Thứ Sáu, 04/10/2024 08:35 SA
Hàn Quốc được và mất trong vụ giải thoát con tin
Thứ Bảy, 01/09/2007 07:00 SA

Ngày 30/8, Taliban đã trả tự do cho 7 con tin cuối cùng trong số 23 con tin Hàn Quốc mà lực lượng này bắt giữ từ ngày 19/7. Đây được xem là việc thực hiện thỏa thuận đạt được giữa Taliban với chính phủ Hàn Quốc hôm 28/8, theo đó, Taliban cam kết sẽ trả tự do cho tất cả các con tin. Dư luận không chỉ quan tâm đến nội dung thỏa thuận, mà nhiều câu hỏi đặt ra là Chính phủ Hàn Quốc được và mất gì trong vụ này? Vì sao Taliban lại chấp nhận trả tự do cho các con tin một cách vô điều kiện như vậy?

 

070901-con-tin.jpg

Một con tin nữ được thả ở Ghazni, cách Kabul 140km về phía nam - Ảnh: AFP

 

23 người Hàn Quốc làm nhiệm vụ cứu trợ tại Afghanistan đã bị hàng chục chiến binh chĩa súng vào đầu và bắt cóc trên một xe buýt ở tỉnh Ghazni hôm 19/7. Hạn chót được đưa ra là 14g30 giờ GMT ngày 24/7, Taliban muốn đổi những con tin này lấy 33 chiến binh bị cầm tù, đồng thời yêu cầu quân đội Hàn Quốc rời khỏi Afghanistan. Đây được xem là vụ bắt cóc lớn nhất nhằm vào người nước ngoài, kể từ sau khi chế độ Taliban bị lật đổ năm 2001.

 

THỎA THUẬN VÔ ĐIỀU KIỆN?

 

Vụ Taliban trả tự do cho 19 con tin, nói là “vô điều kiện” là bởi Hàn Quốc không phải đáp ứng yêu sách lớn nhất mà Taliban đưa ra trước đó là đổi con tin lấy các tù nhân Taliban đang bị giam giữ tại các nhà tù ở Afghanistan; cũng như không phải trả các khoản tiền chuộc.

 

Hôm 26/8, sau khi giết chết 2 con tin, thả 2 con tin nữ và nhiều cuộc đàm phán bất thành, Taliban cho biết nhóm này sẵn sàng tiếp tục thương thảo với Hàn Quốc về số phận của 19 con tin còn lại, nhưng nói thêm rằng phải có đề xuất gì đó mới được đặt lên bàn đàm phán. Để đổi lấy tự do của các con tin, Hàn Quốc đồng ý rút khoảng 200 kỹ sư quân đội khỏi Afghanistan trong vài tuần tới.

 

Tại cuộc đàm phán trực tiếp lần thứ 4, thêm một điều kiện được nêu ra trong thỏa thuận giữa Taliban và đại diện chính phủ Hàn Quốc, ngoài cam kết rút quân, Hàn Quốc phải chấm dứt việc tiến hành các hoạt động truyền đạo tại Afghanistan. Đây đều là những điều kiện mà Hàn Quốc có thể dễ dàng đáp ứng, và trên thực tế đã được thực hiện khi chính phủ Hàn Quốc đẩy nhanh việc rút quân tại Afghanistan về nước và ra lệnh cấm công dân đi du lịch đến Afghanistan mà không xin phép.

 

Vậy tại sao Taliban lại chấp nhận trả tự do cho một số lượng lớn con tin chỉ với những điều kiện xem chừng “dễ dãi” như vậy? Phải chăng đơn thuần chỉ là do Taliban thực sự thông hiểu điều mà Hàn Quốc giãi bày, rằng: nước này không có bất cứ quyền hạn hay ảnh hưởng gì để có thể tác động đến chính quyền Afghanistan giúp trả tự do cho các tù nhân Taliban? 1 tháng 10 ngày đúng là khoảng thời gian không ngắn để thử thách đủ cho thấy Hàn Quốc đã làm hết cách để cứu các con tin, và rõ ràng Taliban hiểu rằng có tiếp tục kéo dài việc cầm giữ các con tin cũng không thể hy vọng được điều gì hơn. Tuy nhiên, lý do chính ở đây là Taliban đã đạt được cái mà họ muốn trong tầm mà một nước như Hàn Quốc có thể đáp ứng.

 

HÀN QUỐC ĐƯỢC- MẤT GÌ?

 

Sự trở về của các con tin được báo chí Hàn Quốc và thế giới ca ngợi là một “thắng lợi ngoại giao”, bởi thực sự đó là kết quả của các nỗ lực ngoại giao liên tục trực tiếp do chính phủ Hàn Quốc tiến hành.

 

Giới phân tích đã sử dụng cụm từ “Mặt đối mặt” để nhấn mạnh tính chất trực tiếp của các cuộc tiếp xúc giữa đại diện chính phủ Hàn Quốc với Taliban. Và rõ ràng hình thức đàm phán này đã phát huy hiệu quả. Thế nhưng mặt khác, việc đàm phán trực tiếp cũng lại là chiến thắng của Taliban bởi từ sau vụ khủng bố ngày 11/9 tại Mỹ, đã có một quy định quốc tế là chính phủ các nước không đối thoại với các phần tử khủng bố, mà Taliban nằm trong số đó. Bản thân chính phủ Hàn Quốc cũng đã phải cân nhắc rất kỹ lưỡng và chỉ sau khi hai con tin nam bị giết, nước này mới quyết định phải vi phạm quy định quốc tế và tìm kiếm các giải pháp thông qua thương lượng trực tiếp với Taliban.

 

Chosun Ilbo, nhật báo lớn nhất Hàn Quốc bình luận: “Đây là lần đầu tiên chúng ta thương lượng trực tiếp với những kẻ khủng bố bắt cóc. Chúng ta không thể chối cãi sự thực rằng tiền lệ này có thể sẽ là gánh nặng đối với hình ảnh của Hàn Quốc trên trường quốc tế”. Theo giới phân tích, Hàn Quốc trở thành nước đầu tiên đàm phán với Taliban kể từ ngày 11/9/2001 đến nay và rất có thể sẽ mở đường cho các nước khác, mà điển hình là Đức – nước đang có một công dân bị Taliban bắt cóc, làm theo.

 

Người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc Cheon Hosun ngay lập tức đã phải lên tiếng giải thích rằng nếu ở địa vị của Hàn Quốc, các nước khác cũng phải hành động tương tự để bảo vệ tính mạng cho công dân mình; đồng thời nhấn mạnh Hàn Quốc vẫn sẽ ủng hộ tích cực các nỗ lực chống khủng bố quốc tế.

 

Vai trò của Mỹ trong vụ khủng hoảng con tin là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm. Chính phủ Hàn Quốc đã gián tiếp yêu cầu Mỹ, nước có ảnh hướng rất lớn đối với Chính phủ Afghanistan, cần phải linh động hơn với chính sách mang tính nguyên tắc không thương thuyết với khủng bố. Rõ ràng, nếu như trong trường hợp các con tin Hàn Quốc không được giải cứu, có nhiều khả năng mối quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đối với Hàn Quốc, nếu như không có bất kỳ tiến bộ nào trong việc giải cứu con tin, câu hỏi duy nhất đặt ra là liệu Mỹ có sẵn sàng về mặt phương tiện và ý chí để thương thuyết với Taliban. Người Hàn Quốc vẫn cho rằng, Washington cần chấp nhận một phiên bản “thương thuyết với khủng bố’’.

 

Và đúng như dự đoán của nhiều người, sau khi con tin cuối cùng được thả, phát ngôn viên của Taliban Qari Yousef Ahmadi đã thề sẽ tiến hành bắt cóc thêm các con tin nước ngoài, một tuyên bố càng khiến người ta lo ngại rằng quyết định đàm phán trực tiếp của chính phủ Hàn Quốc với Taliban có thể khuyến khích họ. Nói qua điện thoại từ một địa điểm bí mật, Ahmadi nói: “Chúng tôi sẽ tiến hành những việc làm tương tự với các đồng minh khác tại Afghanistan vì chúng tôi thấy rằng cách này mang lại thành công”.

 

Bên cạnh đó, Taliban cũng buộc Hàn Quốc phải có biện pháp ngừng các hoạt động truyền giáo tại Afghanistan. Được biết, có khoảng 25% dân số Hàn Quốc theo đạo Tin lành, và khoảng 15.000 người đang hoạt động truyền giáo và cứu trợ ở nước ngoài. Theo báo chí Hàn Quốc, các đoàn truyền giáo Hàn Quốc hoạt động khá tích cực tại Afghanistan mặc dù nhà thờ của nhóm con tin nói rằng họ không phải là những người truyền giáo mà đang làm công tác cứu trợ. Vụ bắt cóc con tin gay cấn lần này không chỉ là lời cảnh báo đối với những nhà hoạt động truyền giáo Hàn Quốc mà trên khắp thế giới không được xâm phạm vào khu vực thuộc tầm kiểm soát của Taliban.

 

HOÀNG KIM (tổng hợp)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek