Thứ Ba, 08/10/2024 12:31 CH
Hội nghị thượng đỉnh G-8:
Đạt được thỏa thuận về mục tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính
Thứ Bảy, 09/06/2007 07:05 SA

* Nga đề nghị lập căn cứ chống tên lửa chung Nga - Mỹ tại Azerbaijan

 

Sau 3 ngày làm việc, Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-8) diễn ra tại khu nghỉ mát Heilligendamm thuộc miền Bắc nước Đức,  đã bất ngờ đạt được thỏa thuận đột phá về mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính , chủ đề chính trong chương trình nghị sự của Hội nghị. Các nhà lãnh đạo G-8 đã tán thành mục tiêu cắt giảm tối thiểu 50% khí thải CO2 vào năm 2050.

 

MỸ ĐỒNG Ý

 

070609-Bush--Putin.jpg

Tổng thống Nga Putin (phải) và người đồng cấp Mỹ Bush

 

Mỹ - nước ban đầu phản đối kế hoạch này - cuối cùng đã chấp thuận đề xuất của Thủ tướng Đức (nước đang giữ chức Chủ tịch G-8), bà Angela Merkel, về mục tiêu cụ thể cắt giảm khí CO2. Các nước Anh, Pháp và Nhật Bản cũng ủng hộ kế hoạch này. Bà Merkel tuyên bố : “Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm thực hiện mục tiêu nêu ra và mời các nước đang ở ngưỡng cửa phát triển cùng thực hiện”, trước hết là Trung Quốc và Ấn Độ. Bà Merkel đánh giá sự kiện này là một “bước tiến lớn”, bởi các nước G-8 đã thể hiện trách nhiệm đối với chiến lược bảo vệ khí hậu toàn cầu. Cố vấn an ninh Mỹ Stephen Hadley đánh giá cao vai trò dẫn dắt đàm phán của bà Merkel để đạt được sự thống nhất tại Hội nghị.

 

Trong văn kiện ký kết, các nước G-8 thừa nhận tính xác thực của một báo cáo của Hội đồng khí hậu thế giới về tình trạng biến đổi khí hậu trên trái đất. Ngoài ra, các nước G-8 cũng nhất trí sẽ có một văn kiện về bảo vệ khí hậu mới trong khuôn khổ Liên hợp quốc, sau khi Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực vào năm 2012. G-8 cũng nhất trí khởi động vòng đàm phán toàn diện về biến đổi khí hậu dưới sự bảo trợ của LHQ, tại hội nghị về khí hậu tổ chức tại đảo Bali (Indonesia) vào tháng 12 tới và kết thúc bằng các cuộc đàm phán vào năm 2009.

 

Phản ứng với thỏa thuận trên của G-8, Nhóm 5 nước có nền kinh tế đang trỗi dậy gồm Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico và Nam Phi (G-5) kêu gọi các nước công nghiệp phát triển hợp tác và có trách nhiệm lớn hơn trong việc hỗ trợ các nước đang phát triển giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, G-5 khẳng định tất cả những vấn đề liên quan đến việc giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu cần được đưa ra dựa trên sự cân nhắc kỹ về lợi ích cũng như khả năng của từng nước.

 

LHQ tỏ ra lạc quan khi hoan nghênh thỏa thuận trên đã tiếp thêm động lực cho tiến trình giải quyết tình trạng Trái Đất ấm dần. Quan chức hàng đầu của LHQ phụ trách vấn đề thay đổi khí hậu, Yvo de Boer, cho rằng thỏa thuận đã giúp ngăn chặn nguy cơ Mỹ, nước có lượng khí thải công nghiệp hàng đầu thế giới, đi ngược lại tiến trình giải quyết vấn đề này.

 

SẼ CÓ CĂN CỨ QUÂN SỰ CHỐNG TÊN LỬA CHUNG MỸ - NGA?

 

Hội nghị lần này đánh dấu bất ngờ thứ hai khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất lập một căn cứ quân sự chống tên lửa chung Mỹ - Nga tại Azerbaijan để đổi lại việc Nga từ bỏ phản đối Mỹ triển khai các hệ thống đánh chặn tên lửa tại châu Âu, một đề nghị được đánh giá là nhằm tháo ngòi nổ cho tình trạng căng thẳng hiện nay giữa hai nước.

 

Ông Putin lập luận rằng một căn cứ đặt tại Azerbaijan có thể kiểm soát toàn châu Âu, sẽ giúp Mỹ và Nga phát hiện bất cứ vụ thử tên lửa tầm xa nào từ Iran, đồng thời giảm bớt mối lo ngại của Nga về việc một lá chắn tên lửa nằm ngay sát biên giới Nga với châu Âu. Ông cũng cảnh báo Mỹ không nên xúc tiến kế hoạch lập lá chắn tên lửa ở Đông Âu khi tiến hành đàm phán với Nga về vấn đề này.

 

Theo cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Steve Hadley, ông Putin muốn sử dụng một trạm radar đã có từ lâu ở Gabala, miền bắc Azerbaijan, quốc gia Trung Á giáp biển Caspian. Lãnh đạo Nga cũng cho rằng thay vì đặt 10 tên lửa đánh chặn tại Ba Lan, Mỹ nên sử dụng các tuần dương hạm Aegis phóng tên lửa đánh chặn. Ông Putin tiết lộ đã thông báo đề xuất của mình với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliev và ông Aliev đã tán thành nó. Ông Hadley cũng cho biết Tổng thống Bush nói rằng đề nghị trên “đáng quan tâm” và muốn chuyển cho các chuyên gia nghiên cứu. Nga và Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện tiến trình “đối thoại chiến lược” tại Mỹ vào đầu tháng 7 tới.

 

Sau cuộc gặp bên lề Hội nghị G-8 với Thủ tướng Anh Tony Blair, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho biết hai ông đã nhất trí về một khung hiệp ước được “đơn giản hóa” nhằm cải cách các thể chế của Liên minh châu Âu (EU).

 

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, các nhà lãnh đạo G8 đã chấp nhận chương trình viện trợ trị giá 60 tỉ USD cho châu Phi nhằm giúp châu lục này đối phó với các căn bệnh như HIV/AIDS, sốt rét và lao.

 

Trong khi đó, bên ngoài địa điểm diễn ra hội nghị vẫn tiếp tục xảy ra các cuộc biểu tình lớn với hàng nghìn người tham gia. Những người biểu tình đã dựng hàng rào phong tỏa những tuyến đường chính dẫn đến khu vực diễn ra hội nghị, gây ra xung đột với lực lượng an ninh, làm một vài người bị thương. Cảnh sát đã bắt giữ khoảng 300 người biểu tình, tịch thu 8 chiếc xuồng của tổ chức Hòa bình Xanh. Những người biểu tình đe dọa sẽ tiếp tục các hoạt động phản đối cho đến ngày bế mạc hội nghị. Khoảng 16.000 cảnh sát, hầu hết là các đơn vị chống bạo động, đã được triển khai để bảo vệ an ninh hội nghị.

                 

  HOÀNG KIM (tổng hợp)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek