Ngày 29/8, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố rằng quốc gia này không thể tiếp nhận gánh nặng dòng người di cư mới từ Afghanistan, trong bối cảnh xuất hiện những lo ngại tiếp diễn về dòng người tháo chạy khỏi Afghanistan sau khi lực lượng Taliban kiểm soát đất nước.
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi, phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Đức Heiko Maas đang có chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Cavusoglu khẳng định châu Âu cũng như các quốc gia khu vực sẽ bị ảnh hưởng nếu làn sóng di cư từ Afghanistan biến thành cuộc khủng hoảng tương tự như cuộc khủng hoảng người di cư Syria.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh rằng Ankara đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đạo đức và trách nhiệm liên quan đến người di cư và quốc gia này không thể nhận thêm gánh nặng nữa.
Về phần mình, Ngoại trưởng Maas cho biết Đức đánh giá cao Thổ Nhĩ Kỳ khi đề nghị tiếp tục giúp vận hành sân bay quốc tế ở thủ đô Kabul sau khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút lui, đồng thời khẳng định sẵn sàng hỗ trợ về mặt tài chính và kỹ thuật. Phía Đức muốn đảm bảo rằng tình hình tại Afghanistan sẽ không gây bất ổn toàn bộ khu vực.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện tiếp nhận 3,7 triệu người di cư Syria và khoảng 300.000 người Afghanistan. Quốc gia này đã phải triển khai các biện pháp tăng cường dọc biên giới phía đông nhằm ngăn chặn dòng người di cư tiềm tàng từ Afghanistan.
Trước đó, Liên Hợp Quốc ước tính dòng người di cư từ Afghanistan có thể lên đến hơn 500.000 người vào cuối năm nay, đồng thời kêu gọi các quốc gia láng giềng mở cửa biên giới đón nhận những người muốn đi lánh nạn.
Theo Phó Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) Kelly Clements, Liên Hợp Quốc đang chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất là có khoảng 500.000 người di cư từ Afghanistan sang các nước như Iran, Pakistan và các nước Trung Á trong 4 tháng tới.
Thời gian qua, cơ quan này chưa nhận thấy những đợt di cư lớn từ Afghanistan. Tuy nhiên tình hình tại Afghanistan đã diễn biến nhanh hơn dự kiến và dòng người di cư từ nước này sang Pakistan có dấu hiệu tăng nhẹ trong những ngày gần đây, trong khi có hàng nghìn người cũng đã chạy sang Iran những ngày qua.
* Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, kết quả cuộc thăm dò dư luận do hãng Realmeter (Hàn Quốc) thực hiện cho thấy có gần 70% người dân Hàn Quốc ủng hộ kế hoạch cấp thị thực lưu trú dài hạn cho hàng trăm người dân Afghanistan tới Hàn Quốc.
Cuộc thăm dò ý kiến được hãng Realmeter thực hiện vào ngày 27/8 vừa qua, với sự tham gia của 500 người từ 18 tuổi trở lên. Kết quả cho thấy có tới 68,7% số người được hỏi cho biết họ tán thành kế hoạch cấp thị thực dài hạn cho những người Afghanistan vừa di tản đến Hàn Quốc vào tuần trước và cho phép họ tìm việc làm ở Hàn Quốc.
Trong số những người ủng hộ việc lưu trú dài hạn, 28,9% số ý kiến bày tỏ tán thành ý tưởng này, trong khi 39,8% cho biết họ phần nào ủng hộ. Chỉ có 28,7% nói rằng họ phản đối kế hoạch này, trong đó có 15,1% thể hiện sự phản đối mạnh mẽ; 2,6% còn lại cho biết họ chưa quyết định về vấn đề này.
Tuần trước, Hàn Quốc đã tiếp nhận 390 người dân Afghanistan, đáp ứng nguyện vọng của họ sau khi lực lượng Taliban giành quyền kiểm soát quốc gia Tây Nam Á này.
Những người được Hàn Quốc giúp sơ tán và tiếp nhận đều là các chuyên gia y tế, giảng viên dạy nghề, chuyên gia công nghệ thông tin và thông dịch viên... từng làm việc cho Đại sứ quán Hàn Quốc tại Kabul cũng như các cơ sở cứu trợ và nhân đạo của Hàn Quốc ở Afghanistan, cùng các thành viên gia đình của họ.
Được gọi là "Những người có đóng góp đặc biệt" cho Hàn Quốc, người Afghanistan được cấp thị thực C-3 ngắn hạn, nhưng sau đó sẽ nhận được thị thực F-2, cho phép họ làm việc và cư trú tại Hàn Quốc tối đa 5 năm. Sau đó, họ sẽ có cơ hội nộp đơn xin thị thực thường trú F-5. Cuộc thăm dò của hãng Realmeter có sai số 4,4% và mức độ tin cậy đạt 95%.
T.LÊ (tổng hợp TTXVN/Vietnam+)