Đại sứ Mỹ tại Indonesia Sung Kim ngày 29/9 khẳng định thỏa thuận an ninh 3 bên Mỹ-Anh-Úc (AUKUS) không nhằm vào một quốc gia cụ thể nào và không đặt các nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương "vào tình thế khó xử".
Phát biểu tại một diễn đàn trực tuyến về quan hệ Mỹ - Indonesia, ông Sung Kim cho biết các nước không nên lo ngại rằng thỏa thuận trên đặt ra vấn đề về phổ biến vũ khí. Ông cũng nhấn mạnh ba bên tham gia thỏa thuận đều tôn trọng vai trò trung tâm của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Trong một diễn biến khác, cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết Moskva đã đề nghị Washington cung cấp thông tin trực tiếp về thỏa thuận AUKUS, đồng thời sẽ gửi đề nghị tương tự tới Canberra và London.
Trước đó, ngày 16/9, Mỹ, Anh và Úc đã công bố thiết lập mối quan hệ đối tác an ninh AUKUS ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, theo đó Washington và London sẽ cung cấp cho Canberra công nghệ và năng lực triển khai các tàu ngầm hạt nhân.
Như vậy, Úc sẽ là nước thứ hai được tiếp cận công nghệ của Mỹ để đóng tàu ngầm hạt nhân, sau khi Anh được tiếp cận công nghệ này năm 1958. Thỏa thuận này cũng đánh dấu lần đầu tiên một thành viên của Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT) sở hữu tàu ngầm hạt nhân, ngoại trừ 5 quốc gia được phép sở hữu vũ khí hạt nhân gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh.
Liên quan đến việc này, ngày 28/9, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cho rằng thỏa thuận AUKUS là một vấn đề “rất phức tạp” về mặt thanh tra. Đây là lần đầu tiên một quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân có tàu ngầm hạt nhân.
Ông xác nhận một nước ký kết NPT có thể loại bỏ các nguyên liệu hạt nhân ra khỏi sự giám sát của IAEA, trong khi nguyên liệu này có thể sử dụng cho tàu ngầm. Rất hiếm có ngoại lệ IAEA giám sát liên tục tất cả các vật liệu hạt nhân nhằm đảm bảo hạt nhân không được sử dụng để chế tạo bom nguyên tử.
Theo TTXVN/Vietnam+