đối tiêm chủng bắt buộc, giảm từ mức 50% ba tháng trước.
Tính đến ngày 4/11, nước Đức đã có 69,6% dân số được tiêm ít nhất một mũi (tương đương 57,83 triệu người), trong đó có 66,9% (khoảng 55,64 triệu người) được tiêm đầy đủ. Số người được tiêm mũi tăng cường là 2,84%, đạt khoảng 2,36 triệu người.
Trong khi đó, phát biểu bên lề Hội nghị giữa Bộ trưởng Y tế liên bang với các bang ngày 4/11, Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn cho biết đại diện các hiệp hội bác sĩ và các bộ trưởng y tế đã nhất trí về chủ trương tiêm mũi tăng cường cho các đối tượng đã tiêm mũi thứ hai được 6 tháng, bên cạnh nhóm ưu tiên là người cao tuổi, người có bệnh nền và nhân viên y tế.
* Theo cảnh báo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về tình hình dịch bệnh tại châu Âu, số ca mắc mới COVID-19 đang tăng theo chiều hướng "đặc biệt lo ngại" và khu vực này đang trở lại là tâm dịch của thế giới.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 4/11, Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Âu Hans Kluge bày tỏ đặc biệt lo ngại về mức độ lây truyền dịch bệnh ở 53 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Âu.
Các ca mắc mới đang tiệm cận những mức kỷ lục từng ghi nhận trước đây, tăng đặc biệt nhanh với sự xuất hiện của biến thể Delta của virus SARS-CoV-2.
Tình trạng gia tăng số ca mắc mới COVID-19 được ghi nhận ở tất cả các lứa tuổi. Quan chức này cho biết thêm một mô hình dự báo đáng tin cậy chỉ ra rằng đến tháng 2/2022, châu Âu có thể ghi nhận thêm khoảng 500.000 ca tử vong vì COVID-19 nếu tình hình hiện nay tiếp diễn.
Theo cách phân chia của WHO, khu vực châu Âu gồm 53 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có một số quốc gia Trung Á.
Thống kê của WHO chỉ ra tổng số ca mắc COVID-19 của châu Âu (khoảng 78 triệu ca) đang vượt tổng số ca ở các khu vực khác gồm Đông và Nam Á, Trung Đông, Tây Thái Bình Dương và châu Phi cộng lại. Ông Kluge cho rằng châu Âu lại một lần nữa trở thành tâm dịch của thế giới.
Theo quan chức WHO, những yếu tố như tỉ lệ bao phủ tiêm chủng chưa cao và việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội và các quy định phòng dịch đã đẩy châu Âu vào tình cảnh hiện nay.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)