Thứ Ba, 15/10/2024 17:30 CH
Thượng viện Mỹ hoãn cuộc bỏ phiếu thử về Syria
Thứ Ba, 10/09/2013 11:00 SA

Theo AFP/Reuters, ngày 9/9, thủ lĩnh phe đa số ở Thượng viện Mỹ Harry Reid cho biết ông đã hoãn cuộc bỏ phiếu thủ tục quan trọng về việc cho phép sử dụng vũ lực với Syria cho đến khi Tổng thống Barack Obama công khai phát biểu về vấn đề này.

 

My-130910.jpg

Thượng Nghị sĩ Mỹ John McCain (trái) và Thượng Nghị sĩ Dick Durbin tại phiên điều trần Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ở Washington D.C., ngày 3/9. - THX/ TTXVN

Ông Reid cho hay: "Tôi muốn đảm bảo rằng tổng thống sẽ nêu vấn đề với thượng viện và nhân dân Mỹ trước khi bỏ phiếu về vấn đề này”. Dự kiến, Tổng thống Obama sẽ gặp giới thượng nghị sĩ trong ngày 10/9 và phát biểu trước toàn dân vào tối cùng ngày, trong khi ông Reid trước đó có kế hoạch tiến hành cuộc bỏ phiếu thử vào ngày 11/9.

 

Nếu có sự phản đối về đề nghị này, ít nhất một nghị sĩ Cộng hòa đã đe dọa điều này vào tuần trước, thì Thượng viện cần ít nhất 60/100 phiếu thuận để đưa nghị quyết này lên trên. Các nghị sĩ Dân chủ kiểm soát Thượng viện, song hiện không rõ Tổng thống Barack Obama có đủ sự ủng hộ tại Thượng viện để đạt ngưỡng 60 phiếu thuận hay không.

 

Trong khi đó, theo kết quả thăm dò dư luận mới của Reuters/Ipsos, số người Mỹ phản đối nước này tấn công Syria đang tăng sau khi họ biết thêm về cáo buộc chính quyền Damascus sử dụng vũ khí hóa học. Cuộc thăm dò tiến hành từ ngày 5-9/9 cho thấy 63% người Mỹ phản đối can thiệp vào Syria. Đây là sự gia tăng so với con số 53% của cuộc thăm dò hôm 30/8, thời điểm một tuần sau khi xảy ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại ngoại ô Damascus.  Trong khi đó, số người ủng hộ Mỹ can thiệp vào Syria cũng giảm, từ 20% xuống còn 16%. Trong trường hợp chứng minh được quân đội của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học, cũng chỉ có 26% số người Mỹ cho rằng nên can thiệp. Số người phản đối là 52%, tăng so với con số 44% của cuộc thăm dò cuối tháng 8.

 

Trong diễn biến cùng ngày, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ, bà Susan Rice cho biết Washington cần tấn công Syria để phát đi thông điệp tới Iran về chương trình hạt nhân của quốc gia Hồi giáo này. Phát biểu tại Quỹ nước Mỹ mới, bà Rice nêu rõ: "Chúng ta không thể cho phép những kẻ khủng bố quyết tâm hủy diệt, hoặc một nước Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, hoặc một nước Iran tham vọng sở hữu hạt nhân, được tin rằng chúng ta từ bỏ quyết tâm thực hiện những lời cảnh báo lâu nay". Bà Rice cũng nói rằng Mỹ có ý định tiếp tục hối thúc tổ chức hội nghị hòa bình về Syria do Liên Hợp Quốc bảo trợ tại Geneva sau khi Mỹ tấn công hạn chế vào Syria.  Hiện các hành động quân sự này đang được Quốc hội Mỹ xem xét. Ngoài ra, bà cũng khẳng định bất cứ hành động quân sự nào nhằm vào Syria đều không phải "một cuộc chiến tranh mới".

 

Trong diễn biến khác, trong một động thái bất ngờ, Ngoại trưởng Syria, Walid al-Moualem hôm qua cho biết Syria hoan nghênh đề xuất của Nga về việc trao quyền kiểm soát kho vũ khí hóa học của quốc gia Trung Đông này cho cộng đồng quốc tế, mở ra giải pháp ngoại giao đối với cuộc khủng hoảng tại Syria.  Tuyên bố của Ngoại trưởng Syria được đưa ra ngay sau cuộc gặp tại Moscow hôm qua với người đồng cấp Nga, Sergey Larvov, trong đó, ông Lavrov đề nghị Syria đặt kho vũ khí hóa học của nước này dưới sự kiểm soát của quốc tế nếu điều này giúp tránh được một cuộc tấn công quân sự.

 

Về phần mình, Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Tony Blinken nhấn mạnh: "Rõ ràng là đề xuất trên được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang đe dọa tấn công Syria cũng như trước những sức ép liên tục của Tổng thống Barack Obama. Do vậy, điều quan trọng là chúng ta cần tiếp tục gâp áp lực và Quốc hội chấp thuận kế hoạch can thiệp quân sự của Tổng thống”.

 

Phản ứng trước động thái trên, Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi đề xuất của Nga là một sự tiến triển tích cực tiềm tàng, thể hiện bước đột phá đáng kể trong vấn đề Syria. Tuy nhiên, ông Obama vẫn bày tỏ hoài nghi về khả năng chính phủ Syria tuân thủ những nghĩa vụ của nước này.  Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cũng nêu rõ đề xuất của Nga xuất phát từ mối đe dọa hiện hữu của một chiến dịch quân sự của Mỹ và Washington không tin tưởng chính quyền Bashar al-Assad.

 

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho biết Mỹ sẽ xem xét kỹ lưỡng đề xuất trên nhưng sẽ không loại trừ đây là chiến thuật kéo dài thời gian của Syria. Theo bà Harf, trong suốt 2 năm qua và cả trước đó, Tổng thống Bashar al-Assad luôn từ chối trao quyền kiểm soát kho vũ khí hóa học của Syria cho cộng đồng quốc tế bất chấp những yêu cầu liên tục từ phía Mỹ.

 

Trong khi đó, một quan chức Mỹ cho biết Ngoại trưởng nước này John Kerry đã tuyên bố với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov rằng những bình luận của ông Kerry về việc Syria tránh một cuộc tấn công của Hoa Kỳ bằng cách giao nộp vũ khí hóa học trong vòng 1 tuần là quá lời và không phải là một đề xuất. Theo quan chức trên, ông Kerry cũng bày tỏ "hoài nghi" khi ông Lavrov đề nghị thực hiện ý tưởng trên, và cho rằng Mỹ sẽ cân nhắc mọi đề xuất nghiêm túc. Tuy nhiên, đó không thể là lý do làm chậm các nỗ lực của Nhà Trắng để được Quốc hội cho phép tấn công Syria.

 

Trong diễn biến liên quan cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ hy vọng sẽ có "hành động" theo sau đề xuất "thú vị" của Nga về đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát quốc tế, và đây không phải là biện pháp để câu giờ.  Trong khi đó, Tổng thống Israel Shimon Peres đã bày tỏ nghi ngờ về đề xuất của Nga, cho rằng nó "khó giải quyết" vì Chính phủ Syria là "không thể tin tưởng được".

 

Cùng ngày, Phó cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Tony Blinken cho biết nước này sẽ "xem xét kỹ càng" đề xuất của Nga về việc đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát quốc tế, song Quốc hội Mỹ vẫn cần chấp thuận hành động quân sự để tăng sức ép với Damascus.

 

Trong khi đó, sau cuộc gặp với Tổng thống Barack Obama cùng ngày, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói rằng đề xuất trên của Nga là "một bước đi quan trọng", đồng thời cảnh báo Moscow cần tận tâm hỗ trợ các nỗ lực quốc tế nhằm tháo ngòi khủng hoảng tại Syria. Cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết đề xuất của Nga là có thể chấp nhận được dưới các điều kiện: Tổng thống Syria Bashar al-Assad cần nhanh chóng giao cho quốc tế kiểm soát kho vũ khí hóa học, cho phép tiêu hủy chúng và hoạt động này cần được thực hiện sau một dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

 

Từ trụ sở Liên Hợp Quốc tại New York, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho biết: “Trong những ngày qua, chúng tôi cũng đã xem xét một số đề xuất riêng của Liên Hợp Quốc. Tôi đang cân nhắc đề nghị Hội đồng Bảo an yêu cầu Syria di dời các kho vũ khí hóa học đến các địa điểm có thể cất giữ và tiêu hủy chúng một cách an toàn trong lãnh thổ nước này”.

 

Dự kiến vào cuối tuần này hoặc trong tuần sau, nhóm thanh sát viên của Liên Hợp Quốc do Tiến sĩ Ake Sellstrom người Thụy Điển đứng đầu sẽ báo cáo lên Tổng thư ký Ban Ki-moon về kết quả điều tra vụ tấn công vũ khí hóa học tại Syria hôm 21/8 mà theo Liên Hợp Quốc đã khiến hơn 1.400 dân thường thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em. 

 

Tổng Thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh nếu báo cáo xác nhận việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria thì đó sẽ là một tội ác ghê tởm và cộng đồng quốc tế chắc chắn sẽ phải thực thi một số hành động. Ông Ban Ki-moon cũng hối thúc Syria tham gia Công ước quốc tế về chống các loại vũ khí hóa học, một hiệp ước mà Damascus chưa bao giờ ký kết.

 

H.TRỌNG (tổng hợp từ Vietnam+, VOV)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek