Thứ Bảy, 16/11/2024 10:24 SA
Thế giới đã ghi nhận gần 4,8 triệu ca tử vong do COVID-19
Thứ Năm, 30/09/2021 09:36 SA

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện Mariinsky ở Saint Petersburg (Nga) ngày 7/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

 

 

Số người bình phục là 210.833.140 người, tuy nhiên hiện vẫn có 90.806 ca phải điều trị tích cực.

 

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là ba nước bị ảnh hưởng nhất thế giới, với số ca nhiễm lần lượt là 44.187.046 ca, 33.738.188 ca và 21.399.546 ca. Xét theo số ca tử vong, thứ tự trên có phần thay đổi, với Mỹ đứng đầu (713.801 ca), Brazil đứng thứ hai (596.163 ca) và Ấn Độ đứng thứ ba với 448.080 ca.

 

Châu Á

 

Châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất, với 75.696.253 ca, tiếp đến là châu Âu với 58.864.822 ca. Khu vực Bắc Mỹ hiện có 53.099.827 ca nhiễm trong khi con số này ở Nam Mỹ là 37.775.070 ca.

 

Tuy nhiên, châu Âu đứng đầu thế giới về số ca tử vong, hiện đã lên tới 1.221.876 ca, tiếp đến là Nam Mỹ với 1.154.418 ca. Châu Á đứng thứ ba với 1.120.492 ca trong khi Bắc Mỹ đã ghi nhận 1.076.959 ca tử vong.

 

Châu Âu

 

Tại châu Âu, ba nước Anh, Nga và Pháp đã ghi nhận hơn 7 triệu ca nhiễm, đứng đầu khu vực. Các nước đã có hơn 4,2 triệu ca nhiễm gồm Tây Ban Nha, Italy và Đức.

 

Ngày 29/9, Đức ghi nhận những dấu hiệu dịch bệnh COVID-19 đáng lo ngại. Viện Robert Koch (Đức) thông báo tỉ lệ các ca mắc COVID-19 trong 7 ngày qua tăng trở lại sau khi giảm trong hơn 2 tuần, lên mức 61 ca/100.000 người.

 

Số ca mắc mới trong ngày tại Đức cũng tăng, với 11.780 ca ghi nhận trong 24 giờ qua, tăng 1.326 ca so với một tuần trước. Trong khi đó, chương trình tiêm phòng tại nước này đã có dấu hiệu chậm lại dù còn cách xa mục tiêu miễn dịch cộng đồng. Tính đến ngày 29/9, hơn 53,4 triệu người dân Đức đã được tiêm phòng COVID-19 đầy đủ, tương đương 64,3% dân số.

 

Cũng trong ngày 29/9, Nga ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao nhất từ trước đến nay (857 ca) và cũng là ngày thứ 2 liên tiếp số ca tử vong tăng lên một mức cao mới. Số ca mắc mới tại nước này bắt đầu tăng từ tháng trước, cũng là lúc các chương trình tiêm phòng chậm lại.

 

Đáng chú ý, thủ đô Moscow, tâm dịch của cả nước, đã trải qua một tuần chứng kiến số ca mắc mới tăng mạnh, khiến giới chức phải cảnh báo về tỉ lệ bệnh nhân COVID-19 nhập viện.

 

Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov đánh giá tình hình dịch bệnh hiện rất đáng quan ngại đồng thời kêu gọi người dân hạn chế di chuyển. Chiến dịch tiêm phòng COVID-19 ở Nga vẫn chưa tăng trở lại dù thủ đô Moscow và nhiều vùng khác đã đưa ra yêu cầu bắt buộc tiêm phòng trong mùa hè.

 

Tại Ba Lan, Bộ trưởng Y tế Adam Niedzielski cho biết quốc gia Trung Âu này đã bước sang ngưỡng của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 khi ghi nhận hơn 1.200 ca nhiễm mới trong ngày 29/9.

 

Bộ trưởng Niedzielski nhấn mạnh làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 đang diễn ra với sự gia tăng số ca nhiễm mới kể từ tuần trước. Bên cạnh đó, giới chức Y tế Ba Lan cũng cảnh báo số lượng ca mắc có thể sẽ tăng lên mức 5.000 trường hợp/ngày vào cuối tháng 10 tới do sự lây lan nhanh hơn của biến thế Delta.

 

Châu Mỹ

 

Tại châu Mỹ, ngoài Mỹ và Brazil, đáng chú ý có Argentina đã ghi nhận hơn 5,2 triệu ca nhiễm, Colombia có hơn 4,9 triệu ca, Mexico có hơn 3,6 triệu ca và con số này ở Canada là hơn 1,6 triệu ca.

 

Giới chuyên gia dịch tễ Canada lạc quan thận trọng về tình hình dịch bệnh COVID-19 trong mùa thu và mùa Đông 2021. Khi thời tiết ở Canada bắt đầu lạnh hơn, cũng đồng nghĩa với việc người dân ở trong nhà nhiều hơn và nguy cơ lây lan virus trong không gian hẹp cũng gia tăng.

 

Chuyên gia này cho rằng biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn, như đã từng chứng kiến trong mùa Thu 2020 và thậm chí cả mùa Xuân 2021.

 

Hiện nay, Canada đã đạt tỉ lệ 70% tổng dân số và 80% người dân đủ điều kiện đã tiêm đủ vắc xin. Chuyên gia dịch tễ học Đại học Ottawa Raywat Deonandan bày tỏ lạc quan về tình hình dịch bệnh, cho rằng Canada có đầy đủ các công cụ cần thiết để kiểm soát dịch: tỉ lệ tiêm phòng vắc xin đạt mức cao; có hệ thống xét nghiệm nhanh; hiểu biết sâu về dịch bệnh này và có cách ứng phó phù hợp, kịp thời.

 

Tuy nhiên, ông Deonandan cảnh báo một trong những ẩn số lớn là khả năng tình trạng miễn dịch của vắc xin sẽ suy giảm theo thời gian. Tuy nhiên, chuyên gia này vẫn đánh giá cao khả năng bảo vệ của vắc xin phòng COVID-19, tránh cho người nhiễm bệnh nguy cơ nhập viện và tử vong.

 

Châu Phi

 

Châu Phi ít bị ảnh hưởng hơn so với các khu vực khác song hiện đã ghi nhận tổng cộng hơn 8,3 triệu ca nhiễm và 210.562 ca tử vong. Nam Phi bị ảnh hưởng nhiều nhất châu lục, hiện đã ghi nhận hơn 2,9 triệu ca nhiễm và 87.525 ca tử vong.

 

Tiếp đó là Marốc với 931.973 ca nhiễm, Tunisia 706.314 ca. Các nước Ethiopia, Libya và Ai Cập đều đã ghi nhận hơn 303.000 ca nhiễm.

 

Châu Đại Dương

 

Châu Đại Dương ghi nhận 2.472 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm của toàn châu lục lên 225.669 ca, trong đó có 2.900 ca tử vong. Úc có nhiều ca nhiễm nhất khu vực, hiện có 102.729 ca, gấp đôi nước ở vị trí thứ hai là Fiji (50.953 ca).

 

Theo TTXVN/Vietnam+

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek