Thứ Sáu, 29/11/2024 21:53 CH
Điều chưa biết về cha đẻ của chiến hạm Rạng Đông
Thứ Tư, 07/11/2007 07:50 SA

Mùa hè năm 1903, chiến hạm Rạng Đông được hạ thủy. Từ chiến hạm này đã vang lên phát pháo đầu tiên mở màn cho cuộc Cách mạng tháng Mười Nga. Cho đến nay, không mấy người được biết về kiến trúc sư của con tàu này, Trung tướng Ksaveri Ratnik, một chuyên gia thiết kế tàu chiến nổi tiếng của đế chế Nga hồi đó.

 

071107-chrangdong.jpg

Nòng pháo của chiến hạm Rạng Đông, nơi đã nã đạn vào Cung điện Mùa Đông trong Cách mạng tháng Mười 90 năm trước. - Ảnh: VNN

 

Cuộc đời của ông và số phận của chiến hạm Rạng Đông gần đây mới được cháu trai (cũng là một chuyên gia thiết kế tàu thủy) kể lại.

 

Cựu kiến trúc sư trưởng của những con tàu đánh cá cỡ nhỏ là Alexei Kuchuk năm nay đã 76 tuổi. Ông là tác giả của 7 bản thiết kế, theo đó gần 250 tàu đánh cá đã được đóng và đang hoạt động tại vùng biển Baltic, biển Okhot và Thái Bình Dương. Kuchuk đã tốn rất nhiều công sức để sưu tầm những dữ liệu về người ông của mình. Ông tới tận Kazan để tìm kiếm những bản vẽ cũ của con tàu, viết thư trao đổi với Lev Polenovy (tác giả một cuốn sách về lịch sử của chiến hạm Rạng Đông) và với con trai của thuyền trưởng đầu tiên trên tàu sau khi cách mạng thành công. Từ những tài liệu thu thập được, người ta có thể hình dung một cách khái quát về cuộc đời của Ksaveri Ratnik, cha đẻ chiến hạm Rạng Đông.

 

Ksaveri Ratnik sinh năm 1852 tại Nikolaiev, trong một gia đình quý tộc. Sau khi tốt nghiệp Trường trung cấp Kỹ thuật Hàng hải và sau đó là Học viện Hàng hải, ông bắt tay vào thiết kế những con tàu quân sự: thiết giáp hạm, tuần dương hạm, pháo hạm v.v... Ông cũng là tác giả của dự án chế tạo thiết giáp hạm cỡ lớn tại vùng Biển Đen với lượng dãn nước lên tới 9.500 tấn.

Từ năm 1893 đến 1905, Ratnik đến Saint Peterburg làm quan chức điều hành và sau đó là giám đốc nhà máy đóng tàu Baltic, cơ sở đóng tàu lớn nhất của Nga thời đó. Sân đóng tàu của nhà máy này là nơi sản sinh ra rất nhiều tàu chiến của Nga tham gia cuộc chiến tranh với Nhật Bản và Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Ksaveri Ratnik là người rất chịu khó học hỏi về ngành công nghiệp đóng tàu ở Tây Âu và Mỹ, cũng như các phương pháp sử dụng nhiên liệu bằng dầu mỏ mới được ứng dụng. Ông còn nổi tiếng là một chủ nhà máy rất có uy tín với công nhân. Trong suốt thời gian chiến tranh cũng như vào thời điểm cuộc cách mạng năm 1905, tại nhà máy lớn này không hề diễn ra một cuộc bãi công nào.

 

Ngày 7/3/1895, thanh tra trưởng của ngành đóng tàu là Kuteinikov có gửi đến ban lãnh đạo nhà máy Baltic một bức thư với chỉ thị phải đóng gấp tuần dương hạm này mà không cần bản phác thảo sơ bộ. Con tàu bắt đầu được đóng vào năm 1897 và cơ bản hoàn thành 3 năm sau đó. Tuần dương hạm hùng mạnh này (với biên chế thủy thủ đoàn tới 600 người) được chế tạo với mục đích tăng cường cho lực lượng Hải quân Nga ở vùng Viễn Đông, cho dù gần như suốt cuộc đời hoạt động của nó lại ở vùng biển Baltic.

 

Rạng Đông được thử lửa lần đầu tiên trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật. Chiếc tàu tham gia trận đánh ở Sucim vào ngày 14 và 15/5/1905, nơi lực lượng Hải quân Nga do Đô đốc Zinovie Rozestvenski lãnh đạo đã phải chịu một thất bại nặng nề với con số tổn thất tới 5.000 thủy thủ và sĩ quan. Quân Nhật nhờ có ưu thế hơn về tốc độ và chiến thuật, chỉ trong vài phút đã tập trung đủ hỏa lực loại khỏi vòng thiết giáp hạm chỉ huy “Công tước Suvorov”, rồi tiêu diệt lần lượt những chiếc tàu đi sau nó. Ngay sau trận đánh này, Nga hoàng đã buộc phải ký các thỏa ước hòa hoãn với Nhật.

 

Riêng Rạng Đông bị trúng tới 18 phát đạn của quân Nhật. Thuyền trưởng Egorev tử thương cùng 15 thủy thủ khác. Con tàu buộc phải ngừng tác chiến và rút lui dưới sự hộ tống của một số tàu khác. Một vài chỉ huy hải quân đã tìm cách đổ vấy trách nhiệm cho các nhà thiết kế, khi cho rằng con tàu có độ cơ động kém. Thật ra nguyên nhân lại do một yếu tố khác. Thủy thủ đoàn của Rozestvenski đã chất quá nhiều than lên tàu, khiến trọng tâm của nó bị lệch.

Đến năm 1905, nhờ khả năng xuất sắc của mình, Ratnik được chỉ định làm Tổng thanh tra của ngành đóng tàu Nga. Tháng 5/1907, ông nghỉ hưu vì “lý do riêng của gia đình”. Ratnik cùng gia đình trở về Ukraina, mua một mảnh đất gần Kiev và xây một ngôi nhà 3 tầng. Ông mất năm 1924 tại Borovaia và được an táng ngay tại đó.

 

Nhà máy đóng tàu Baltic tại Saint Peterburg hiện nay vẫn chưa quên Ratnik. Bức chân dung lớn của chuyên gia đóng tàu, đồng thời là cha đẻ của chiến hạm Rạng Đông lịch sử vẫn được treo trang trọng tại một viện bảo tàng địa phương ở đây.

 

Chiến hạm Rạng Đông lịch sử đã được đại tu vào giữa những năm 80 của thể kỷ XX. Người ta thay thế phần thân dưới nước của tàu, ngăn phần trên boong làm 4 khu vực. Trong khoang máy có lắp đặt hai mẫu nồi hơi, còn phần thượng tầng trang trí theo kiểu thời điểm năm 1917. Đội ngũ nhân viên trên chiếc tàu – bảo tàng này gồm 6 sĩ quan, 12 chuẩn úy hải quân và 42 thủy thủ. Nhân dịp kỷ niệm 300 năm Saint Peterburg vừa qua, một công ty của Anh đã tặng huy chương danh dự cho con tàu từng đóng vai trò quan trọng trong lịch sử của nhân loại.

 

(CAND)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek