Người Serbia và người Albania hôm qua (28/11) đã không thể giải quyết những bất đồng về địa vị tương lai của Kosovo tại vòng đàm phán cuối cùng ở Vienna.
Phát biểu trong một cuộc họp báo ở Vienna sau các cuộc thương thuyết tại một khách sạn nghỉ mát ở ngoại ô thủ đô Áo, phái viên EU Wolfgang Ischinger cho biết: "Rất tiết các bên đã không thể đạt được thỏa thuận".
|
Các lãnh đạo người Albania trong phái đoàn đàm phán của tỉnh Kosovo trong cuộc họp báo sau vòng thương thuyết ở Baden hôm 28/11. - Ảnh: Reuters |
Các cuộc gặp kéo dài 3 ngày giữa người Serbia và người Albania tại Baden, cách Vienna khoảng 50km về phía nam, đã bắt đầu từ thứ hai (26/11) mà không có bất kỳ dấu hiệu đột phá nào. Đây là vòng đàm thứ 6 và cũng là cuối cùng giữa họ kể từ cuối tháng 8.
Phái viên Mỹ Frank Wisner nhận định tiến trình hòa bình trong khu vực "đang lâm nguy" và yêu cầu các bên liên quan giữ lời hứa về việc duy trì ổn định và đối thoại sau khi kết thúc vòng đàm phán chính thức. Dự kiến, các trung gian hòa giải từ EU, Mỹ và Nga, sẽ công du Serbia và Kosovo lần cuối vào thứ hai tới (3/12) trước khi đệ trình báo cáo lên Liên hợp quốc vào ngày 10/12.
Kosovo hiện là một tỉnh thuộc Cộng hòa Serbia nhưng do Liên hợp quốc quản lý từ sau một chiến dịch không kích của NATO nhằm trục xuất các lực lượng của Belgrade tại vùng đất này năm 1999. Cộng đồng người Albania chiếm đa số ở Kosovo vốn được Mỹ và một số nước phương Tây hậu thuẫn, muốn tỉnh trở thành một quốc gia độc lập. Tuy nhiên, Serbia với sự ủng hộ của Nga, cực lực phản đối kế hoạch này.
Các lãnh đạo người Albania tại Kosovo từng quả quyết sẽ đơn phương tuyên bố ly khai nếu hạn chót 10/12 do Liên hợp quốc đặt ra cho các vòng thương thuyết trôi qua mà không đem tới một thỏa thuận cụ thể nào. Tuy nhiên, Tổng thống Serbia Boris Tadic cảnh báo chính quyền Belgrade sẽ vô hiệu hóa mọi tuyên bố độc lập của Kosovo.
Thủ tướng Serbia Vojislav Kostunica cũng bác bỏ yêu cầu độc lập của Kosovo. Ông khẳng định: "Serbia chỉ chấp nhận nghị quyết của Hội đồng bảo an (về quy chế tự trị cho Kosovo). Các cuộc thương thuyết đã kéo dài suốt 2 năm qua. Chúng đã bắt đầu như thế nào thì cần được kết thúc như vậy, tại Hội đồng bảo an".
Theo VNN