Thứ Hai, 07/10/2024 15:21 CH
Trung Quốc xử nạn nô lệ thời hiện đại
Thứ Sáu, 22/06/2007 16:00 CH

Cậu bé Tưởng Dương dự tính đến Khai Phong học võ nhưng điểm đến lại là lò gạch thành phố Vận Thành. Khi được cứu thoát sau 33 ngày lao động khổ sai, em từ 80kg giảm xuống còn 45kg, trên mình đầy vết thương. Hiện Dương đang điều trị tại Trùng Khánh, người lúc nào cũng sợ sệt, không dám tiếp xúc người lạ.

Những bi kịch rợn người

Bố Dương kể: con ông sau khi đến Khai Phong không bao lâu, có gọi điện là sẽ đi làm và sau đó thì mất liên lạc. Sau này, câu chuyện được chắp nối lại: con ông đến trạm xe lửa Trịnh Châu, bị một nhóm người làm quen dụ đi lượm lon nước ngọt, mỗi ngày kiếm được 50 NDT (khoảng 100.000 đồng VN). Sau khi lên xe, thấy xe lửa đi rất xa vẫn chưa dừng lại, Dương đòi xuống tàu nhưng bị từ chối và bị đánh nhừ tử. Từ đó Dương trở thành công nhân trong lò gạch phi pháp.

070622--no-le.jpg

Công nhân nô lệ với những vết thương còn rướm máu - Ảnh: baidu

Sau quá trình điều tra, những câu chuyện tương tự được công bố khiến công luận Trung Quốc bàng hoàng. Tiểu Hắc là một sinh viên từng bị lừa vào làm trong một lò gạch ở Vân Thành (tỉnh Sơn Tây) năm 2000. May mắn là tám tháng sau anh trốn thoát được cùng sáu công nhân khác. Hắc nhớ lại: lúc đó anh ở cách nhà khoảng 100m thì có người đến hỏi đường, rồi tặng anh một chai nước ngọt để cảm ơn. Uống xong Hắc không nhớ gì cả. Tỉnh dậy đã thấy mình nằm trên một xe hàng, bên cạnh có 3, 4 người cùng tuổi khóc thút thít. Mấy ngày sau, Hắc bị đưa đến một lò gạch ở làng Lục Mẫu (Vân Thành). Vừa đến nơi, anh bị một nhóm người cầm roi da đánh phủ đầu nhừ tử và ra lệnh: “Từ nay về sau hãy ngoan ngoãn làm việc”. Hắc kể có một người bạn do quá buồn ngủ, tìm cớ đi nhà vệ sinh để chợp mắt, đã bị bọn cai ngục phát hiện và đánh chết.

Sau khi vụ án ngược đãi công nhân tại lò gạch phi pháp ở tỉnh Sơn Tây bị đưa ra ánh sáng, đoàn điều tra do ông Trương Minh Khởi, chủ tịch Tổng công đoàn Lao động Trung Quốc, dẫn đầu đến huyện Hồng Động để tiến hành điều tra. Nhiều lãnh đạo địa phương đã bị xử lý tức khắc.

Lời xin lỗi muộn màng

Trần Tiểu Quân là một trong những công nhân vừa được giải thoát khỏi lò gạch ở huyện Hồng Động. Chiều 18/6, anh nhận được một bức thư của chính quyền huyện Hồng Động, trong đó viết: “...thành thật xin lỗi ông đã phải chịu đựng sự đối đãi bất bình đẳng ở huyện chúng tôi...”, kèm theo là tiền lương và tiền trợ cấp hơn 23.000 NDT. Hiện chính quyền huyện Hồng Động đã cử 11 đoàn đại biểu đến 12 tỉnh thành Trung Quốc có công nhân làm trong lò gạch để xin lỗi, với số tiền trợ cấp lên đến 300.000 NDT. Mức lương mà chính quyền chi trả cho công nhân cao gấp ba lần mức lương bình quân 430 NDT/tháng.

Tuy nhiên, người dân Trung Quốc đang bất bình với lời xin lỗi này. Nhận lỗi là một hành động dũng cảm, nhưng tại sao phải đến khi trung ương vào cuộc, chính quyền địa phương mới nghĩ đến việc xin lỗi? Công nhân bị ngược đãi như súc vật, cơ quan lao động địa phương lại không hề can thiệp, giúp đỡ. Còn công an thì đứng ngoài cuộc mặc dù những lò gạch này đã tồn tại từ rất lâu. Chính quyền địa phương có thật sự không biết những gì xảy ra trên địa bàn?

Ngoài ra, dân chúng cũng thắc mắc khoản chi để... đi xin lỗi hết 12 tỉnh thành ở Trung Quốc của chính quyền huyện Hồng Động không biết từ đâu mà ra, có bị hạch toán vào tiền bồi thường trợ cấp cho công nhân nô lệ hay không? Họ cho rằng chính quyền không nên làm việc quá máy móc, hình thức, phải biết quan tâm đến lợi ích thiết thực của người lao động.

Hiện chính quyền tỉnh Sơn Tây đã giải cứu được 350 công nhân, sau khi kiểm tra 6.256 lò gạch, tạm giữ và xử lý gần 100 người. Sau khi phát chương trình đi tìm con của các gia đình có con bị bắt cóc, nhiều gia đình cùng cảnh ngộ đã tìm đến Đài truyền hình Hà Nam. Theo thống kê sơ bộ, ít nhất có đến 1.000 trẻ em bị bắt cóc vào làm trong các lò gạch.

Theo TTO

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek