Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 31/8 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 217.866.337 ca mắc bệnh COVID-19, trong đó có 4.522.921 ca tử vong.
Hơn 194,71 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn hơn 18,63 triệu bệnh nhân đang điều trị.
Mỹ là quốc gia chịu tác động mạnh nhất với hơn 39,94 triệu ca bệnh, trong đó có hơn 656.300 ca tử vong. Hiện mỗi ngày quốc gia này ghi nhận hơn 100.000 ca mắc mới, chủ yếu do sự lây lan của biến thể Delta của virus SARS-CoV-2.
Tiếp đến là Ấn Độ với hơn 32,76 triệu ca mắc, trong đó có hơn 438.500 ca tử vong. Đứng thứ 3 thế giới là Brazil với hơn 20,75 triệu ca mắc, trong đó có hơn 579.600 ca tử vong.
Tại châu Mỹ, giữ khoảng cách, hạn chế tiếp xúc giờ đây đã trở thành nguyên tắc “bình thường mới” ở nhiều nơi và công nghệ mã vạch (QR code) cũng trở nên phổ biến ở các quán ăn, nhà hàng tại Mỹ, nhất là tại các thành phố và bang lớn như New York.
Để được phục vụ, thực khách dùng điện thoại cá nhân quét lên bảng mã vạch của nhà hàng đặt sẵn trên từng bàn lập tức sẽ truy cập được thực đơn và gọi đồ một cách dễ dàng mà không phải tiếp xúc trực tiếp với nhân viên của quán. Khách hàng cũng có thể tự nhập thông tin thẻ và trả tiền khi dùng bữa xong mà không phải tiếp xúc với bất kỳ ai.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Nhà hàng Mỹ, có tới một nửa số nhà hàng quy chuẩn trên toàn nước Mỹ đã chuyển sang sử dụng thực đơn dùng mã vạch kể từ khi đại dịch xảy ra. Hiệp hội cũng cho biết ứng dụng mã vạch đã giúp các quán ăn, nhà hàng tiết kiệm được tới 30-50 % chi phí nhân công lao động, thậm chí có những quán hoàn toàn không thuê nhân viên ghi thực đơn và thanh toán nữa.
Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 30/8 cảnh báo đến tháng 12/2021 có thể sẽ có thêm 236.000 người tử vong do COVID-19 tại châu Âu, qua đó báo động về tình trạng gia tăng lây nhiễm cũng như công tác tiêm chủng đình trệ ở châu lục này.
Giám đốc WHO tại châu Âu Hans Kluge cho biết con số dự báo trên được đưa ra dựa trên số ca tử vong do COVID-19 thực tế tại châu Âu trong 1 tuần qua (tăng 11%), trong bối cảnh số ca tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới đã vượt 4,5 triệu người kể từ khi đại dịch này bùng phát tháng 12/2019, trong đó, khoảng 1,3 triệu ca ở châu Âu.
Theo ông Kluge, số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 đang gia tăng trở lại tại châu Âu, đặc biệt tại các quốc gia nghèo hơn ở khu vực Balkan, Caucasus và Trung Á. Ông Kluge cho biết có 33 trong tổng số 53 nước châu Âu thành viên của WHO ghi nhận số ca nhiễm mới tăng trên 10% trong 2 tuần qua, phần lớn là những nước nghèo hơn. Ông nhấn mạnh tốc độ lây nhiễm tại châu Âu hiện nay rất đáng lo ngại, đặc biệt trong bối cảnh tỉ lệ tiêm phòng trong các nhóm người ưu tiên tại một số quốc gia ở mức thấp.
Đến nay, khoảng 50% dân số châu Âu đã hoàn thành tiêm chủng. Trong 6 tuần qua, tốc độ tiêm chủng tại châu Âu đã giảm 14% do tình trạng thiếu vắc xin và nhiều loại vắc xin chưa được cấp phép tại nhiều nước. Số ca nhiễm trên toàn thế giới đang tăng trở lại do sự lây lan của biến thể Delta, đặc biệt ở nhóm người chưa tiêm vắc xin, cũng như việc nhiều nước dần nới lỏng các biện pháp chống dịch.
Trong khi đó, sự xuất hiện và lây lan của các biến thể mới cũng là mối quan ngại hiện nay. Tại Nam Phi, các nhà khoa học đang theo dõi một biến thể mới của SARS-CoV-2 với tỉ lệ cao bất thường. Viện các bệnh truyền nhiễm Nam Phi ngày 30/8 thông báo biến thể C.1.2 này có khả năng lây nhiễm nhanh gấp 2 lần so với các biến thể đã được xác định trên toàn cầu.
Biến thể này chiếm tỉ lệ nhỏ các ca nhiễm sau khi lần đầu tiên được phát hiện hồi tháng 5 vừa qua, tuy nhiên, trong tháng 7, số ca nhiễm biến thể này đã tăng 0,2% và hiện biến thể này đã được phát hiện tại toàn bộ các tỉnh của Nam Phi, cũng như ở Trung Quốc, Anh, New Zealand và Mauritius.
Liên quan nỗ lực phòng chống COVID-19, Liên minh châu Âu (EU) ngày 30/8 khuyến nghị tất cả các nước thành viên tái áp đặt lệnh hạn chế đi lại đối với du khách từ Mỹ do số ca mắc COVID-19 gia tăng tại quốc gia này.
Tại châu Phi, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (Africa CDC) cho biết Pháp và Liên minh châu Phi (AU) đã thiết lập quan hệ đối tác mới, theo đó Pháp sẽ ủng hộ Quỹ Mua lại vắc xin châu Phi (AVAT) 10 triệu liều vắc xin Astra Zeneca và Pfizer COVID-19 trong 3 tháng tới.
Số lượng vắc xin trên sẽ được phân bổ và phân phối bởi sáng kiến AVAT và Cơ chế tiếp cận toàn cầu với vắc xin ngừa COVID-19 (COVAX). Trong thông cáo báo chí ngày 30/8 của Điện Elysee, Tổng thống Pháp Emmanual Macron bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ việc châu Phi cần được tiếp cận công bằng với vắc xin.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)