Thứ Bảy, 12/10/2024 03:27 SA
Tòa án LHQ: Serbia không ngăn chặn diệt chủng tại Bosnia
Thứ Ba, 27/02/2007 09:07 SA

Tòa án Quốc tế hôm 25/2 đã ra phán quyết rằng Serbia không phải chịu trách nhiệm trực tiếp về tội diệt chủng trong cuộc chiến tranh Bosnia đầu những năm 1990. Tuy nhiên, Belgrade đã vi phạm luật quốc tế do không ngăn chặn vụ thảm sát người Hồi giáo Bosnia năm 1995 tại Srebrenica.

070227--Bosnia.jpg

Một phụ nữ Hồi giáo Bosnia cầu nguyện trước nấm mộ của người thân tại nghĩa trang chiến tranh Sarajevo

Tòa án Quốc tế cũng yêu cầu Serbia giao tướng Ratko Mladic cho Tòa án Tội phạm quốc tế về Liên bang Nam Tư cũ để xét xử. Tướng Mladic đã chỉ huy cuộc tấn công của người Serbia tại Bosnia vào Srebrenica. Serbia nói rằng nước này không thể bắt giữ ông Mladic mặc dù các công tố viên LHQ nói rằng ông Mladic đã thoát được sự bắt giữ với sự giúp đỡ của lực lượng an ninh Serbia.

Bosnia đã kiện Serbia trước Tòa án Quốc tế và nếu thành công sẽ nhận được hàng tỷ đôla tiền bồi thường từ Serbia. Đây là lần đầu tiên một nhà nước bị kiện về tội diệt chủng. 

Bosnia nói rằng Belgrade đã kích động sự thù ghét sắc tộc, vũ trang cho người Serbia ở Bosnia và tham gia tích cực vào các vụ thảm sát khoảng 7.000 người Hồi giáo tại Srebrenica. Belgrade phản bác rằng xung đột ở Bosnia là một cuộc nội chiến giữa các nhóm sắc tộc tại đó và phủ nhận mọi vai trò liên quan tới diệt chủng.

Ít nhất 100.000 đã chết trong cuộc chiến 1992-1995 này, do sự tan vỡ của Liên bang Nam Tư gây ra. Người Hồi giáo và người CroatiaBosnia muốn cắt đứt các quan hệ với Belgrade - điều mà người SerbiaBosnia phản đối. Mặc dù có bằng chứng về các vụ giết người, hãm hiếp và tra tấn phổ biến tại các nơi khác trong suốt cuộc chiến tranh Bosnia, đặc biệt là tại các trung tâm giam giữ, các thẩm phán ra phán quyết rằng chỉ có thảm sát ở Srebrenica mới đáp ứng các tiêu chí về diệt chủng.

Các lãnh đạo Hồi giáo Bosnia đã tỏ ra thất vọng trước phán quyết có tính ràng buộc này. Một số người sống sót sau cuộc xung đột Bosnia đã biểu tình bên ngoài tòa án khi phán quyết được đưa ra. Họ giương cao một biểu ngữ với dòng chữ ''Serbia có tội''.

Tại Brussels, Friso Roscam Abbing - phát ngôn viên Ủy ban châu Âu, đã kêu gọi cả hai bên tôn trọng phán quyết này để đảm bảo công lý và giúp cho tiến trình hòa giải được bắt đầu.

Chánh án Rosalyn Higgins trước đó đã bác bỏ lý lẽ của Serbia rằng Tòa án của LHQ này không có thẩm quyền xét xử. Tòa án Quốc tế chỉ có thể ra phán quyết về các tranh chấp giữa các nước thành viên LHQ. Do tư cách thành viên của Nam Tư bị đình chỉ năm 1992 và Liên bang Serbia-Montenegro được kết nạp vào năm 2001 nên Serbia nói rằng các hành động của nước này không thể được xét xử. 

Kể từ đó SerbiaMontenegro đã phân tách thành hai nhà nước có chủ quyền. Theo một hiệp đình hòa bình 1995, Bosnia vẫn là một nhà nước đơn nhất song quyền lực được phân chia cho hai thực thể riêng biệt: liên bang Bosnia and Herzegovina của người Hồi giáo-Croatia và một nước Cộng hòa của người Serbia tại Bosnia. Mỗi thực thể có tổng thống, quốc hội, chính phủ riêng biệt và các cơ quan khác. Bao quát hai thực thể này là một chính phủ trung ương Bosnia với chức tổng thống được luân phiên.

Theo VNN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek