Ngày 8/5, Hạ nghị sĩ Eni Faleomavaega, thành viên cao cấp của Tiểu ban các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ, đã mạnh mẽ lên án Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, đồng thời đề nghị chính quyền của Tổng thống Barack Obama có phản ứng rõ ràng và quyết liệt hơn nữa đối với các hành động của Bắc Kinh.
Thông cáo báo chí của Hạ nghị sĩ Eni Faleomavaega mạnh mẽ chỉ trích việc Trung Quốc liên tục có những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam với việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển của Việt Nam hôm 2/5 và triển khai hàng chục tàu hải quân hỗ trợ cho hành động khiêu khích này. Tiếp đó ngày 3 và 5/5, Trung Quốc lại ra thông báo cấm tất cả tàu thuyền đi vào khu vực mà họ vừa hạ đặt giàn khoan cùng với tuyên bố nói rằng giàn khoan Hải Dương-981 sẽ tiến hành hoạt động khoan thăm dò.
Thông cáo báo chí của hạ nghị sĩ Eni Faleomavaega khẳng định giàn khoan Hải Dương-981 đã được hạ đặt bên trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, chỉ cách đảo Lý Sơn của Việt Nam 120 hải lý. Hạ nghị sĩ Eni Faleomavaega bày tỏ cảm ơn thượng nghị sĩ John McCain đã đi tiên phong trong việc tuyên bố một cách dứt khoát rằng các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở biển Đông là không có cơ sở chiểu theo luật pháp quốc tế. Các hành động khiêu khích này của Trung Quốc là một sự leo thang với chủ ý đe dọa hòa bình và an ninh hàng hải ở biển Đông.
Cùng ngày 8/5, Bộ Ngoại giao Mỹ một lần nữa bày tỏ quan ngại về những hành động của Trung Quốc trên biển Đông, khẳng định tình hình căng thẳng hiện nay là do Trung Quốc gây ra. Trả lời phỏng vấn tại trung tâm báo chí ở thủ đô Washington, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf nêu rõ chỉ riêng việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển có tranh chấp đã là một hành động khiêu khích. Bà nói: “Việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào là vô cùng nguy hiểm, nó có thể dẫn đến những tính toán sai lầm và kéo theo các hành động khiêu khích khác và làm gia tăng căng thẳng. Những gì diễn ra ở biển Đông hoàn toàn trái ngược với những gì Mỹ mong muốn. Chúng tôi muốn căng thẳng và tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình và các tuyên bố chủ quyền phải dựa trên luật pháp quốc tế”. Bà Marie Harf cũng cho rằng việc Trung Quốc đưa tàu chiến hay bất cứ hành động nằm ngoài khuôn khổ của luật pháp quốc tế cũng đều là khiêu khích. Mỹ đã và luôn hối thúc Trung Quốc giải quyết vấn đề biển Đông một cách hòa bình. "Chúng tôi thảo luận với Trung Quốc nhiều vấn đề và tranh chấp ở biển Đông cũng như Biển Hoa Đông được đưa ra trong mọi cuộc gặp giữa hai bên là làm sao để giải quyết, làm sao để các nước cùng hợp tác. Và chúng tôi cũng nói với các nước khác như thế, chứ không riêng gì Trung Quốc".
Giàn khoan Hải Dương - 981 của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam. |
Trong khi đó, cùng ngày, báo Tagesschau của Đức cũng dẫn lời Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học South Wales, Úc cho rằng Trung Quốc không thể đơn giản đưa giàn khoan dầu xâm phạm và khai thác dầu mà không có sự cho phép của Việt Nam. Theo ông Thayer, đó là hành động gây hấn cao độ khi có tới 70 tàu các loại, từ tàu ngư chính nhỏ tới tàu hải quân, tham gia bảo vệ giàn khoan. Ông Thayer khẳng định đó là hành động bất hợp pháp.
Mạng tin của Nhóm phân tích Nam Á (SAAG) chiều 8/5 đăng bài viết của học giả Ấn Độ, tiến sĩ Subhash Kapila, trong đó nhận định rằng Trung Quốc lại gây sức ép quân sự và áp dụng chính sách “bên miệng hố chiến tranh” chống Việt Nam, một lần nữa đe dọa đến an ninh và ổn định hàng hải tại biển Đông. Theo tiến sĩ Kapila, trong những động thái được coi như một chiến lược có tính toán, hành động khiêu khích mới của Trung Quốc tại các vùng tranh chấp ở biển Đông nhằm chống Việt Nam trong những ngày qua, ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới châu Á-Thái Bình Dương, theo đó tái khẳng định các cam kết an ninh của Mỹ đối với Nhật Bản và Philippines, cho thấy Trung Quốc có thể tiến hành thêm hành động khiêu khích và đe dọa quân sự.
Trong những ngày qua, giới truyền thông quốc tế tiếp tục bày tỏ quan ngại và thông tin đậm nét về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trong vùng biển của Việt Nam. Nhiều hãng truyền thông lớn trên thế giới như AP (Mỹ), AFP (Pháp), Reuters (Anh), DPA (Đức)... cùng các tờ báo uy tín như New York Times, Wall Street Journal, Deutsch Welles, Straits Times của Singapore, các tờ Thế giới, Thời đại, Tấm gương của Đức... đã đồng loạt có bài viết, đưa lại nội dung cuộc họp báo quốc tế tại Hà Nội ngày 7/5 về thông tin các tàu Trung Quốc đã cố tình đâm vào tàu Việt Nam. Các bài viết bình luận nhấn mạnh vụ việc này đã khiến căng thẳng trong khu vực leo thang và "sự hung hăng của Trung Quốc là đáng báo động với nhiều nước trong khu vực." Các báo cũng đánh giá hành vi này của Trung Quốc là “một trong những bước đi khiêu khích nhất” có thể dẫn đến “những xung đột nghiêm trọng hơn”. Các hãng cũng trích đánh giá của giới học giả quốc tế cho rằng “chính sách của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, gây nên tình trạng căng thẳng ở biển Đông”. Theo Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) của Mỹ, Trung Quốc đang tận dụng tình hình chính trị thế giới rối ren để thử khả năng “áp đặt một hiện trạng mới”. Trong khi đó, AFP cho rằng đây là “một thay đổi lớn trong chiến thuật của Trung Quốc”.
Trong một hành động nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Việt Nam, hôm 8/5, Hội hữu nghị Ý-Việt Nam đã lên án hành động Trung Quốc đơn phương đưa dàn khoan vào quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là “vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, gây căng thẳng tăng cao trong vùng, đe dọa an ninh và hòa bình trong toàn bộ khu vực". Nhấn mạnh “Việt Nam là một đất nước độc lập và thịnh vượng, với dân số trẻ, chăm chỉ và hiếu khách, luôn đối mặt với những vấn đề trong nước và quốc tế với lòng quyết tâm và xứng đáng có được hòa bình", Hội hữu nghị Ý-Việt Nam bày tỏ sự “ủng hộ với nhân dân Việt Nam," phản đối hành động của Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc rút dàn khoan cùng toàn bộ tàu của họ ra khỏi khu vực Hoàng Sa.
Thông qua ấn phẩm Mekong cũng như trang web của mình, Hội hữu nghị Ý-Việt Nam cũng sẽ đưa những thông tin cập nhật liên quan đến tình hình biển Đông, những phân tích và tư liệu lịch sử nhằm chứng minh các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về chủ quyền của Việt Nam để cho những người Ý nói chung và những người Ý yêu Việt Nam hiểu hơn về vấn đề này.
Trung Quốc họp báo biện minh việc đưa giàn khoan vào biển Đông Chiều 8/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức cuộc họp báo nhằm biện minh cho việc đưa giàn khoan Hải Dương-981 hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Cùng với việc nhắc lại lập trường về cái gọi là “chủ quyền” của Trung Quốc ở biển Đông, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng bày tỏ tin tưởng Việt Nam và Trung Quốc sẽ giải quyết được vấn đề hiện nay thông qua "đối thoại". Phía Trung Quốc cố tình vu cáo, đổ lỗi cho Việt Nam cũng như nhắc lại lập trường cái gọi là "chủ quyền" ở biển Đông. Đây là nội dung chiếm thời lượng lớn của buổi họp báo, nhưng lại không phải là nội dung mà phóng viên báo giới quan tâm. Những vấn đề mà phóng viên quan tâm và đặt câu hỏi nhiều nhất thì phía Trung Quốc lại không thể trả lời, hoặc trả lời không thỏa đáng. Cụ thể, phía Trung Quốc không đưa ra được hình ảnh nào làm bằng chứng chứng minh cho chỉ trích của nước này về việc “tàu Việt Nam quấy nhiễu tàu Trung Quốc”. Mặc dù được các phóng viên hỏi đi hỏi lại nhiều lần, nhưng đại diện Bộ Ngoại giao cũng như đại diện Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) không giải thích được tại sao nước này phải điều đến hơn 80 tàu các loại để hộ tống một giàn khoan, trong khi bình thường chỉ cần 3 đến 4 tàu phục vụ là đủ. Trước câu hỏi việc lực lượng chức năng của nước này dùng vòi rồng và cho tàu công vụ tấn công tàu Việt Nam có phải là hành vi ức hiếp thô bạo hay không và Trung Quốc đã điều bao nhiêu tàu đến khu vực giàn khoan Hải Dương-981, trong đó có bao nhiêu tàu hải quân, Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc tỏ ra lúng túng, cố tình né tránh câu trả lời. Tại cuộc họp báo, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng bày tỏ quan điểm muốn giải quyết tình hình hiện nay thông qua đối thoại đàm phán. Ông Dị Tiên Lương, Vụ trưởng Vụ biên giới và hải đảo Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Kênh trao đổi giữa hai nước là thông suốt. Kể từ khi xảy ra vụ việc đến nay, hai bên đã tiến hành 14 lần trao đổi. Trung Quốc mong muốn cùng phía Việt Nam thông qua trao đổi để giải quyết tình hình hiện nay”. |
BTV (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+, VOV)