Nhiều người thường do dự về việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 vì lo ngại những biến chứng sức khỏe lâu dài có thể xảy ra từ việc tiêm chủng. Vậy có thể có những biến chứng như vậy xảy ra không?
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trong một cuộc phỏng vấn gần đây với đài truyền hình Sky Sport, ngôi sao bóng đá của Đức và tiền vệ của FC Bayern, Joshua Kimmich cho biết anh vẫn còn e ngại về việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 do hiện vẫn thiếu các nghiên cứu dài hạn về tác dụng của chúng.
Đó là một lập luận thường được nghe từ rất nhiều người chưa dám đăng ký tiêm chủng, mà hiện ước tính cứ 4 người ở Đức thì có 1 người không tiêm.
Một số người biện minh cho sự do dự của mình bằng cách nói rằng họ sợ những tác động lâu dài có thể xảy ra của vắc xin. Một số người hoài nghi lại chỉ ra các trường hợp điển hình về vắc xin khác, chẳng hạn như vắc xin phòng cúm H1N1 mới (hay còn gọi là bệnh cúm lợn), được cho là đã có những biến chứng lâu dài.
Phản ứng với vắc xin thường chỉ xảy ra ngay sau khi tiêm chủng và có thể kéo dài trong vài ngày. Đối với vắc xin ngừa COVID-19, chúng có thể gây đau hoặc sưng tấy tại chỗ tiêm (cánh tay) hoặc đau đầu. Những triệu chứng này cho thấy hệ thống miễn dịch của cơ thể đang đáp ứng với vắc xin.
Tác dụng phụ là những phản ứng mạnh hơn với vắc xin. Trong cuộc trả lời phỏng vấn tổ hợp truyền thông DW của Đức, bà Christine Falk, Chủ tịch Hiệp hội miễn dịch học Đức, đồng thời là Giáo sư tại Viện Miễn dịch cấy ghép ở Hannover, cho biết tác dụng phụ thực chất là “một phản ứng không mong muốn của cơ thể đối với vắc xin, xảy ra đồng thời với những phản ứng tiêm chủng hoàn toàn bình thường khác”.
Tuy nhiên, chúng nghiêm trọng hơn các phản ứng thông thường và trong một số trường hợp nặng, có thể dẫn đến tổn thương ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.
Các tác dụng phụ “rất hiếm gặp” như huyết khối xoang tĩnh mạch não hoặc viêm cơ tim đều đã được báo cáo xảy ra đối với vắc xin ngừa COVID-19.
Thuật ngữ chúng ta thường nói là “tác dụng lâu dài”cũng chỉ là một phần của tác dụng phụ liên quan đến vắc xin. Bởi hiện tượng này trên thực tế vẫn chỉ là những tác dụng phụ, nhưng biểu hiện rõ ràng hơn sau một thời gian tiêm vắc xin.
Ví dụ, nếu một tác dụng phụ chỉ xảy ra ở 1/1.000.000 người, thì cái gọi là “tác dụng lâu dài” sẽ chỉ trở nên rõ ràng khi vài triệu người đã được tiêm.
Với vắc xin ngừa COVID-19, một yếu tố giúp tạo lòng tin là thế giới đến nay đã sử dụng tới 6,8 tỉ liều vắc xin, và các tác dụng phụ hiếm gặp đều được phát hiện một cách nhanh chóng.
Nhà miễn dịch học Reinhold Förster giải thích: “Sau khi rất nhiều người đã được tiêm chủng và nhiều tháng đã trôi qua, hiện chúng tôi có thể rất chắc chắn về các tác dụng phụ có thể xảy ra”.
Vậy sẽ mất bao lâu để vắc xin bị đào thải khỏi cơ thể? Có hai dòng vắc xin được cấp phép sử dụng tại Liên minh châu Âu (EU) - gồm vắc xin mRNA của BioNTech/Pfizer hoặc Moderna và vắc xin sản xuất bằng công nghệ vector như của AstraZeneca hoặc Johnson & Johnson.
Nói về vấn đề thời gian, vài ngày hay vài tuần trước khi các loại vắc xin này bị đào thải hoàn toàn và không còn tồn tại trong cơ thể nữa, nhà miễn dịch học Christine Falk cho biết đối với vắc xin sử dụng mRNA, vật chất di truyền giúp cơ thể tạo ra protein, kích hoạt phản ứng miễn dịch bên trong cơ thể con người.
Phản ứng miễn dịch đó sẽ tạo ra các kháng nguyên để bảo vệ chúng ta không nhiễm bệnh nếu có virus thực sự xâm nhập cơ thể. Tế bào của chúng ta sẽ phá vỡ và loại bỏ mRNA trong vòng vài ngày sau khi tiêm chủng, do đó không thể gây ra bất kỳ hiệu ứng lâu dài nào khởi phát muộn.
Ngoài ra, mRNA cũng không ảnh hưởng hoặc tương tác với ADN của con người theo bất kỳ cách nào, không bao giờ xâm nhập nhân tế bào, nơi chứa DNA, vì vậy không thể thay đổi hoặc ảnh hưởng đến gene của con người.
Nhà miễn dịch học Reinhold Förster nói: “Cho đến nay, không có bằng chứng nào cho thấy phản ứng có thể xảy ra ở giai đoạn sau”.
Vắc xin vector virus sử dụng phiên bản đã sửa đổi của virus (gọi là virus vector) để chuyển giao hướng dẫn quan trọng cho tế bào của con người, kích thích hệ miễn dịch tạo ra kháng thể.
Giống như tất cả các loại vắc xin, vắc xin vector virus mang lại lợi ích cho người tiêm chủng bằng cách cung cấp khả năng bảo vệ chống lại các loại bệnh như COVID-19 mà không gây nguy cơ gặp biến chứng nghiêm trọng khi mắc bệnh.
Theo Trung tâm Giáo dục Sức khỏe Liên bang Đức, các vector vắc xin cũng bị phá vỡ sau một thời gian ngắn - và do đó không thể gây ra phản ứng cho cơ thể sau một thời gian dài.
Dù vắc xin ngừa COVID-19 được phát triển nhanh chóng, nhưng tất cả các bước đều được thực hiện đủ nhằm đảm bảo tính hiệu quả và độ an toàn của vắc xin.
Về những tác dụng phụ đã được báo cáo sau khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19, trong báo cáo về mức độ an toàn, Viện Paul Ehrlich, một cơ quan y tế liên bang của Đức chuyên quản lý, nghiên cứu vắc xin và sinh phẩm y tế đã liệt kê các tác dụng phụ từng xảy ra, nhưng rất hiếm, của vắc xin ngừa COVID-19, như viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim, nhưng mối quan hệ với vắc xin vẫn chưa được làm rõ trong các trường hợp được báo cáo cho đến nay.
Còn lại, những phản ứng phản vệ, huyết khối xoang tĩnh mạch não, hội chứng Guillain-Barré (một rối loạn hiếm gặp, trong đó hệ miễn dịch tự tấn công vào các dây thần kinh của cơ thể) và giảm tiểu cầu hoặc giảm tiểu cầu miễn dịch đều đã được báo cáo.
Các chuyên gia hàng đầu về miễn dịch học ở Đức nhìn chung đều loại trừ khả năng con người có thể gặp tác dụng phụ nhiều năm sau do tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19. Bởi cơ thể con người thông thường phản ứng với vắc xin ngay sau khi tiêm hoặc chỉ trong vòng một vài tuần sau, một số rất ít trường hợp có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn.
Những nghiên cứu khoa học về tác dụng lâu dài có thể xảy ra vẫn chưa có số liệu nào.
Theo các nhà miễn dịch học, việc vắc xin sau nhiều năm vẫn có tác dụng muộn hoặc lâu dài, như một số người lo ngại, là không thể xảy ra, do vắc xin bị phân hủy nhanh chóng trong cơ thể và do đó không thể gây ra bất kỳ phản ứng lâu dài nào.
Theo TTXVN/Vietnam+