Thứ Bảy, 16/11/2024 11:34 SA
Nghiên cứu: 1/3 bệnh nhân có ít nhất một triệu chứng 'COVID kéo dài'
Thứ Tư, 29/09/2021 18:40 CH

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Magdeburg, miền đông nước Đức, ngày 28/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

* Phát hiện mới về lượng kháng thể giảm sau một thời gian tiêm vắc xin

 

Hơn 1/3 bệnh nhân COVID-19 đã có ít nhất 1 triệu chứng kéo dài trong 6 tháng sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2.

 

Đây là kết quả một nghiên cứu công bố ngày 29/9 của Đại học Oxford và Viện Nghiên cứu sức khỏe quốc gia Anh. Trong nghiên cứu được thực hiện với hơn 270.000 người đã bình phục sau khi mắc COVID-19, Đại học Oxford cho biết các triệu chứng phổ biến nhất gồm các vấn đề về hô hấp, mệt mỏi, đau cơ và lo lắng.

 

Tuy nhiên, nghiên cứu không nêu rõ các nguyên nhân cụ thể dẫn tới những triệu chứng này, mức độ nghiêm trọng cũng như thời gian kéo dài của từng triệu chứng.

 

Hội chứng "COVID kéo dài" (long COVID) đang là vấn đề khiến giới chức y tế các nước đau đầu khi hàng triệu bệnh nhân mắc COVID-19 vẫn không thể thoát khỏi các triệu chứng suy nhược nhiều tháng sau khi nhiễm bệnh.

 

"COVID kéo dài", còn được gọi là hội chứng sau mắc COVID-19 hoặc di chứng sau giai đoạn mắc COVID-19 cấp tính, chỉ các triệu chứng của bệnh tồn tại hơn 4 tuần kể từ khi phát hiện mắc bệnh.

 

Báo cáo chuyên đề về "COVID kéo dài" được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố trong năm nay cho thấy COVID-19 có thể khiến sức khỏe con người bị suy giảm kéo dài.

 

Khoảng 20% số người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 tiếp tục có các triệu chứng kéo dài trong ít nhất 1 tháng, 10% trong số này vẫn không thấy khỏe lại sau 12 tuần, một số bệnh nhân rơi vào tình trạng cơ thể rất suy nhược. "COVID kéo dài" có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội của người bị mắc COVID-19, họ bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và có thể gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội.

 

* Đài truyền hình Thụy Điển ngày 28/9 đưa tin nghiên cứu mới tại một bệnh viện ở thủ đô Stockholm cho thấy lượng kháng thể sau khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 giảm nhanh hơn so với các kết quả phân tích trước đây.

 

Nghiên cứu được thực hiện đối với 2.000 nhân viên bệnh viện và phát hiện nói trên dựa trên kết quả ở hơn 460 người trong số này. Bảy tháng sau khi tiêm mũi vắc xin thứ hai, lượng kháng thể ở những người tiêm vắc xin của hãng Pfizer giảm 85%. Những người này chưa từng mắc COVID-19 trước khi tiêm vắc xin.

 

Đối với những người tiêm vắc xin của hãng AstraZeneca, lượng kháng thể thậm chí giảm nhiều hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng quá trình giảm kháng thể chậm hơn đáng kể ở những người đã từng nhiễm virus SARS-CoV-2 trước khi được tiêm vắc xin.

 

Theo trưởng nhóm nghiên cứu, bà Charlotte Thalin, lượng kháng thể giảm theo thời gian sau khi tiêm đúng như dự kiến của các nhà nhiên cứu, song điều ngạc nhiên là kháng thể giảm đáng kể ở một nhóm người trẻ tuổi và tương đối khỏe mạnh.

 

Mức kháng thể thấp đồng nghĩa có thể xảy ra lây nhiễm rộng ngay cả trong nhóm đã tiêm vắc xin, như vậy có thể gây hậu quả đối với nhóm người cao tuổi. Vì vậy, bà Thalin cho rằng cần tiêm mũi vắc xin thứ 3 sớm nhất có thể cho nhóm cao tuổi.

 

Hiện nay, một số loại vắc xin khác ngừa COVID-19 cũng cho thấy sự suy giảm về lượng kháng thể theo thời gian và các nhà sản xuất vắc xin coi đây là lý do để triển khai thêm mũi tiêm tăng cường. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vẫn cần có nhiều dữ liệu hơn để quyết định liệu có cần mũi tiêm thứ 3 hay không. 

 

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek